(Tổ Quốc) - Trong tháng 9, giá thực phẩm ở Anh đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1980, khiến lạm phát quay trở lại ở mức cao nhất trong 40 năm qua.
Theo AP, vào tháng trước, giá thực phẩm ở Anh đã tăng mạnh nhất kể từ năm 1980, khiến lạm phát quay trở lại ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua và gây áp lực lớn lên chính phủ. Những người dân nghèo ở nước Anh trở thành đối tượng dễ tổn thương nhất ở bối cảnh hiện tại.
Văn phòng thống kê quốc gia Anh (ONS) cho biết giá thực phẩm đã tăng 14,6% trong một năm tính đến tháng 9, dẫn đầu là các mặt hàng chủ lực như thịt, bánh mì, sữa và trứng. Điều này đã khiến giá tiêu dùng tăng trở lại 10,1%, cao nhất kể từ đầu năm 1982 và ngang bằng với mức cao trong tháng 7/2022.
Những số liệu này khiến chính phủ Anh phải tăng cường chương trình hỗ trợ các gia đình và người đã nghỉ hưu. Ngay khi nhậm chức, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt đã lên tiếng rằng đây là một mùa đông khó khăn và người dân buộc phải cắt giảm chi tiêu.
Glenn Sanderson, giáo viên tại Học viện Công giáo St. Aidan ở Sunderland cho biết các trường học trên khắp nước Anh đang gặp khó khăn trong quá trình hỗ trợ những học sinh nghèo khó, từ việc hỗ trợ sách giáo khoa và chương trình học đến trợ cấp các bữa ăn học đường.
"Cha mẹ phải đưa ra những quyết định khó khăn, họ trả tiền xe bus để đưa con đi học hay là dùng số tiền này để mua thực phẩm cho con cái? Trong xã hội ngày nay, tôi thấy điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được", ông Sanderson nhấn mạnh.
Trong tuần này, Bộ trưởng Hunt đã lên tiếng Chính phủ sẽ ưu tiên giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất trong khi vẫn cố gắng mang lại sự ổn định kinh tế. Bên cạnh đó, Thủ tướng Anh Liz Truss đã củng cố quan điểm này trong phiên họp hàng tuần ngày 19/10, lặp lại cam kết tăng lương hưu phù hợp với bối cảnh lạm phát.
Giá thực phẩm và năng lượng tăng mạnh
Theo AP, căng thẳng leo thang ở Ukraine đã đẩy giá thực phẩm và năng lượng tăng mạnh trên khắp thế giới. Các chuyến hàng vận chuyển khí đốt tự nhiên, ngũ cốc và dầu ăn đều bị gián đoạn. Giá cả hàng hóa tăng mạnh từ năm ngoái khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu hồi phục sau đại dịch Covid-19. Tháng trước, chi phí thực phẩm quá cao đã khiến ngân sách hộ gia đình ở Anh mất khoản tiền lớn trong phí sinh hoạt nhưng hiện tại, giá cả vẫn tiếp tục tăng trên diện rộng. Chi phí vận chuyển cũng tăng 10,9%, đồ nội thất và hàng gia dụng tăng 10,8% và quần áo tăng 8,4%. Giá nhà ở cũng tăng 9,3% do giá năng lượng tăng.
Chính phủ Anh đã tìm cách bảo vệ người tiêu dùng khỏi tác động của giá năng lượng tăng cao bằng cách bình ổn hơn đối với chi phí điện và khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, quá trình điều chỉnh này chỉ kéo dài trong 6 tháng thay vì 2 năm như đã hứa.
"Điều này có nghĩa là lạm phát có thể sẽ tiếp tục ở mức cao nhất trong thời gian dài hơn so với dự báo trước đây", ông Jack Leslie, nhà kinh tế cấp cao tại Resolution Foundation, nhóm nghiên cứu tập trung vào việc cải thiện mức sống cho những người thu nhập thấp và trung bình nói.
"Triển vọng ảm đạm này có nghĩa là thu nhập của các hộ gia đình sẽ tiếp tục giảm mạnh trở lại trong năm tới, đặc biệt là khi việc hỗ trợ điều chỉnh hóa đơn năng lượng bị rút lại," ông Leslie nói trong một tuyên bố. "Đây cũng là nội dung chính trong cuộc họp của chính phủ. Các cam kết tăng trợ cấp hoặc lương hưu phù hợp với giá cả là những vấn đề tiếp tục được thảo luận".
Lạm phát nhanh hơn cũng thúc đẩy kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ tăng lãi suất cao hơn nữa trong bối cảnh đang nỗ lực để đưa lạm phát trở lại mục tiêu là 2%.
Ngân hàng trung ương Anh đang cố gắng làm chậm lại lạm phát và giúp Anh không rơi vào suy thoái. Theo số liệu của ONS, kinh tế Anh ước tính giảm 0,3% trong tháng 8 sau khi chỉ tăng 0,1% trong tháng 7.
"Tình trạng lạm phát nóng hơn dự đoán của ngày hôm nay có thể sẽ mở đường cho một đợt tăng lãi suất mạnh khác từ Ngân hàng Trung ương Anh vào đầu tháng 11. Tuy nhiên, ở bối cảnh hiện tại, ngân hàng trung ương đang rất khó khăn để kiềm chế áp lực giá cả mà không đẩy kinh tế rơi vào suy thoái", Victoria Scholar, người đứng đầu bộ phận đầu tư tại Interactive Investor cho biết.
Và diễn biến này cũng tương tự ở các quốc gia khác. Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang đã cảnh báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhanh chóng để đối phó với lạm phát đang ở mức cao nhất trong hàng thập kỷ (8,3%). Tương tự, Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến trong tuần tới sẽ tiếp tục tăng thêm một đợt lãi suất nữa để kiềm chế lạm phát kỷ lục ở 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung euro./.