• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Luận tội Tổng thống Trump: Tung chiến lược mơ hồ, tưởng khoét sâu mâu thuẫn Đảng Cộng hòa, phe Dân chủ đối mặt "phản tác dụng"?

Thế giới 20/12/2019 10:17

(Tổ Quốc) - Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi gây hoang mang khi bất ngờ tuyên bố trì hoãn việc chuyển các điều khoản luận tội tới Thượng viện.

Giới phân tích nhận định, Đảng Dân chủ đang muốn gia tăng sức ép lên các nghị sỹ Cộng hòa trong vấn đề triệu tập nhân chứng tham gia phiên tòa luận tội; đồng thời "khoét sâu" vào chia rẽ giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell.

Tuy nhiên, hôm thứ năm (19/12), Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi dường như vẫn chưa đưa ra được một lời giải thích rõ ràng khi quyết định trì hoãn kế hoạch gửi các điều khoản luận tội tới Thượng viện. Từ chối trả lời yêu cầu làm rõ từ báo giới, bà Pelosi chỉ nói, bà đang đợi Thượng viện đồng ý với các thủ tục mở phiên tòa và sau đó sẽ gửi các điều khoản luận tội đi. Bà nhấn mạnh mong muốn có được một "phiên tòa công bằng".

Điều đó có nghĩa bà Pelosi muốn lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer cũng có thể triệu tập nhân chứng. Trong khi đó ông McConnell tỏ ý muốn bắt đầu phiên tòa trước khi quyết định danh sách nhân chứng, cũng như sẵn sàng chủ trì một phiên tòa nhanh mà không cần tới bất kỳ nhân chứng nào.

Luận tội Tổng thống Trump: Tung chiến lược mơ hồ, tưởng khoét sâu mâu thuẫn Đảng Cộng hòa, phe Dân chủ đối mặt "phản tác dụng"? - Ảnh 1.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi chưa chuyển các điều khoản luận tội đã được Hạ viện bỏ phiếu thông qua tới Thượng viện (ảnh: Reuters)

Sáng ngày 19/12, bà Pelosi tuyên bố không thể chọn được các hạ nghị sỹ sẽ tham gia tranh luận trước Thượng viện, cho tới khi nắm rõ được các biến số của phiên tòa. "Khi chúng tôi nhận thấy được họ có gì, chúng tôi sẽ biết cử những ai và với số lượng bao nhiêu người tới đó", bà Pelosi nói.

Tuy nhiên, Yahoo news đưa tin, kế hoạch trì hoãn chuyển các điều khoản luận tội cho Thượng viện đã "râm ran" xuất hiện trong nội bộ Đảng Dân chủ từ vài ngày qua, và thực sự được đề cập tới chỉ một ngày trước cuộc bỏ phiếu hôm thứ tư (18/12). Hiện chưa rõ bà Pelosi đã suy nghĩ cặn kẽ tới mức nào về quyết định của mình, hay đó chỉ là một thông báo mang tính ngắn hạn mà bà chưa tính toán hết về những chi phí chính trị mình sẽ phải đối mặt.

Tổng thống Donald Trump muốn nhận được sự "tha bổng" từ phiên tòa Thượng viện và từng công khai tuyên bố rằng, ông chấp nhận có nhân chứng. Trong khi đó, ông McConnell có lẽ lại hy vọng có thể hoàn toàn tránh được phiên tòa.

Cùng lúc, Tổng thống Trump không ngừng cập nhật Twitter về việc bà Pelosi cần phải gửi điều khoản luận tội lên Thượng viện, và ông không hề e ngại phiên tòa diễn ra. "Đảng Dân chủ không muốn làm gì với các điều khoản và không chuyển chúng lên Thượng viện, nhưng Thượng viện đang kêu gọi đấy", ông Trump tweet.

Bà Pelosi có thể muốn sử dụng sự mâu thuẫn giữa hai ông Trump và McConnell trong khi ép các thượng nghị sỹ Cộng hòa phải quyết định có thực sự muốn triệu tập nhân chứng hay không.

Theo Thượng nghị sỹ Chris Van Hollen, "đây là một khoảnh khắc quan trọng để tập trung sự chú ý của dư luận vào những diễn biến tại Thượng viện" và khiến mỗi thượng nghị sỹ Cộng hòa phải trả lời cho vị trí của mình bởi vì vấn đề về nhân chứng và thủ tục phải được thông qua bởi đa số.

"Chúng ta cần phải có cuộc thảo luận mở liên quan tới việc một phiên tòa công bằng sẽ bao gồm những gì", ông Van Hollen nói. "Các thành viên sẽ bị đặt câu hỏi".

Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Schumer tỏ ra đồng tình. "Trong những tuần tới, các thượng nghị sỹ Cộng hòa sẽ phải đối mặt với một sự lựa chọn", ông Schumer phát biểu. "Họ muốn một một phiên tòa công bằng không? Hay họ muốn để tổng thống làm bất kỳ điều gì mà không màng tới luật pháp?"

Tuy nhiên, một số thành viên Dân chủ cấp cao tỏ ra không quá thống nhất với thông điệp hôm thứ năm. Ông Van Hollen nói với Yahoo News rằng, bà Pelosi sẽ không trì hoãn vô thời hạn. "Tôi nghĩ sẽ có một phiên tòa nhưng nó phải là một phiên tòa công bằng", ông cho hay.

Lãnh đạo phe đa số Hạ viện Steny Hoyer cũng có nhận định tương tự, nhưng ông này lại tỏ ra thiếu chắc chắn về kế hoạch của bà Pelosi. "Tôi hy vọng bà Pelosi không có ý định không bao giờ gửi các điều khoản tới Thượng viện", ông Hoyer trả lời phỏng vấn trên MSNBC.

Trong khi đó, phó lãnh đạo phe đa số Hạ viện James Clyburn lại có một ý tưởng khác, mặc dù ông cũng chia sẻ, "không hiểu bà Chủ tịch Hạ viện sẽ làm gì".

"Ông có sẵn sàng giữ lại các điều khoản vô thời hạn nếu Mitch McConnell không thực hiện những gì ông yêu cầu ông ta làm? Ông có nghĩ tới việc không bao giờ chuyển các điều khoản luận tội đó tới Thượng viện hay không?", phóng viên John Berman của CNN đặt câu hỏi cho ông Clyburn. "Nếu đó là tôi, thì tôi sẽ làm vậy", ông Clyburn trả lời.

Nhiều chính trị gia tại Washington, bao gồm cả lãnh đạo phe đa số Thượng viện McConnell tỏ ra băn khoăn về chiến lược của bà Pelosi.

"Tôi không hiểu tại sao bà Chủ tịch và nhà lãnh đạo Dân chủ Thượng viện lại cho rằng việc giữ lại các điều khoản luận tội mà không gửi lên Thượng viện, sẽ đem lại lợi thế cho họ", ông McConnel nói. "Có thể bà ấy nghĩ mình bị yếu thế trong vụ việc và không muốn gửi các điều khoản đi".

Yahoo News nhận định, phần lớn câu trả lời cho tình huống trên sẽ nằm ở cách ông McConnell xử lý mối quan hệ của mình với Tổng thống Trump. Nếu ông McConnell có thể thuyết phục ông Trump rằng, chờ đợi tới khi Hạ viện trao lại các điều khoản vào tháng 1 và phiên tòa thượng viện sẽ diễn ra như kế hoạch – có thể là trong hai tuần và không có nhân chứng, thì chiến lược của bà Pelosi sẽ có tác dụng ngược lên Đảng Dân chủ hoặc hầu như không đem lại lợi ích gì.

Những nếu Tổng thống Trump không giữ nổi kiên nhẫn và lo lắng mình sẽ trở thành một tổng thống bị luận tội và không nhận được sự tha thứ từ Thượng viện, thì ông McConnell sẽ phải đối mặt với nhiều cơn đau đầu, khó nghĩ.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ