• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lý do nào khiến Nga trở thành điểm đến ưu tiên của các lãnh đạo châu Âu?

Thế giới 07/02/2022 20:01

(Tổ Quốc) - Theo hãng AP, hiếm khi nào Điện Kremlin lại trở thành điểm đến thu hút các chính trị châu Âu như vậy.

Tổng thống Macron thăm Nga

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 7/2 bắt đầu chuyến thăm Nga và Ukraine trong 2 ngày để nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng tình hình liên quan đến Ukraine. Chuyến thăm của Tổng thống Emmanuel Macron nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán theo cơ chế Normandy gồm 4 bên là Đức, Pháp, Nga và Ukraine, trong đó Đức và Pháp đóng vai trò trung gian.

Lý do nào khiến Nga trở thành điểm đến ưu tiên của các lãnh đạo châu Âu? - Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm Nga. Ảnh: AP

Trong những ngày tới, tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng sẽ đến Moscow trong vai trò tương tự với Pháp.

Tuần trước, Thủ tướng Hungary đã có chuyến thăm Kremlin.

Chuyến thăm của lãnh đạo các nước châu Âu mang đến hy vọng giảm căng thẳng trong vấn đề Ukraine vào thời gian tới sau khi Moscow gia tăng sự hiện diện quân sự gần biên giới với Ukraine.

"Ưu tiên của tôi đối với vấn đề Ukraine là đối thoại với Nga và giảm căng thẳng. Tôi thực sự rất lo lắng về tình hình trên thực địa", Tổng thống Macron nói với báo chí trước cuộc gặp gỡ với Tổng thống Putin.

Trong vài ngày qua, Tổng thống Macron đã có các cuộc điện đàm với Tổng thống Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết, các cuộc điện đàm gần đây nhất với Tổng thống Nga và Tổng thống Ukraine nhằm tìm cách tìm cách hạ nhiệt căng thẳng xung quanh vấn đề Ukraine.

Giới quan sát cho rằng, cuộc gặp giữa một số nhà lãnh đạo châu Âu với Nga trong thời gian tới sẽ mở ra cơ hội cho vấn đề Ukraine.

"Từ phía Nga, Tổng thống Putin dường như đã giành phần thắng vì thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia châu Âu trong vấn đề Ukraine. Nhiều chính trị gia châu Âu cũng dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên thực hiện các chuyến thăm Nga gần đây", bà Fiona Hill, cựu quan chức tình báo Mỹ về Nga và Á-Âu cho biết.

Tháng trước, ông Sergei Ryabkov, nhà ngoại giao cấp cao đã dẫn đầu phái đoàn của Nga tham gia các cuộc đàm phán an ninh với Mỹ tại Geneva khẳng định gần đây Moscow đang xây dựng chương trình nghị sự và đã nắm bắt thế chủ động về chính sách đối ngoại.

Tổng thống Macron nhấn mạnh các nước châu Âu sẽ luôn có hành động trong bất kỳ cuộc khủng hoảng đe dọa sự ổn định của lục địa đen. Theo AP, Tổng thống Macron và Tổng thống Putin đã có ba cuộc điện đàm trong những ngày gần đây để tiếp tục thảo luận về vấn đề Ukraine.

Nỗ lực giải quyết vấn đề Ukraine

Trước đó, Tổng thống Pháp Macron từng bày tỏ lo lắng về khủng hoảng NATO vào năm 2019. Đây là thời điểm Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã trải qua thời gian khủng hoảng nghiêm trọng đe dọa sự tồn tại của khối. Nhấn mạnh đến cam kết của NATO, ngày 4/2/2022, khi nói chuyện điện thoại với Tổng thư ký NATO, Tổng thống Macron nhấn mạnh cam kết của Pháp với NATO vì an ninh giữa các đồng minh. Pháp cũng đã đề nghị gửi quân đến Romania như một phần cam kết với NATO, khẳng định lại tinh thần đoàn kết đối phó với mọi thách thức trong những tuần gần đây.

Vào ngày 6/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken đã nói chuyện với Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian về các nỗ lực của NATO, liên minh châu Âu và các quốc gia khác nhằm giải quyết việc Nga tiếp tục tăng cường quân sự ở biên giới Ukraine.

Ngoại giao châu Âu từng giúp hạ nhiệt các căng thẳng trong quá khứ. Vai trò trung gian của Pháp và Đức trong năm 2015 đã phần nào chấm dứt các căng thẳng quy mô lớn ở miền đông Ukraine sau khi Moscow sáp nhập Crimea.

Theo hãng tin AP, Paris đã tổ chức cuộc họp giữa các cố vấn tổng thống đến từ Nga, Ukraine, Đức và Pháp vào ngày 26/1. Cuộc họp dự kiến sẽ tổ chức tiếp ở Berlin vào thời gian tới. Tổng thống Pháp Macron sẽ đến Kyiv vào ngày 8/2. Tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng sẽ đến Moscow trong tuần này.

Chuyên gia Nga Tatiana Kastoueva-Jean từ Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI) nhận định Moscow ít nhất sẽ để lại một chút tín nhiệm với Tổng thống Macron nhằm duy trì đối thoại hai bên trong chuyến thăm của Tổng thống Pháp. Điều này có ý nghĩa quan trọng để thể hiện sự quan tâm trực tiếp của EU đến Tổng thống Putin.

Tổng thống Macron gần đây cũng thừa nhận rằng các cuộc thảo luận với Nga luôn khó khăn và ông đã nhiều lần kết nối mối quan hệ giữa Pháp và Nga để thúc đẩy đối thoại hòa bình với Ukraine trong năm 2019.

Theo vị tướng đã về hưu - cựu chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu Ben Hodges, NATO ngày càng mạnh mẽ hơn rất nhiều so với 20-25 năm trước. Việc Nga ra khỏi G8 vào năm 2014 đã khiến Nga ít tương tác hơn với lãnh đạo các quốc gia quyền lực trên thế giới cho đến nay.

Và cuộc gặp sắp tới giữa các lãnh đạo châu Âu đang đặt ra các giả thiết về khả năng lãnh đạo các nước châu Âu thuyết phục Moscow trước vấn đề Ukraine.

"Mọi thứ sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào thời gian. Quyết định cuối cùng trong vấn đề Ukraine sẽ phụ thuộc vào Tổng thống Nga Vladimir Putin ", bà Fiona Hill, cựu quan chức tình báo Mỹ về Nga và Á-Âu nói thêm.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ