(Tổ Quốc) - Thủ tướng Anh Boris Johnson lên tiếng sẽ từ bỏ các cuộc đàm phán thương mại với Liên minh châu Âu (EU) nếu thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU không đạt được vào tháng tới.
"Nếu điều này xảy ra thì các thỏa thuận thương mại giữa Anh với liên minh châu Âu sẽ giống với cách Australia đang làm với EU", Thủ tướng Johnson cho biết trong một tuyên bố diễn ra nhiều giờ trước khi vòng đàm phán giữa EU và Anh diễn ra. "Tôi muốn mọi thứ phải thật rõ ràng để mang lại lợi ích tốt nhất cho nước Anh".
EU cũng đã ngỏ ý giữa tháng 10 là thời điểm muộn nhất để đạt thỏa thuận với Anh, do cần thời gian chuyển ngữ cũng như để Nghị viện châu Âu thông qua.
Thương mại Anh - EU sẽ dựa theo các điều khoản do Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đặt ra nếu đàm phán thất bại.
Hiện tại, theo CNN, Australia đang thực hiện giao dịch thương mại với EU theo các quy định và thuế quan của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Australia có thể không có thỏa thuận thương mại tự do với EU nhưng vẫn muốn ràng buộc một quy chuẩn mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng của Australia. Thỏa thuận sẽ thúc đẩy dòng đầu tư và nhiều lựa chọn cho các sản phẩm và dịch vụ.
Các quan chức EU và Australia đã bắt đầu các đàm phán chính thức về thỏa thuận thương mại tự do toàn diện cách đây hai năm. Các cuộc đàm phán đến thời điểm này vẫn tiếp tục. Australia đang kỳ vọng sẽ thu được lợi ích từ việc nới lỏng thuế quan và hạn ngạch đối với hàng hóa xuất khẩu của nước này sang thị trường châu Âu.Trong khi đó, xuất khẩu của Anh đang phải chịu thuế quan và ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế trong dịch bệnh Covid-19. Ngành sản xuất ô tô của Anh sẽ phải đối mặt với mức thuế lên tới 10% và là loại hàng hóa có giá trị lớn thứ hai trong danh sách hàng xuất khẩu từ Anh sang EU trong năm 2019, dữ liệu hải quan cho biết.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã bày tỏ ngạc nhiên về sự ủng hộ của Thủ tướng Johnson với mô hình mà Australia áp dụng đối với EU.
"EU đang thực hiện giao dịch theo các điều khoản của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với Australia. Và nếu đây là lựa chọn của Anh thì EU sẽ chấp thuận theo cách như vậy", bà Ursula von der Leyen cho biết vào tháng Hai.
Các quy định của WTO liên quan đến việc di chuyển hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia phải chịu thuế quan và các rào cản khác, chẳng hạn như kiểm tra quy định và thủ tục giấy tờ. Chính phủ Australia đang nỗ lực tìm kiếm cách thức giảm mức thuế mà châu Âu áp dụng với nước này liên quan đến các mặt hàng công nghiệp, chẳng hạn như khoáng sản, kim loại và hóa chất. Kể từ tháng 6/2018, hai bên đã tham gia 7 vòng đàm phán thương mại, Ủy ban châu Âu cho biết. Vòng đàm phán mới dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức trong tháng này.
Ông David Henig – Giám đốc Dự án Chính sách Thương mại của Anh tại Trung tâm kinh tế chính trị quốc tế châu Âu cho biết, ngay cả khi không có bất kỳ thỏa thuận thương mại nào thì Australia vẫn ở vị trí thuận lợi hơn Anh nếu quá trình Brexit kết thúc mà không có thỏa thuận.
Điều này là bởi vì Australia và EU đã có thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau và giúp các nhà sản xuất có cơ hội nhận các đơn hàng thường xuyên và bán sản phẩm của họ.
"Trong trường hợp không thông qua bất kỳ thỏa thuận thương mại tự do nào thì chính phủ Anh sẽ tìm cách kích hoạt mô hình giống với Australia và EU đã làm", Người phát ngôn chính phủ Anh cho biết.
"Các thỏa thuận giữa Australia và EU liên quan đến các vấn đề cơ bản. Anh vẫn đang đứng trước lựa chọn giữa FTA (Thỏa thuận thương mại tự do) hoặc mô hình của Australia áp dụng", Người phát ngôn chính phủ Anh nói.
Theo CNN, ngay cả khi đàm phán thương mại giữa EU và Anh đạt được hiệp định thương mại tự do thì quá trình vận chuyển hàng hóa và dịch vụ vẫn phải chịu sự kiểm tra hải quan và các quy định bổ sung gây tốn kém thêm hàng tỷ đôla cho các doanh nghiệp Anh và châu Âu.
Chính phủ Anh cho đến nay dường như chưa đạt được quá trình tái tạo hầu hết các thỏa thuận thương mại giữa EU và các quốc gia thứ ba. Điều này chắc chắn sẽ không mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất Anh vào cuối năm 2020. Cùng thời điểm, Vương quốc Anh cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 khiến kinh tế suy thoái nghiêm trọng.
Lựa chọn áp dụng mô hình mà Australia từng áp dụng của Thủ tướng Boris Johnson có thể giáng một đòn mới vào kinh tế nước Anh khi nước này đang cố gắng phục hồi kinh tế.
"Việc ra khỏi EU khiến Anh gặp không ít khó khăn trong nỗ lực tìm kiếm các bước trung gian quản lý điều chỉnh các lĩnh vực quan trọng như thương mại hàng hóa và dịch vụ tài chính. Tình hình như vậy có thể khiến Anh tiếp tục trở lại suy thoái vào đầu năm 2021 và kìm hãm quá trình phục hồi của cả EU", ông Kallum Pickering, một chuyên gia kinh tế hàng đầu ở ngân hàng Berenberg cho biết.
Bình luận