• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kiều bào hiến kế xây dựng phát triển đất nước

Thế giới 22/08/2024 12:16

(Tổ Quốc) - Sáng ngày 22/8, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan đã tổ chức lễ khai mạc Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài tại Hà Nội.

Phiên khai mạc có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đặc biệt, sự kiện năm nay có hơn 600 đại biểu, trong đó có 400 kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã về nước tham dự.

Hội nghị năm 2024 có chủ đề "NVNONN chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước".

Sau bài phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, hội nghị đã nhận được ý kiến tham luận từ các kiều bào như ông Hoàng Đình Thắng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UB TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu và doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn...

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Đình Thắng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UB TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu cho biết, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh, không chỉ gia tăng về số lượng mà mức độ hội nhập, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, thành công trong sự nghiệp và tham gia vào đời sống chính trị tại các quốc gia ngày càng mạnh mẽ. Phong trào cộng đồng, hoạt động của các hội đoàn người Việt trên thế giới ngày càng sôi nổi, kết nối cộng đồng, với mục đích tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống ở nước ngoài và đoàn kết, hướng về quê hương, đóng góp vào sự nghiệp chung xây dựng đất nước của cả dân tộc.

Kiều bào hiến kế xây dựng phát triển đất nước - Ảnh 1.

Ông Hoàng Đình Thắng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UB TW Mặt trận Tổ quốc VN, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu

Để có những thành tựu như ngày hôm nay, bên cạnh những nỗ lực của từng cá nhân trong cộng đồng NVNONN, cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với NVNONN, các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội ở trong nước, các thành tựu trong lĩnh vực đối ngoại. Tất cả các yếu tố này đã góp phần tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển và vị thế của cộng đồng NVNONN.

"Chúng tôi xin bày tỏ sự trân trọng đối với tình cảm, sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ ban ngành và địa phương, nhân dân trong nước đối với cộng đồng NVNONN. Đăc biệt xin dành lời cám ơn tới Ủy ban Nhà nước về NVNONN, nơi gắn bó và là mái nhà chung của kiều bào ta ở nước ngoài", ông Hoàng Đình Thắng nói.

Thay mặt Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, ông Hoàng Đình Thắng đề xuất Nhà nước tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác NVNONN thành các quy định pháp luật cụ thể theo hướng để chúng tôi được gần gũi hơn với quê hương với tư cách là người con đất Việt.

Về việc hỗ trợ cộng đồng, ông Hoàng Đình Thắng đề nghị, thông qua tiếp xúc cấp cao và kênh ngoại giao, cần thúc đẩy một số quốc gia công nhận cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ở một số địa bàn có đủ điều kiện là dân tộc thiểu số; thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước, tăng cường quản lý hoạt động đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài và công tác đào tạo tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi ra nước ngoài.

Bên cạnh đó là hỗ trợ thành lập mới các hội đoàn NVNONN phù hợp với đặc thù của từng địa bàn (thành lập hội Người Việt Nam liên khu vực hoặc hội trong từng lĩnh vực khác nhau); tạo các diễn đàn cho cán bộ hội đoàn NVNONN có "sân chơi" để kết nối, trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm; hỗ trợ hoạt động của các hội đoàn mặc dầu rất tích cực nhưng gặp khó khăn trong vận hành tổ chức; quan tâm đến việc xây dựng và bồi dưỡng cán bộ hội đoàn trẻ, chuẩn bị tốt cho việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo hội đoàn.

Tiếp tục quan tâm, thúc đẩy quan hệ, giao lưu kinh tế với các nước, xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp người Việt ở sở tại giao lưu, kết nối, chia sẻ, góp phần thúc đẩy từng doanh nghiệp tiến sâu hơn vào thị trường sở tại; tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn để kiều bào có thể đầu tư về trong nước.

Đặc biệt là quan tâm, hỗ trợ giữ gìn văn hóa Việt và tiếng Việt thông qua việc tăng cường tổ chức các lớp học tiếng Việt (theo hình thức trực tuyến và trực tiếp), cử thêm giáo viên dạy tiếng Việt, hỗ trợ giáo trình, tài liệu, giáo cụ cho con em NVNONN ở sở tại; tăng cường chương trình liên kết, trao đổi sinh viên Việt Nam với các nước; tổ chức thêm các sự kiện văn hóa, văn nghệ ở nước ngoài để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với sở tại và phục vụ cộng đồng.

Về nguồn lực triển khai công tác về NVNONN, kiều bào Hoàng Đình Thắng mong muốn, Đảng và Nhà nước tiếp tục dành sự quan tâm sâu sắc tới cộng đồng NVNONN và tiếp tục chú trọng công tác về NVNONN thông qua việc tăng cường các nguồn lực tương xứng để triển khai công tác này. Cụ thể như củng cố bộ máy làm công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đặc biệt là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, tăng cường nguồn nhân lực và tài chính cho các cơ quan làm công tác NVNONN tại địa phương, bộ ban ngành và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

"Chúng tôi đánh giá cao, trong thời gian qua nhiều chính sách, pháp luật đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho kiều bào tham gia nhiều mặt trong đời sống kinh tế xã hội trong nước, đặc biệt trong năm 2023, 2024 đã có bước tiến trong chính sách về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, giúp tháo gỡ vướng mắc khó khăn và huy động nguồn lực của kiều bào cho phát triển kinh tế đất nước", ông Hoàng Đình Thắng nhấn mạnh.

Lan tỏa hình ảnh Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cũng cho rằng công tác ngoại giao nhân dân trong những năm qua đã góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước, bảo vệ lợi ích quốc gia, giới thiệu đến bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam, về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong đó, kiều bào ta ở nước ngoài - với hơn 6 triệu người sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ - là một lực lượng quan trọng không thể thiếu, đã làm tốt vai trò ngoại giao nhân dân, cũng như huy động các nguồn lực bên ngoài cho sự phát triển của đất nước.

Kiều bào hiến kế xây dựng phát triển đất nước - Ảnh 2.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương

"Là một kiều bào, tôi tự hào được góp phần trong những thành tựu đó. Trải qua nhiều năm đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam, tôi nhận thấy hiện nay đang là cơ hội tốt nhất cho kiều bào trở về làm ăn tại Việt Nam", ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết tại Hội nghị.

Theo kiều bào Philippines, thời gian qua, với tầm nhìn chiến lược, Chính phủ đã không ngừng hoàn thiện và ban hành các chính sách mới, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, kinh tế, giáo dục và khoa học công nghệ. Nhờ đó môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt, tạo các cơ chế thuận lợi, không chỉ thu hút nguồn vốn mà còn là sự trở về của tri thức, kinh nghiệm và tinh thần sáng tạo từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Về thu hút nhân tài, nhất là thế hệ trẻ từ cộng đồng kiều bào, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhận định thế hệ trẻ là nguồn lực tiềm năng lớn cho đất nước. Chính phủ nên có chiến lược thu hút sinh viên, thanh niên Việt kiều về thực tập, khởi nghiệp, tham gia các dự án cộng đồng tại Việt Nam để giúp họ gắn kết với nguồn cội và mang đến những sáng kiến mới, góp phần phát triển đất nước.

"Một điều rất đáng mừng là thời gian gần đây tôi nhận thấy có rất nhiều các bạn trẻ từ nước ngoài trở về Việt Nam lập nghiệp, trong đó có cả các bạn sinh ra ở nước ngoài. Điều này chứng tỏ có một sự dịch chuyển không nhỏ của tri thức từ nước ngoài về Việt Nam, đặc biệt là ở các nước có nền công nghệ và kinh tế phát triển", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.

Ở thành phố Hồ Chí Minh hiện có gần 100 công ty start up và nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm của các bạn kiều bào trẻ, trong đó đa số về từ Hoa Kỳ. Để có thể phát huy khả năng của các bạn, tranh thủ những công nghệ mới mà các bạn sáng tạo ra, tôi đề nghị Chính phủ nên áp dụng cơ chế sandbox, cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, những mô hình kinh doanh mới mà không đòi hỏi nhiều giấy phép. Có những doanh nhân công nghệ trẻ gốc Việt đã từng tiên phong sáng tạo ra những công nghệ mới chưa từng có trên thế giới nhưng khi họ đem về Việt Nam thì còn bị hạn chế bởi các chính sách của Việt Nam chưa tương thông với quốc tế.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ tạo điều kiện hơn nữa để các bạn trẻ kiều bào được thuận lợi trong việc xin quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài, làm căn cước… để có thể ổn định cuộc sống lâu dài ở Việt Nam, điều này vô cùng quan trọng và tôi được biết là nhiều bạn kiều bào trẻ đang gặp khó khăn trong vấn đề này.

Về hoàn thiện môi trường đầu tư, mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong cải thiện môi trường đầu tư, nhưng vẫn cần tăng cường tính minh bạch, đơn giản hóa thủ tục. Cần xem xét cơ chế một cửa dành riêng cho kiều bào, nơi có thể cung cấp thông tin, tư vấn và giải quyết nhanh chóng các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư.

Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt thúc đẩy chuyển đổi số, tuy nhiên cần quy hoạch các "cụm công nghệ" với hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, đặt tại các thành phố lớn và vùng kinh tế trọng điểm, nơi doanh nghiệp và các startup công nghệ có thể tương tác, chia sẻ tri thức và hợp tác nghiên cứu. Cần tạo cơ chế ưu đãi đặc biệt cho những dự án hạ tầng dữ liệu quốc gia, phát triển AI, bán dẫn, thúc đẩy các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này không chỉ giúp tăng cường năng lực công nghệ của quốc gia mà còn mang đến nguồn vốn và tri thức quốc tế cho quá trình chuyển đổi số. Việt Nam cần có cơ chế đặc biệt để thúc đẩy các vườn ươm công nghệ, đầu tư mạo hiểm vì đó là những thành tố chính trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo giúp cho những người sáng tạo thuận lợi trong việc tạo ra các công nghệ mới và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ đó.

Về chính sách khuyến khích kiều bào tham gia phát triển du lịch và đầu tư bán lẻ du lịch, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng Việt Nam đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc tế, nhưng để phát triển bền vững và tạo ra sự khác biệt, chúng ta cần tận dụng tốt hơn sự kết nối với mạng lưới tại các thị trường lớn quốc tế thông qua cộng đồng Việt kiều toàn cầu.

"Chúng ta cần có các cơ chế hỗ trợ kết nối các hệ thống cửa hàng bán lẻ của kiều bào tại nước ngoài để trưng bày và bán các sản phẩm Việt. Điều này sẽ giúp nâng cao vị thế thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế. Mặt khác, Việt Nam cần đầu tư phát triển hạ tầng thương mại và dịch vụ chất lượng cao, chuyên nghiệp hóa hệ thống bán lẻ tại các điểm du lịch, cần phát triển các trung tâm thương mại, tích hợp với tiêu chuẩn quốc tế để thu hút khách du lịch", ông nói./.


Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ