(Tổ Quốc) - Chính quyền Tổng thống Biden tiếp tục khẳng định sẽ tham gia tích cực các hoạt động ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cho dù Washington và phương Tây dành sự chú ý lớn đến vấn đề Ukraine gần đây.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Bliken tới Australia
Giữa căng thẳng của Mỹ và Nga tiếp tục leo thang trong vấn đề Ukraine, Washington tiếp tục khẳng định vai trò gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Theo AP, tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ có chuyến thăm Australia nhằm thúc đẩy các lợi ích của Mỹ ở châu Á và trấn an đồng minh về sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực trong thời gian gần đây. Chuyến thăm được đánh giá là để nỗ lực đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc và thể hiện vai trò ưu tiên trong nghị trình làm việc của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Ngoại trưởng Blinken ngày 11/2 cũng sẽ đến Melbourne để tham dự cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao của nhóm Bộ tứ "QUAD" với sự góp mặt của Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ. Trong bối cảnh Trung Quốc sẽ tiếp tục là chủ đề trọng tâm trong chương trình nghị sự lần này của QUAD, giới chức Mỹ nói rằng cả vấn đề Ukraine lẫn mối quan hệ cải thiện giữa Bắc Kinh và Moscow cũng là chủ đề nóng trong các cuộc họp. Tham dự cuộc họp của Bộ tứ QUAD, Ngoại trưởng Mỹ Blinken dự kiến sẽ nêu rõ lợi ích về việc gắn kết giữa các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với liên minh này.
"Hầu hết các cuộc thảo luận sẽ bàn về các thách thức mà Trung Quốc đặt ra cho khu vực này", Daniel Kritenbrink, nhà ngoại giao Mỹ hàng đầu về vấn đề châu Á cho biết.
Tại Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2022, sau cuộc gặp ở Bắc Kinh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, giới quan sát cho rằng mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc có thể tiếp tục thăng hạng vào thời gian tới.
"Cuộc gặp gỡ giữa nhà lãnh đạo đứng đầu Nga và Trung Quốc có thể là đòn bẩy để Bắc Kinh khuyến khích Moscow giảm leo thang ở Ukraine. Đó là những gì thế giới mong đợi từ các cường quốc có trách nhiệm", ông Kritenbrink nói. "Tuy nhiên, nếu Nga tấn công Ukraine và Trung Quốc sẵn sàng dung thứ hoặc ngầm ủng hộ thì sẽ gây tổn hại đến an ninh châu Âu, gây rủi ro cho hòa bình và ổn định kinh tế".
Các quan chức Mỹ bày tỏ mong muốn Ngoại trưởng Blinken và các lãnh đạo đồng cấp tham gia cuộc gặp Bộ tứ QUAD ở Melbourne sẽ cùng tìm cách đối phó với các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Ngày 8/2, chính quyền Tổng thống Biden đã thông báo thỏa thuận bán vũ khí trị giá 100 triệu đôla cho Đài Loan nhằm hỗ trợ hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ sản xuất.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken dự kiến ở lại Australia trong 3 ngày. Đây được xem là chuyến thăm cấp cao nhất của chính quyền Mỹ tới quốc gia này kể từ khi Washington, Anh và Sydney ký hiệp ước an ninh AUKUS vào năm ngoái.
Pháp từng phản ứng mạnh mẽ khi Australia hủy thỏa thuận mua tàu ngầm với Pháp. Đáp lại, chính quyền Tổng thống Biden đã nhanh chóng cử một số quan chức cấp cao đến Pháp, trong đó có Ngoại trưởng Blinken, Phó Tổng thống Kamala Haris và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đến Paris nhằm xoa dịu căng thẳng về vấn đề nêu trên.
Vào thời điểm đó, trong các cuộc họp với các quan chức Australia, Ngoại trưởng Blinken đã cố gắng giảm thiểu căng thẳng bằng việc đưa ra quan điểm rằng, Pháp nói riêng và châu Âu nói chung sẽ vẫn là đồng minh thân thiết của Mỹ cho dù Washington và các nước khác tăng cường chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Giải quyết vấn đề Triều Tiên
Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ thăm Fiji và gặp gỡ các nhà lãnh đạo của nhóm đảo quốc Thái Bình Dương, trước khi đến Haiwaii gặp những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc để thảo luận về vấn đề Triều Tiên. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, đây cũng là lần đầu tiên một ngoại trưởng đến thăm Fiji trong gần 4 thập niên. Giới quan sát cũng cho rằng, hàng loạt các vụ thử tên lửa của Triều Tiên trong năm qua là mối đe dọa lớn từ một quốc gia hạt nhân, vốn dĩ đã nhiều lần phớt lờ sự kêu gọi của Mỹ để trở lại bàn đàm phán.
"Đối phó với các thách thức về chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên vẫn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Tôi tin tưởng rằng các đối tác của Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sẽ nghĩ như vậy", ông Kritenbrink nói trong cuộc đàm phán.
"Chúng tôi đã nhiều lần nói rõ rằng luôn sẵn sàng tham gia vào các hoạt động ngoại giao nghiêm túc và bền vững mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào nhằm hướng đến mục tiêu đạt được các tiến bộ rõ ràng. Chúng tôi cũng nhiều lần ngỏ ý muốn tham gia đàm phán với Triều Tiên nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi nào", ông Kritenbrink nói thêm.
Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định mục đích của chuyến công du kéo dài của Ngoại trưởng Mỹ Blinken là tăng cường "nỗ lực của các đồng minh và đối tác trong việc thúc đẩy hòa bình, sự kiên cường và thịnh vượng xuyên suốt khu vực, và thể hiện những gì có thể đạt được thông qua các quan hệ đối tác”./.