(Tổ Quốc) -Sự tức giận của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau thượng đỉnh G7 ở Canada đã dấy lên những câu hỏi về cam kết của ông với các đồng minh thân cận nhất.
Sự tức giận của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau thượng đỉnh G7 ở Canada đã dấy lên những câu hỏi về cam kết của ông với các đồng minh thân cận nhất. Lần gặp gỡ tiếp theo giữa họ có thể trả lời câu hỏi này.
Ông Trump dự kiến sẽ tham dự hội nghị Thượng đỉnh khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO ngày 11-12/7 tại Brussels, một cuộc họp nhằm mục đích tái khẳng định quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.
Sóng gió Mỹ tại Thượng đỉnh NATO?
Ông Martin Quencez, chuyên gia cấp cao của Quỹ Marshall Đức cho biết, ông Trump đã có nhiều bất đồng với các đồng minh về thương mại trong vài tháng qua, tuy nhiên, việc từ chối xác nhận cam kết của Mỹ đối với NATO sẽ đưa mối quan hệ này xuống một mức thấp mới.
"Cho đến nay, người châu Âu đã xoay sở để tách biệt các vấn đề an ninh và thương mại trong quan hệ với Mỹ", ông Quencez cho biết. "Nếu những gì xảy ra tại G-7 lặp lại tại NATO, thì chúng ta đang ở trong một tình huống đáng lo ngại."
Ông Trump bất mãn việc Mỹ phải đóng góp quá nhiều trong ngân sách NATO và đang thúc giục các thành viên còn lại chi tiêu nhiều hơn. |
Các quan chức ở cường quốc châu Âu khác cũng cho biết không có “Kế hoạch B” để thiết lập một hệ thống thương mại và quốc phòng quốc tế mà không có sự lãnh đạo, hoặc thậm chí là sự tham gia của Mỹ. Một quan chức cho biết, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đang hy vọng cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới tại Mỹ sẽ cho đảng Dân chủ giành được thắng lợi để phần nào điều chỉnh lại chính sách của nước Mỹ.
Philippe Moreau Defarges, một cố vấn tại Viện quan hệ quốc tế Pháp tại Paris cho biết: “đã có một loạt sự kiện (căng thẳng-pv) nối tiếp nhau gắn kết với ông Trump – điều rõ ràng cho thấy tương lai của liên minh Đại Tây Dương đang nằm giữa nhiều nghi ngờ”. “Nhưng tôi cũng không thấy ai ở châu Âu có năng lực hay sự tự tin để thúc đẩy những thay đổi cần thiết cho một chính sách quốc phòng thực sự của châu Âu.”
EU trở ngại trên con đường đột phá quốc phòng
Hợp tác quốc phòng quy mô rộng lớn hơn giữa các thành viên EU đã bị trì trệ nhiều năm qua do sự miễn cưỡng của Anh trong việc tạo nên bất cứ nền tảng quân sự nào có thể cạnh tranh hoặc vượt qua NATO. Cuộc trưng cần dân ý rời khỏi EU của người dân Anh đã loại ra nhân tố ngăn cản trên và thúc đẩy khối này hướng tới một chính sách phòng thủ tích hợp hơn. Tuy nhiên, nhiều thách thức vẫn còn hiện diện, chẳng hạn như năng lực về quân sự và các mục tiêu chính sách khác nhau của các thành viên EU.
Các nhà lãnh đạo EU cuối tháng 12 năm ngoái đã nhất trí về một hiệp ước quốc phòng được gọi là Pesco- có tên chính thức là Cấu trúc hợp tác thường trực về quốc phòng. Giai đoạn hiện tại của Pesco được hạn chế ở 17 chương trình trong các lĩnh vực như huấn luyện nhân lực và giám sát biển. Trong khi được Ủy ban EU hoan nghênh là một bước đột phá lớn, việc phát triển các lực lượng quân sự liên tục thường trực còn là một chặng đường dài.
EU còn thiếu nhiều nguồn lực, như các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, một đội tàu sân bay và vận tải hàng không đủ để triển khai lực lượng trên phạm vi toàn cầu. Trên thực tế, hầu như chẳng có mấy quốc gia thành viên EU sẵn sàng chi tiêu số tiền cần thiết để phát triển các khả năng đó trong tương lai gần, họ đang hạn chế sự phát triển quyền lực quân sự của khối và khiến chính mình phụ thuộc vào chiếc ô an ninh của Mỹ.
Mỹ chia rẽ với thế giới về tiền?
Gần đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình ngày 17/6 rằng, ông Trump “đúng ở một mức độ nhất định” khi ông chỉ trích Đức chỉ chi 1.3% GDP cho quốc phòng – còn cách xa khuyến nghị 2%GDP của NATO. “Chúng tôi cần tăng ngân sách quốc phòng của mình,” bà nói.
Quencez cho biết, bà Merkel đã đưa ra những cam kết tương tự kể từ khi ông Trump thắng cử, tuy nhiên, chưa có nhiều hành động để thể hiện điều đó. Còn Moreau Defarges nhận định, sức mạnh chính trị của bà còn chưa đủ để thúc đẩy sự gia tăng chi tiêu quân sự Đức – hiện còn chưa được chú trọng.
"Chủ nghĩa đa phương đang đối mặt với một tình huống phức tạp, khó khăn ngay bây giờ", Thủ tướng Đức tuần trước nói với các phóng viên tại Berlin.
Mỹ đang chiếm khoảng 3/4 chi tiêu quân sự của tất cả 29 thành viên NATO, theo liên minh này.
Quencez cho biết, cái gọi là "G-6" -trừ đi người Mỹ - có thể tiếp tục hợp tác về các vấn đề như thương mại, khí hậu và duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran. Nhưng Mỹ không thể bị thay thế về mặt quân sự, ông nói.
Cả ông Macron và bà Merkel đều cho biết họ sẽ tiếp tục duy trì cơ chế G-7 mà không có Mỹ. "Tổng thống Mỹ có thể không ngại bị cô lập, nhưng chúng tôi cũng không ngại ký kết một thỏa thuận 6 quốc gia nếu cần thiết", ông Macron cho biết trong một tweet ngày 7/6. Còn bà Merkel nói trong cuộc phỏng vấn rằng, "chúng tôi – đại diện cho châu Âu phải đứng lên vì các nguyên tắc của chúng tôi, có thể là cùng với Nhật Bản và Canada."
Jacques Attali, cựu giám đốc Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu, người đã đóng vai trò cố vấn cho các tổng thống Pháp từ những năm 1980, dù vậy, cho biết, sự bùng nổ gần đây không thực sự thay đổi được nhiều điều.
"Những điều trên (hành động của Đức và Pháp - pv) không là vấn đề bởi vì tuyên bố chung G-7 đã không thực sự nói lên bất cứ điều gì, nó không có nội dung thực sự," Attali cho biết đầu tuần trước trên kênh truyền hình France2. "Chúng ta phải tiếp tục làm việc với người đàn ông này – đang đại diện cho quốc gia quan trọng nhất trên thế giới."