(Tổ Quốc) - Điện Kremlin chưa có nhiều phản ứng quyết liệt trước phong trào biểu tình chống chính phủ ngày càng lan rộng tại thành phố Khabarovsk.
Bloomberg đăng tải, chỉ một tháng sau cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc cho phép Tổng thống Vladimir Putin được tiếp tục đảm nhận vị trí của mình cho tới năm 2036, người đứng đầu nước Nga đang phải đối mặt với loạt biểu tình chống chính phủ lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Người dân tại thành phố Viễn Đông Khabarovsk những ngày này liên tục đổ xuống đường biểu tình phản đối việc thống đốc vùng là Sergey Furgal bị bắt giữ. Với số người tham gia lên tới hàng chục nghìn người, truyền thông địa phương đưa tin, đã có những dấu hiệu cho thấy sự tức giận của người biểu tình bắt đầu chuyển đổi thành lời kêu gọi ông Putin từ chức.
Theo Kristina, 35 tuổi, một quản lí tại Khabarovsk, ban đầu "không ai nhắc tới Putin". "Giờ đây, nó trở thành 'thả tự do cho Furgal và tạm biệt Putin'", Kristina nói, "mọi thứ trở nên táo bạo hơn sau mỗi thứ bảy".
Hai quan chức giấu tên trong chính phủ Nga cho hay, bất chấp những quan ngại tại Moscow, chính quyền hiện chưa có kế hoạch dập tắt các cuộc biểu tình. Họ e sợ, việc sử dụng bạo lực chống lại đám đông có thể kích động dẫn tới một cuộc khủng hoảng chính trị thậm chí còn to lớn hơn.
Chuỗi sự kiện tại Khabarovsk là những cuộc biểu tình chống chính phủ Nga lớn nhất kể từ các cuộc biểu tình năm 2011-12 tại Moscow – vốn kết thúc sau một loạt hành động quyết liệt của Điện Kremlin. Thách thức mới cho Tổng thống Putin tại một địa phương cách Moscow hàng nghìn km, xảy đến sau khi ông giành được tỷ lệ ủng hộ thuyết phục trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 1/7 về thay đổi hiến pháp. Những sửa đổi giúp ông có quyền tranh cử thêm hai nhiệm kỳ 6 năm nữa sau khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào năm 2024.
"Tình hình sẽ dịu đi" khi lãnh đạo mới tại Khabarovsk bắt đầu làm việc", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố trong một cuộc họp trực tuyến ngày 29/7. "Chúng tôi hy vọng thế".
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2000, ông Putin hiện chứng kiến tỷ lệ ủng hộ cho mình sụt giảm ở mức kỷ lục trong bối cảnh nền kinh tế rơi vào khủng hoảng dưới tác động của đại dịch COVID-19 và giá dầu tuột dốc. Dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Nga.
Bà Natalya Zubarevich, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu các vùng tại Viện Chính sách Xã hội Độc lập Moscow nhận định: "Người dân toàn nước Nga đang rất quan tâm bởi vì Khabarovsk là một ví dụ về cách đấu tranh cho các quyền của mình".
Phong trào biểu tình đã lan sang các khu vực khác thuộc Viễn Đông như thành phố cảng Thái Bình Dương Vladivostok. Người dân tại đây cũng xuống đường tuần hành và tuyên bố ủng hộ cho các cuộc biểu tình tại Khabarovsk.
Trong khi đó, một cuộc thăm dò ý kiến hôm 24-25/7 do Trung tâm Levada tiến hành trên 1.617 người dân Nga chỉ ra, 45% người trả lời tán thành các cuộc biểu tình và 29% người bày tỏ sẵn sàng tham gia những hoạt động tương tự tại nơi mình đang sinh sống.
Mặc dù thái độ không hài lòng đang xuất hiện ngày càng nhiều nhưng ông Furgal không phải là một nhân vật nhận được nhiều sự ủng hộ trên toàn quốc. Các kênh truyền hình chính thống hầu như không đưa tin về các cuộc biểu tình, đồng thời làm giảm số lượng người tham gia trong các bản tin (nếu có nhắc tới).
Trong khi lực lượng cảnh sát thường giải tán các cuộc biểu tình không được phép tại Moscow, chính quyền Khabarovsk vẫn chưa có hoạt động can thiệp thực sự nào. Thậm chí, cảnh sát nơi đây còn cung cấp mặt nạ cho những người tham gia biểu tình để hạn chế virus corona mới lây lan.
Ông Furgal bị bắt giữ ngày 9/7 và đưa tới Moscow sau những cáo buộc tổ chức giết người vào năm 2004-05. Là một chính trị gia mang tư tưởng dân túy của Đảng Dân chủ Tự do, năm 2018, ông giành thắng lợi bất ngờ trước ứng cử viên của đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất. Vào thời điểm đó, cử tri Nga đang phản đối mạnh mẽ những đề xuất cải cách hưu trí của Tổng thống Putin. Ngoài ra, ông Furgal cũng nhận được sự ủng hộ của người dân địa phương vì những nỗ lực xóa bỏ bớt các ưu đãi dành cho quan chức và thúc đẩy hỗ trợ xã hội.
Theo bà Zubarevich, tại Khabarovsk nói riêng và phần lớn vùng Viễn Đông của Nga, người dân đặc biệt không hài lòng trước tình trạng thiếu đầu tư và hỗ trợ công ăn việc làm từ chính phủ. Họ coi đó là minh chứng của việc những lợi ích của khu vực đã bị Moscow "bỏ quên". Một ví dụ điển hình như, trong các dự án lớn, tập đoàn khí đốt nhà nước Gazprom thường ưu tiên thuê nhân công nhập cư có giá thành rẻ hơn thay vì công nhân địa phương, trong khi những quản lý do các trụ sở chính bổ nhiệm lại nhận được mức lương tương đương tầm quốc tế.
Truyền thống mạnh mẽ
Chuyên gia chính trị từ Khabarovsk là Valentina Kupriyanova cho hay, Khabarovsk và các vùng khác gần biên giới với Trung Quốc từ lâu đã có truyền thống biểu tình phản đối. Nguyên nhân chính là do họ ở quá xa Moscow và sở hữu "một tinh thần biên giới độc lập".
Còn Alexei Makarkin - phó giám đốc của Trung tâm Công nghệ chính trị Moscow đánh giá, ông Furrgal là một trường hợp bất thường trên chính trường Nga bởi vì ông cư xử như một chính trị gia đích thực chứ không phải là một lãnh đạo quan liêu. Quyết định của Điện Kremlin bổ nhiệm ông Mikhail Degtyarev là người thay thế tạm thời chỉ càng đổ thêm dầu vào lửa. Mặc dù ở trong cùng đảng với Furgal nhưng ông Degtyarev lại không có "gốc rễ" xuất phát từ địa phương.
"Ban đầu chính quyền cho rằng, người dân sẽ dừng biểu tình nhưng họ lại vẫn đổ ra đường", ông Makarin nói. "Cảnh sát không giải tán đám đông bởi vì chính người thân của họ đang tham gia". Bên cạnh đó, nếu gửi lực lượng chống bạo loạn từ Moscow tới, Điện Kremlin sẽ đối mặt với nguy cơ làm bùng lên đụng độ với lực lượng hành pháp địa phương.
"Khabarovsk là một rắc rối", cựu cố vấn Điện Kremlin Gleb Pavlovsky nhận xét trên đài phát thanh Echo Moskvy. "Có một mức độ mất niềm tin mới đối với Moscow, với Putin, với chính phủ trung ương và tất cả những điều này đã hợp nhất lại thành một".