• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kỳ vọng những giải pháp ứng phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu tại G20

Thế giới 16/11/2022 14:00

(Tổ Quốc) - Hội nghị cấp cao thường niên của nhóm G20 khai mạc tại Bali (Indonesia) diễn ra từ ngày 15/11 trong bối cảnh nguy cơ suy thoái bao trùm kinh tế toàn cầu.

Nỗ lực khôi phục tốc độ tăng trưởng được xem là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự G20 năm nay.

Kỳ vọng những giải pháp ứng phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu tại G20 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều nguy cơ

Lạm phát cao, mất an ninh lương thực và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu là những vấn đề được quan tâm khi hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Bali.

Theo New York Times, lãnh đạo các nền kinh tế G20 đang thể hiện tâm lý tích cực và thúc đẩy nỗ lực đối phó với các mối đe dọa này. Các nhà lãnh đạo hy vọng hội nghị G20 sẽ làm trung gian cho các thỏa thuận nhằm giảm giá dầu toàn cầu, giúp các thị trường mới nổi thoát khỏi nợ nần chồng chất và tăng nguồn cung lương thực cho các quốc gia nghèo hơn khi giá ngũ cốc, gạo và các mặt hàng chủ lực khác đã tăng vọt kể từ khi căng thẳng leo thang ở Ukraine. Đây là thời điểm quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu khi lãi suất gia tăng trên khắp thế giới đang làm chậm tốc độ tăng trưởng cũng như làm gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế. Đồng đô la Mỹ tăng giá cũng làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ nần đối với các nền kinh tế đang phát triển.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo về triển vọng tăng trưởng vào tháng trước, ước tính tăng trưởng toàn cầu sẽ vẫn chậm lại trong năm nay và năm tới. Trong dự báo mới nhất của mình, IMF cho biết nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay và giảm xuống còn 2,7% vào năm 2023. Dữ liệu của họ cũng cho biết, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có tín hiệu chững lại. Các quốc gia như Anh đã bước vào thời kỳ suy thoái.

Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành của IMF cho biết các tín hiệu hồi phục đầy hy vọng vào năm ngoái đã bị thay thế bằng sự suy giảm đột ngột của nền kinh tế thế giới vì Covid, căng thẳng Ukraine và thảm họa khí hậu ở tất cả các khu vực.

Ngân hàng thế giới World Bank cho biết tình trạng mất an ninh lương thực vẫn là vấn đề lớn mặc dù giá lương thực đã giảm (từ đà tăng vọt trước đó) trong những tháng gần đây. Hơn 200 triệu người được dự đoán sẽ đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng vào năm 2022.

"Lạm phát giá lương thực tiếp tục duy trì ở mức cao tại hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cũng như các quốc gia có thu nhập cao", World Bank ghi nhận.

Hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng

Tại Bali, các quan chức chính quyền Mỹ khẳng định nước này và các đồng minh luôn mong muốn phối hợp với các quốc gia nghèo hơn để đối phó với nguy cơ rơi vào suy thoái kéo dài, gây tổn hại cho các quốc gia mới nổi. Các quan chức hy vọng sẽ giúp các quốc gia mắc nợ nặng nề tránh rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính.

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới tiếp tục tăng lãi suất nhằm giảm lạm phát. Các đợt tăng lãi suất này đang đẩy đồng đô la tăng giá so với nhiều ngoại tệ khác, và gây tổn hại cho các quốc gia như Sri Lanka, Chad và Ghana - những nước thường vay đô la để mua lương thực, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác.

Nhiều nước mong muốn Quỹ Tiền tệ Quốc tế đẩy nhanh các nỗ lực xóa nợ do các quốc gia chịu áp lực tài chính từ việc tăng lãi suất. Ông Eswar Prasad, Giáo sư chính sách thương mại tại Đại học Cornell cho biết sức mạnh gia tăng của đồng đôla so với các loại tiền khác đang khuếch đại lạm phát đối với các quốc gia như Ấn Độ vì hàng hóa mà họ nhập khẩu bằng tiền đô la đang trở nên đắt đỏ hơn.

"Người Ấn Độ cho rằng FED cần phải làm những gì nên làm nhưng chính sách tiền tệ của Mỹ cũng đang tạo ra nhiều vấn đề cho Ấn Độ ở hiện tại," ông Prasad, cựu IMF cho biết.

Về năng lượng, Chính quyền Tổng thống Biden hy vọng rằng các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc với nguồn dự trữ dầu lớn trong năm nay sẽ đàm phán lại mức giá thấp hơn. Trước cuộc họp của G20, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen đã tới Ấn Độ để gặp gỡ các quan chức và tăng cường mối quan hệ với nước này vào thời điểm then chốt.

Trong một cuộc phỏng vấn với The New York Times, bà Yellen cho biết quá trình đưa ra mức giá trần rất phức tạp vì Liên minh châu Âu phải nhất trí, tuy nhiên, 27 quốc gia thành viên lại có quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, bà mong đợi rằng giá sẽ được công bố vào ngày 5/12 và chính sách này sẽ có hiệu lực.

"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng có đủ nguồn cung dầu toàn cầu để giá dầu không tăng vọt, vì điều đó sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát và có khả năng gây ra suy thoái", bà Yellen nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ