• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kiên Giang Xây dựng, thực hiện mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em

Văn hoá 23/06/2020 06:11

(Tổ Quốc) - Kiên Giang Xây dựng, thực hiện mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; Tập huấn về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em là tin tức gia đình tiêu biểu tại 2 tỉnh mới đây.

Kiên Giang Xây dựng, thực hiện mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em

Với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016- 2020 đã được triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

Cùng với việc tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em, đã xây dựng, thực hiện các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em. Diễn đàn trẻ em là mô hình được duy trì tổ chức định kỳ hàng năm nhân dịp Tháng hành động vì trẻ em. Toàn tỉnh đã tổ chức 60 cuộc, trong đó có 5 diễn đàn trẻ em cấp tỉnh với 600 em tham gia, 55 diễn đàn cấp huyện, với 4.818 lượt em, có 640 lượt ý kiến, khuyến nghị của các em tại các diễn đàn; qua 2 đợt, đưa 8 em tham dự diễn đàn quốc gia tại Hà Nội. Ngoài ra, 100% đơn vị, trường học tổ chức diễn đàn để trẻ em nói lên ý kiến, tâm tư nguyện vọng của các em. Thông qua hoạt động diễn đàn đã tạo điều kiện cho các em được gặp gỡ đại biểu quốc hội, đại biểu lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện để nói lên ý kiến, nguyện vọng của trẻ em; hầu hết các em đều mạnh dạn bày tỏ ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc xoay quanh các quy định của Luật Trẻ em và các vấn đề liên quan đến nguy cơ ảnh hưởng cuộc sống an toàn, lành mạnh của trẻ em; việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong học đường, tình hình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần được giúp đỡ, quyền tham gia của trẻ em. Ý kiến của các em đã được các cơ quan, ban ngành, đoàn thể giải đáp trực tiếp, nghiên cứu, đề xuất và tổ chức thực hiện. Từ đó đã tạo chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, xây dựng môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh cho trẻ em.

Kiên Giang Xây dựng, thực hiện mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em  - Ảnh 1.

Mô hình "Câu lạc bộ phóng viên nhỏ" của Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. (Nguồn: BTC), Ảnh minh họa

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai, hỗ trợ phường Vĩnh Quang (thành phố Rạch Giá), huyện Giang Thành và huyện Vĩnh Thuận thành lập 3 Câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em, duy trì sinh hoạt đều đặn định kỳ 1 lần/tháng; mỗi năm tổ chức được 3 lớp tập huấn kỹ năng phát huy quyền tham gia cho 150 em; các em là thành viên câu lạc bộ thường xuyên tham gia nhóm trẻ em nòng cốt, tuyên truyền cho các trẻ em khác hiểu biết thêm về các quy định Luật Trẻ em, quyền và bổn phận trẻ em, các em tham gia các hoạt động hội thi, hội diễn do địa phương tổ chức; bên cạnh đó thường xuyên quan tâm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân các dịp lễ, tết. 

Qua đó tạo điều kiện cho các em phát huy khả năng, tổng hợp được ý kiến, nguyện vọng của trẻ em và báo cáo kết quả hoạt động theo quy định. Phát huy vai trò của các đội, nhóm thanh niên tình nguyện, đội tuyên truyền măng non trong việc tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Hội đồng Đội các huyện, thành phố tham mưu Ban Thường vụ Đoàn cùng cấp chỉ đạo Đoàn cấp xã tổ chức xây dựng các câu lạc bộ, đội, nhóm thanh niên tình nguyện về thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; thành lập 74 câu lạc bộ tại các xã, phường, thị trấn; thành lập, duy trì trên 500 câu lạc bộ sở thích, tài năng, học thuật (trong đó có trên 150 câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em được thành lập trên cơ sở tham gia tự nguyện của trẻ em, do trẻ em chủ động xây dựng và triển khai các hoạt động liên quan đến quyền và bổn phận trẻ em).

Đối với mô hình thăm dò ý kiến trẻ em; mô hình Hội đồng trẻ em; các chương trình hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện, tuy chưa thực hiện được các mô hình này nhưng các sở, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh có tổ chức các hoạt động thăm dò ý kiến trẻ em, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và phát huy quyền tham gia của trẻ em thông qua nhiều hình thức. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì trẻ em, Tết Trung thu trên địa bàn toàn tỉnh; các hoạt động vui chơi, giải trí, phát huy quyền tham gia của trẻ em được tổ chức rộng khắp trong các trường học, địa bàn dân cư với nhiều hình thức sôi nổi, phong phú, thu hút trên 1 triệu 900 ngàn lượt trẻ em tham gia. 

Năm 2016, đưa 100 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tham gia trại hè "Ước mơ hồng" tại tỉnh Bạc Liêu. Thực hiện chức năng là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Tỉnh đoàn đã thành lập 1 tổ giúp việc, 1 câu lạc bộ tư vấn cấp tỉnh, 15 tổ giúp việc và 15 câu lạc bộ tư vấn cấp huyện trong học đường. Hội đồng Đội, Nhà Thiếu nhi tỉnh phối hợp tổ chức 55 cuộc nói chuyện chuyên đề thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em cho 17.586 lượt đội viên, thiếu nhi tham gia; đưa nội dung thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào 1.858 cuộc sinh hoạt, tập huấn của các liên đội, với trên 350 ngàn lượt đội viên, thiếu nhi tham dự.

Những năm qua Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hiệu quả hoạt động thăm dò ý kiến trẻ em tại các trường học thông qua tổ chức các buổi đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường với giáo viên, học sinh định kỳ 2 lần/năm và các buổi sinh hoạt Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trong trường học, có trên 400 trường duy trì tổ chức, qua đó xử lý kịp thời những vấn đề khó khăn, bức xúc diễn ra trong học sinh. Triển khai thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, đã phối hợp tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp bồi dưỡng kỹ năng tư vấn tâm lý cho giáo viên chủ nhiệm tại các trường THCS trên địa bàn tỉnh"; toàn tỉnh có 255 trường thành lập tổ tư vấn tâm lý trong trường học, các trường còn lại đều tổ chức lồng ghép tư vấn theo sự vụ, sự việc, qua đó có 34.189 lượt học sinh được tư vấn, hỗ trợ. Các trường học trong tỉnh phối hợp Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu niên tổ chức 36 lớp rèn luyện kỹ năng sống (kỹ năng phòng tránh đuối nước, kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em…) cho 10.800 học sinh tham gia.

Hệ thống Nhà Thiếu nhi, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên; các thiết chế văn hóa và thể thao từ tỉnh đến huyện, xã đã và đang phát huy khá tốt, đáp ứng nhu cầu tham gia sử dụng, hưởng thụ của cộng đồng và trẻ em ngày càng tăng như: Sân vận động tỉnh, Công viên văn hóa An Hòa, Rạp chiếu bóng Thắng Lợi, Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Nhà Thi đấu đa năng, Hồ bơi An Hòa…; 13/15 huyện, thành phố có Trung tâm Văn hóa - Thể thao; 86/145 xã được đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao tương đối hoàn chỉnh; 139/957 ấp, khu phố có trụ sở làm việc gắn với nơi sinh hoạt, hội họp…

Để triển khai thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu là tạo môi trường thuận lợi và nâng cao năng lực cho trẻ em trong việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật và Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất các cấp, các ngành tiếp tục phối hợp thực hiện hiệu quả hơn nữa 5 mô hình: Diễn đàn trẻ em; thăm dò ý kiến trẻ em; mô hình Hội đồng trẻ em; câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em và mô hình các chương trình hoạt động do trẻ em khởi xướng, thực hiện.

Tập huấn về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình

Vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang phối hợp với Ban Chỉ đạo Công tác gia đình huyện Kiên Hải tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại trẻ em. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; Tháng hành động vì trẻ em năm 2020.

Tham dự Hội nghị có hơn 60 đại biểu là thành viên Ban Chỉ đạo Công tác gia đình huyện Kiên Hải; đại diện lãnh đạo UBND các xã, cán bộ Phụ nữ và công chức văn hóa xã; lãnh đạo các ấp, hội viên, thành viên các Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, gia đình hạnh phúc và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình.

Tại Hội nghị, các đại biểu được truyền tải, nghiên cứu, trao đổi các chuyên đề: Kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình; Tìm hiểu về Luật Hôn nhân và Gia đình; Thực trạng và giải pháp phòng, chống bạo hành và xâm hại trẻ em; Hướng dẫn kỹ năng phòng, chống bạo hành và xâm hại trẻ em trong gia đình và ngoài xã hội; Hướng dẫn thực hiện Thông tư 07/2017/TT-BVHTTDL ngày 29/12/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc Quy định về thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến lớp tập huấn.

Thông qua lớp tập huấn nhằm hướng dẫn, cập nhật kiến thức cơ bản, nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình để áp dụng vào thực tiễn hoạt động, giúp địa phương thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình; đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, thành viên, hội viên các câu lạc bộ về phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống bạo hành đối với trẻ em, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững. Tạo điều kiện để cán bộ trực tiếp theo dõi, triển khai công tác gia đình trên địa bàn huyện trao đổi kinh nghiệm, tăng cường sự phối hợp liên kết trong công tác chuyên môn nghiệp vụ.

Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành văn bản giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai, thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 về tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.

Theo đó, nhằm tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền, lợi ích của trẻ em và bảo vệ trẻ em, Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị tới ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như sau:

Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp tham mưu cho Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành nghị quyết để thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em trên địa bàn;

Bố trí ngân sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, nhất là việc triển khai các hoạt động, chương trình, kế hoạch, đề án về trẻ em đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Chỉ đạo, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số cán bộ, công chức hoặc người hoạt động không chuyên trách, có nhóm thường trực bảo vệ trẻ em hoạt động hiệu quả và có chính sách hỗ trợ hoạt động;

Kiểm tra, rà soát việc triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, thân thiện với trẻ em, đặc biệt đối với các phương tiện giao thông đưa đón học sinh, khu dân cư, nhà cao tầng, khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em, cơ sở giáo dục, các thiết chế văn hóa, thể thao thuộc địa bàn quản lý.



Thủy Bích (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ