(Tổ Quốc) - Một bài bình luận trên trang Project Syndicate gần đây đưa ra nhận định về sự đóng băng trong quan hệ Nga – châu Âu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có quyền lo lắng về sự đổ vỡ của chương trình kiểm soát vũ khí toàn cầu và một nước Nga đang ngày càng gắn kết với Trung Quốc. Nhưng khi sự chia rẽ giữa Nga và Liên minh châu Âu vượt quá các giá trị cơ bản, chưa có lí do gì để tin rằng mối quan hệ này có thể được cải thiện sớm.
Mặc dù Liên minh châu Âu và Nga ở cùng một dải đất, nhưng họ không có nhiều điểm chung. Trên thực tế, người Nga thậm chí vẫn chưa quyết định nơi đất nước của họ thuộc về đâu trên thế giới. Phần lớn lãnh thổ của họ là ở châu Á, nhưng hơn 70% người dân sống ở phía tây dãy núi Ural – thuộc châu Âu. Người Nga không có hứng thú kết nối với Đông Á hay miền Nam Hồi giáo, vì vậy lựa chọn duy nhất của họ là đi một mình hoặc hướng về châu Âu.
Nga chọn con đường nào?
Nhưng việc đi một mình có nhiều rủi ro. Nga là một thế lực khổng lồ được trang bị vũ khí hạt nhân, nhưng họ đang suy giảm về mặt nhân khẩu học, kinh tế và công nghệ. Họ vẫn chủ yếu dựa vào xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch và các mặt hàng khác, điều hầu như không đủ để duy trì vị thế siêu cường trong thế kỷ XXI. Ngày càng có nhiều khả năng Nga sẽ trở thành đối tác của Trung Quốc.
Lựa chọn còn lại là châu Âu. Nhưng cả hai đang bị vây hãm trong những căng thẳng từ lịch sử và hiện tại, việc Nga sáp nhập Crimea và xung đột quân sự vẫn tiếp diễn ở miền Đông Ukraine đã củng cố sự ngờ vực đối với Nga trên toàn khu vực.
Pháp đang cố bắc cầu kết nối Nga với châu Âu nhưng dường như chưa có nhiều tín hiệu khả quan. Ảnh: TASS.
Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang có những nỗ lực đổi mới để cải thiện quan hệ EU-Nga, nhất là bằng cách gặp Putin trước cuộc gặp thượng đỉnh G7 tại Biarritz vào tháng trước. Theo quan điểm của Macron, châu Âu không có lợi ích gì khi đẩy Nga tiến xa hơn vào vòng tay của Trung Quốc, hay để yên và theo dõi sự tan rã của các hiệp ước kiểm soát vũ khí Mỹ-Nga. Liên quan đến kiểm soát vũ khí, lợi ích của Mỹ và châu Âu không giống nhau, và ngày nay, chính quyền Hoa Kỳ quan tâm rất ít đến châu Âu hoặc quan điểm của châu Âu về bất kỳ vấn đề nào.
Nhưng những nỗ lực của Macron đã đặt ra nhiều câu hỏi. Đối với dư luận đại chúng, chưa rõ châu Âu có thể đóng vai trò gì trong việc tạo ra cơ chế mới kiểm soát vũ khí toàn cầu. Không có Mỹ, châu Âu không có gì nhiều để trao đổi với Nga về vấn đề tên lửa tầm trung. Họ sẽ bị mắc kẹt khi cố gắng thuyết phục hai bên đều không muốn đạt được thỏa thuận mới. Và điều đó thậm chí còn không tác động được gì đến Trung Quốc, nơi cũng đã phát triển năng lực tên lửa tầm trung.
Châu Âu có một chút gì đó để trao đổi với Nga về kinh tế. Nhưng cải thiện quan hệ kinh tế chỉ đơn giản là không thể nếu không có tiến bộ có thể kiểm chứng trong việc thực hiện Nghị định thư Minsk để chấm dứt xung đột ở Donbass. Không rõ liệu Putin có sẵn sàng cho điều đó hay không.
Cốt lõi bất đồng
Nhưng vấn đề thực sự giữa Nga và EU là các phong trào đòi dân chủ. Ông Putin và giới lãnh đạo nước Nga rất lo ngại phong trào Maidan có thể diễn ra trên Quảng trường Đỏ Moscow. Điện Kremlin không đổ lỗi cho NATO về khả năng đó; mà họ đổ lỗi cho EU. NATO là di sản từ thời Chiến tranh Lạnh còn mối đe dọa thực sự mà các nhà lãnh đạo Nga nhìn nhận là việc EU thúc đẩy các giá trị mà họ cho là đúng đắn.
Hệ thống chính trị của Nga và châu Âu về cơ bản là không tương đồng, đại diện cho các giá trị và các cách tiếp cận khác nhau rất lớn đối với chính sách đối nội và đối ngoại. Vào thế kỷ XIX, Nga hoàng Nga là lãnh đạo của "Liên minh thần thánh", chống lại các cuộc cách mạng tư sản diễn ra trên diện rộng ở châu Âu. Điều này đã bị đảo ngược dưới thời những người Bolshevik sau năm 1917, khi Nga trở thành cái nôi của cách mạng vô sản.
Cho tới nay, lập trường của Nga với Mỹ và phương Tây đang ngày càng khác biệt. Mong muốn cải thiện quan hệ giữa EU và Nga sẽ không được thực hiện một cách nhanh chóng hay dễ dàng. Và trong khi Moscow rất cứng rắn trong lập trường của mình thì về những câu hỏi chính liên quan tới Ukraine hay các giá trị dân chủ phương Tây, châu Âu cũng khó có thể nhượng bộ một bước nào.