(Tổ Quốc) - Theo trang Washington Post, "lỗ hổng" ngăn cản quá trình triển khai vaccine tại châu Âu nằm ở nhóm đối tượng người nhập cư không giấy tờ.
Hàng triệu người nhập cư không giấy tờ tại châu Âu
Dù đang chạy đua với chương trình tiêm chủng phòng chống Covid-19 nhưng châu Âu lại gặp phải rào cản lớn, đó là hàng triệu người nhập cư không giấy tờ.
"Tính đến năm 2017, ước tính có khoảng 4,8 triệu người nhập cư trái phép đang sống ở 32 quốc gia thuộc liên minh châu Âu", Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết.
Các nghiên cứu cho thấy nhóm người nhập cư trái phép đều là những đối tượng dễ mắc Covid-19. Điều đáng lưu ý là nhiều quốc gia ở châu Âu đã loại nhóm đối tượng này ra khỏi chiến dịch tiêm chủng của quốc gia khiến chương trình triển khai vaccine đang trở nên phức tạp hơn.
Theo khảo sát của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), khoảng 64% người trưởng thành đã tiêm ít nhất một liều vaccine và 44% người dân đã tiêm đầy đủ. Tuy nhiên, mức độ lây lan mạnh của biến thể Delta trên khắp châu lục đang trở thành mối lo ngại lớn, đặc biệt đối với những người dân chưa tiêm vaccine, bao gồm cả những người nhập cư không giấy tờ.
Vào tháng Ba năm nay, liên minh châu Âu đã kêu gọi các quốc gia thành viên đưa nhóm người nhập cư vào chương trình tiêm chủng. Tuy nhiên, điều này trở nên khó khăn do chính sách và quy trình tiêm chủng khác nhau ở các quốc gia trong châu lục. Báo cáo của ECDC trong tháng trước cảnh báo tỷ lệ tiêm chủng đối với nhóm người nhập cư vẫn giữ mức thấp.
"Y tế công cộng là nhiệm vụ bắt buộc. Tuy nhiên, đây là vấn đề chưa triển khai tốt ở một số quốc gia", Alyna Smith, điều phối viên từ Diễn đàn Hợp tác Quốc tế về Người di cư Không giấy tờ (PICUM) nhận định.
Các nỗ lực tiêm chủng cho người nhập cư không giấy tờ cho thấy sự chênh lệch về vấn đề chăm sóc sức khỏe đang tồn tại ở một số quốc gia.
"Giải quyết các vấn đề liên quan đến nhập cư rất quan trọng vì đây là nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh điều kiện sống và làm việc không đảm bảo", bà Benedetta Armocida, Benedetta Armocida, Thạc sĩ nghiên cứu về y tế toàn cầu tại Đại học Geneva, Thụy Sĩ, nhận xét.
Nhóm đối tượng chưa tiêm vaccine
Bà Sally Hargreaves, chuyên gia y tế nhập cư và là tác giả của báo cáo ECDC cho biết, trước đại dịch, những người nhập cư không giấy tờ đã phải đối mặt với rào cản lớn về vấn đề chăm sóc sức khỏe ở nhiều quốc gia châu Âu.
Nhiều quốc gia tính phí dịch vụ y tế đối với những người nhập cư. Nhiều quốc gia khác thậm chí từ chối điều trị cho người nhập cư không giấy tờ.
Theo bà Sally Hargreavest, lo lắng bị trục xuất và hóa đơn y tế đắt đỏ đã ngăn cản những người nhập cư không giấy tờ điều trị các căn bệnh mãn tính, từ đó gây rủi ro cao biến chứng thành Covid-19. Nỗ lo lắng tương tự cũng khiến nhóm đối tượng này rời xa các trạm tiêm chủng phòng ngừa bệnh Covid.
"Việc triển khai chương trình tiêm chủng luôn gặp khó khăn với nhóm đối tượng nhập cư bởi họ thường thiếu tin tưởng vào hệ thống y tế", ông Hargreaves nhấn mạnh.
"Một số quốc gia khác lại những người nhập cư không giấy tờ vào danh sách nhóm đối tượng ưu tiên trong chương trình tiêm chủng, trong đó có Hà Lan, Bồ Đào Nha...", PICUM cho biết.
Cũng theo PICUM, tất cả người dân sống tại Bỉ đều đủ điều kiện tiêm vaccine và Chính phủ nước này đã quy định dữ liệu thu thập trong quá trình tiêm chủng chỉ sử dụng cho mục đích y tế. Trong khi đó, Chính phủ Italy chưa có thông điệp rõ ràng về việc sẽ chấp thuận người nhập cư không giấy tờ tham gia chương trình tiêm chủng hay không. Còn tại Đức, Chính phủ đã cho phép nhóm đối tượng này tham gia tiếp cận vaccine, tuy nhiên, luật pháp yêu cầu phải khai báo một số thông tin cá nhân...
Một số quốc gia còn lại rất hạn chế hoặc không thúc đẩy nỗ lực tiêm chủng cho người nhập cư không giấy tờ. Tại Hungary, người nhập cư dường như không thể đăng ký tiêm nếu không có giấy tờ hợp pháp.
"Hy Lạp bắt đầu tiêm phòng cho những người tị nạn sống trong các trại tập trung từ tháng 6 nhưng những người nhập cư không giấy tờ vẫn không thể đăng ký tiêm vaccine", Lefteris Papagiannakis, cựu phó thị trưởng Athens, cho biết.
Theo thời báo New York Times, các tổ chức phi chính phủ luôn thúc đẩy vai trò dẫn đầu khuyến khích các nước triển khai tiêm chủng cho đối tượng chịu nhiều rủi ro. Giới chuyên gia y tế cho rằng đại dịch đã gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với nhóm người nhập cư không giấy tờ và cần phải nhanh chóng khắc phục các khó khăn này trong tương lai.
"Ở những quốc gia có thu nhập cao, hàng chục nghìn người vẫn phải đứng ngoài hệ thống y tế và tiêm chủng. Điều đó không thể chấp nhận được. Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta phải luôn cùng nhau vượt qua đại dịch", bà Hargreaves nhấn mạnh.