• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làm phim lịch sử: Gian nan hành trình phục dựng trang phục cổ

Văn hoá 10/08/2019 07:36

(Tổ Quốc) - Ngoài bối cảnh, phục trang là vấn đề khó khăn nhất để làm một bộ phim lịch sử. Sự đầu tư lớn cho dòng phim này là một thách thức khiến Việt Nam thật sự khan hiếm những bộ phim lịch sử. Mới đây, ê kíp sáng tạo của bộ phim Phượng khấu đã chia sẻ cùng người hâm mộ những khó khăn của việc làm một bộ phim lịch sử, trong đó, đặc biệt là phục trang.

Góp phần bớt "mù mờ" về văn hóa Việt

Lịch sử Việt Nam vẫn bị lép vế ở chính "sân nhà" khi hầu hết người Việt thuộc sử Trung Quốc, Hàn Quốc hơn sử Việt. Nguyên nhân một phần là do những bộ phim sử Trung Quốc, Hàn Quốc từng một thời tràn ngập trên sóng truyền hình. Mơ hồ lịch sử, về kéo theo đó là mơ hồ về văn hóa cổ.

ảnh trang phục

Trang phục cung đình triều Nguyễn được sản xuất phục vụ bộ phim Phượng khấu

Theo nhà sử học Lê Văn Lan, trang phục vừa là hình ảnh vừa là biểu tượng kết tinh của một thời đại, một nền kinh tế, một bước phát triển của văn minh. Cổ phục - trang phục cổ của người Việt, ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong điện ảnh. Qua trang phục, người làm phim có thể cho khán giả thấy được phần nào tính chất xã hội, đời sống văn hóa của triều đại đó, cũng là mục đích trong tác phẩm điện ảnh họ hướng tới.

PGS.TS Nguyễn Thanh Nam, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Nghệ thuật Huế chia sẻ, việc phục chế một chiếc áo cung đình rất khó. Từ việc làm sao để đúng mẫu mã, kiểu dáng, chất liệu. PGS.TS Nguyễn Thanh Nam cho rằng, kể cả có nhiều tiền cũng chưa chắc đã làm được. Và điều này, không chỉ với Việt Nam mà ngay với cả Trung Quốc cũng gặp phải.

Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Công ty Ỷ Vân Hiên - đơn vị thực hiện phục trang cho bộ phim Phượng khấu chia sẻ: "Trang phục là kết tinh của văn hóa dân tộc. Trong quá trình nghiên cứu, phục dựng và chế tác các cổ phục, tôi thực sự thấy cổ phục Việt Nam đẹp quá. Thế nhưng đáng tiếc là chúng ta hiện nay lại thiếu kiến thức hoặc rất mơ hồ về trang phục cổ của dân tộc".

Bắt tay vào ngành sản xuất các đồ dùng cung đình đặc biệt là cổ phục hơn một năm nay, Công ty Ỷ Vân Hiên đã trở thành nhà cung cấp phục trang cho bộ phim Phượng khấu - dự án làm phim về cuộc đời của Từ Dụ Thái hậu. Chia sẻ về sự kết hợp này, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh (đạo diễn phim Phượng khấu) cho biết: "Khi bắt tay vào thực hiện bộ phim lịch sử, tôi biết mình đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Mà khó khăn lớn nhất chính là trang phục của diễn viên sao cho trúng và đúng với thời đại mà bộ phim đề cập. Thế nhưng tôi vẫn quyết tâm dấn thân bởi một vài lần nói chuyện với các bạn trẻ thế hệ 2000, được nghe chia sẻ của các bạn khen Hanbook của Hàn Quốc đẹp hơn áo dài Việt Nam và sự mù mờ của người trẻ về lịch sử khiến tôi mong muốn làm điều gì đó để góp phần thay đổi thực trạng này".

IMG_2327

Tọa đàm Cổ phục Việt từ đời sống đến điện ảnh

Gian nan hành trình "phục cổ"

Làm phục trang trong Phượng khấu, các nhà làm phim đã từ TP Hồ Chí Minh ra Huế và miền Bắc tìm chuyên gia về sử hoặc nhà chế tác trang phục, tìm lại các truyền thuyết, mộ chí xưa… "Hơn 200 bộ trang phục, trong đó 50% được thêu thủ công. Phải may áo hoàn tất, rồi tháo rời và thêu trên từng mảnh đó thì mới chính xác. Có những bộ được thực hiện công phu và đắt tiền. Đơn cử bộ ngũ thân thêu hình chim phượng, cũng là bộ trang phục đặc trưng của hoàng hậu dành cho vai diễn hoàng hậu Lệ Thiên Anh, vợ vua Tự Đức, con dâu vua Thiệu Trị, được thêu bằng công thức cổ, luồn chỉ vàng, tốn khoảng 50 triệu đồng. Quá trình làm công phu gấp mấy lần làm phim hiện đại, nhưng đổi lại, êkíp đã học được nhiều kiến thức trong công việc của mình, trong đó có những ấn tượng mà cổ phục mang lại" - đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết.

Theo ông Nguyễn Đức Lộc, thiết kế trang phục trong điện ảnh Việt những năm gần đây đã thay đổi. Một bộ trang phục đẹp và đúng bối cảnh không chỉ thỏa mãn phần nhìn, mà còn góp phần không nhỏ khắc họa tính cách nhân vật, tạo nên thành công của phim. Ông Nguyễn Đức Lộc cho biết: "Chúng tôi quan tâm đến vai trò của thời trang và phục trang trong phim, vì vậy đã dành nhiều thời gian tìm kiếm tư liệu liên quan, đầu tư cho trang phục cũng như để phim có được bối cảnh đẹp. Nếu như 10 năm trước, các ê kíp sản xuất phim trong nước không có cái nhìn đúng về vai trò của thiết kế trang phục, thì hiện tại công việc này đã được nhìn nhận đúng đắn hơn".

IMG_2314

Chiếc áo Nhật Bình của Bà Chúa Nhất – Mỹ Lương Công Chúa được mang từ Pháp về trưng bày tại Tọa đàm

Nhấn mạnh tầm quan trọng của phục trang trong phim, ông Nguyễn Đức Lộc bày tỏ: "Phục trang cho phim vừa phải đáp ứng yếu tố thời trang, vừa phải phù hợp với bối cảnh, tính cách, tạo hình nhân vật. Cái đẹp luôn được đề cao nhưng chỉ được coi là đẹp khi nó hài hòa với bối cảnh diễn ra câu chuyện cùng những yếu tố văn hóa, lịch sử liên quan".

Theo ông Nguyễn Đức Lộc, làm trang phục phim cổ trang phải tỉ mỉ và có kiến thức lịch sử. Ở thời đại nào dùng trang phục nào, hoa văn trên trang phục cũng phải phù hợp với vị trí và quyền lực của người mặc… "Có lần làm trang phục, chúng tôi phải làm lại vì khi đặt vào nhân vật bị sai. Hoặc có vải mặc rất đẹp nhưng vào ống kính rất chóe. Phải tính nhiệt độ máy quay để đồ Lộc may hài hòa khung cảnh thiết kế nhưng không sai với màu. Phục trang là bộ phận bị hành hạ khủng khiếp"- ông Nguyễn Đức Lộc chia sẻ.

Ông Nguyễn Đức Lộc cho biết thêm, nguồn vải làm trang phục cổ cũng rất khó khăn vì nguồn nguyên liệu trong nước không phong phú và rất đắt.

Đồng quan điểm, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho hay, khi bắt đầu làm phục trang, giữa nhà thiết kế trang phục, người làm bối cảnh phải làm việc chặt chẽ với nhau và với đạo diễn để tìm hiểu bối cảnh câu chuyện. Tùy theo thể loại phim mà nhà thiết kế phải phản ánh chính xác chi tiết trên bộ trang phục hoặc có thể sáng tạo bay bổng. "Với điện ảnh chúng tôi có quyền làm những điều đó. Hơn nữa, quá trình hình thành ý tưởng về phục trang cho phim vừa phải bảo đảm tính thuần Việt, đồng thời phản ánh được tính cách nhân vật và giá trị thẩm mỹ cao", ông Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ./.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ