• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Làm thân” Triều Tiên, Philippines: ông Trump đang hứng “trái đắng”?

Thế giới 03/05/2017 06:37

(Tổ Quốc) - “Chìa tay” với những nhà lãnh đạo “khó chơi” nhất thế giới, Tổng thống Mỹ có nhận được những gì mình  mong muốn?  

Những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhằm gây dựng quan hệ với một số nhà lãnh đạo “khó chơi” nhất trên thế giới, dường như vẫn đang tiếp tục. Hôm thứ Hai (01/5), ngài Tổng thống bày tỏ mong muốn gặp mặt nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. Trước đó, trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ông Trump cũng đã mời người đồng cấp Đông Nam Á thăm chính thức Nhà Trắng.

Phát ngôn của Tổng thống Mỹ không còn đáng tin cậy?

Tờ Washingtonpost nhận định, Tổng thống Mỹ đang cho thấy sự tự tin vào khả năng thương lượng, cũng như sự sẵn sàng đối mặt trực tiếp với bất kỳ đối tượng nào của mình.

Kể từ khi ông Kim Il-sung nắm quyền lực, chưa có một cuộc gặp gỡ chính thức nào giữa một Tổng thống Mỹ và một nhà lãnh đạo của Triều Tiên. Cho dù lời đề nghị của ông Trump mang vẻ hoang đường, thậm chí là tuỳ hứng như thế nào, nó cũng đã có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc khủng hoảng hạt nhân trên báo đảo Triều Tiên, đặc biệt vào thời điểm mà khả năng về một cuộc đụng độ quân sự giữa Washington và Bình Nhưỡng đang được bàn luận tới.  

“Kim Jong-un sẽ sẵn lòng gặp gỡ với Tổng thống Trump trên cương vị người đứng đầu một cường quốc hạt nhân, gặp một người đồng cấp đến từ một cường quốc hạt nhân khác,” Christopher R. Hill – cựu đặc phái viên đặc biệt về Triều Tiên dưới thời Tổng thống George W. Bush nhận xét. “Nếu là ông Trump, tôi sẽ không làm điều này.”

Trong trường hợp Philippines, ông Trump đã vấp phải sự phản đối của các nhóm nhân quyền khi tỏ ý muốn “hàn gắn” quan hệ với Tổng thống Duterte – chính trị gia hiện đang là tâm điểm chỉ trích với chiến dịch càn quét tội phạm ma tuý gây nhiều thương vong của mình.

“Nguy cơ lớn nhất của một loạt những tuyên bố gây tranh cãi và không phù hợp này, đó là chúng sẽ làm tổn hại đến một trong những yếu tố quan trọng nhất của quyền lực nước Mỹ: sự tin cậy trong lời nói của một Tổng thống,” Evan S. Medeiros – một cố vấn cấp cao về châu Á từng làm việc cho Tổng thống Barack Obama cảnh báo.

Còn quá sớm cho gặp gỡ Mỹ - Triều?

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm ngoái, ông Trump từng đề cập đến ý tưởng gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Trong cuộc phỏng vấn với kênh Bloomberg, ông nhắc lại điều này: “nếu thích hợp, tôi chắc chắn sẽ gặp gỡ ông ấy; tôi lấy làm vinh dự được làm điều đó.”

Nhà Trắng làm rõ hơn lời tuyên bố của ngài Tổng thống khi giải thích rằng, ông Trump sẽ chỉ cân nhắc khả năng gặp gỡ, nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên đáp ứng một loạt các điều kiện, bắt đầu bằng việc giảm bớt những động thái khiêu khích. Tuần trước, Bình Nhưỡng vừa có vụ thử tên lửa đạn đạo (mặc dù thất bại) lần thứ ba trong tháng Tư.

“Nếu Triều Tiên nghiêm túc cân nhắc giải trừ hạt nhân, và rút lại lời đe doạ đối với cả khu vực và nước Mỹ,” thư ký báo chí của Nhà Trắng Sean Spicer nói, “một cuộc gặp gỡ luôn là điều có thể.” Tuy nhiên, ông Spicer cũng bổ sung: “Ở thời điểm hiện tại, khả năng này là không có.”

Ông Trump sẵn lòng gặp gỡ với nhà lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên? (ảnh: foxnews)

Theo tờ Washington Post, hiện chính quyền Trump đang theo đuổi một chiến lược truyền thống hơn, đó là gia tăng sức ép kinh tế lên Triều Tiên – chủ yếu thông qua nước láng giếng Trung Quốc – bên cạnh việc đe doạ sử dụng vũ lực. Tuần trước, ông Trump tuyên bố, mặc dù Washington muốn giải quyết cuộc khủng hoảng với Triều Tiên thông qua con đường ngoại giao, nhưng “xung đột lớn” vẫn có thể là một sự lựa chọn.

Một số chuyên gia cho rằng, sự cởi mở trong ngoại giao của Tổng thống Trump thấp thoáng những ảnh hưởng từ phía Trung Quốc. Bắc Kinh từ lâu đã bày tỏ mong muốn Mỹ và Triều Tiên sẽ trực tiếp đối thoại.

“Trung Quốc nói với Trump, ‘ông phải nói chuyện với những người này’”, Joel S. Wit – một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Johns Hopkins phân tích. “Họ [Nhà Trắng] đang cố gắng thiết lập bối cảnh phù hợp với các cuộc thảo luận… bằng cách gia tăng sức ép lên Trung Quốc, Triều Tiên và sau đó mở ra một lối thoát.”

Tuy nhiên, giới ngoại giao và phân tích tin tưởng, thời điểm cho mong muốn của ông Trump còn quá xa vời. Đến tận lúc này, ông Kim Jong-un cũng chưa có bất kỳ tín hiệu nào cho thấy Bình Nhưỡng quan tâm đến việc gặp gỡ với người đứng đầu Nhà Trắng.

Giải thích cho việc ông Trump cảm thấy “vinh dự khi gặp gỡ Kim Jong-un,” thư ký báo chí Spicer nói: “Tôi đoán, bởi vì ông ấy [Kim Jong-un] vẫn là người đứng đầu một quốc gia.” Spicer cũng lưu ý thêm, ông Kim đã phải trải qua “rất nhiều mối đe doạ tiềm tàng” nhưng rõ ràng “vẫn đưa đất nước tiến lên”, và “là một người trẻ tuổi lãnh đạo một quốc gia có vũ khí hạt nhân.”

Lịch trình quá bận rộn cho gặp gỡ Mỹ - Philippines?

Nói về lời mời của ông Trump dành cho Tổng thống Philippines, Spicer nhấn mạnh vào tầm quan trọng của Philippines trong việc cô lập Triều Tiên trên cả lĩnh vực ngoại giao và kinh tế.

Tuy nhiên, ông Duterte dường như không quá ấn tượng với lời đề nghị của người đồng cấp đến từ nước Mỹ. Ông cho biết mình và Tổng thống Trump đã có một cuộc đối thoại chân tình, nhưng ông có một lịch trình quá bận rộn cho chuyến thăm Washington. “Tôi không thể đưa ra bất kỳ lời hứa nào,” ngài Tổng thống nói trước phóng viên. “Tôi còn phải đi thăm Nga, tôi cũng còn phải đi thăm Israel nữa.”

Nếu thực sự từ chối ông Trump, Tổng thống Duterte có lẽ sẽ giúp ông chủ Nhà Trắng tránh được một loạt các lời chỉ trích. Hôm Chủ nhật, một số quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, họ hy vọng Bộ Ngoại giao và Hội đồng an ninh Quốc gia nước này sẽ phản đối chuyến thăm của ông Duterte (nếu nó thực sự xảy ra.)

Tổng thống Philippines "quá bận" để thăm Mỹ?

Josh Kurlantzick – một học giả cao cấp tại Hội đồng quan hệ đối ngoại (Mỹ) nhận định, ông mong muốn Tổng thống Duterte vẫn sẽ đến thăm Washington; tuy nhiên, có thể với một thái độ không quá vồn vập. Nhà lãnh đạo Philippines gần đây luôn thể hiện mong muốn trở nên “độc lập” hơn trước nước Mỹ. “Cho dù Duterte muốn có một mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Trump, ông ấy cần phải thận trọng và không thể tỏ ra quá thân cận với Mỹ,” Kurlantzick nói, “đặc biệt sau khi Duterte đã có rất nhiều hoạt động ngoại giao để lấy lòng Trung Quốc.”

(Theo Washington Post)

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ