• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mạng xã hội lo ngại dịch tả lợn châu Phi, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định: Không gây bệnh trên người

Cư dân mạng 05/03/2019 14:22

(Tổ Quốc) – Trong thời điểm này, người dân cần lưu ý khi lựa chọn mua thịt lợn, nên mua tại những cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, chế biến hợp vệ sinh, không nên quá lo lắng và tảy chay thịt lợn…

Mạng xã hội lo ngại dịch tả lợn châu Phi, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định: Không gây bệnh trên người - Ảnh 1.

Hình minh họa

Dịch tả lợn châu Phi đang có xu hướng lan rộng, theo Bộ Nông nghiệp và PTNT từ ngày 01/2 – 03/3/2019, bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương; tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.

Mặc dù nhiều thông tin khẳng định dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm trên người, nhưng trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều thông tin kêu gọi người dân "tảy chay" với thịt lợn cũng như những sản phẩm được chế biến thịt lợn như: Giò, chả, nem thính, nem tai…

Trả lời Báo điện tử Tổ Quốc sáng nay, ông Đặng Quang Tấn Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay: Dịch tả lợn châu Phi chỉ gây bệnh trên lợn, không gây bệnh trên các động vật khác và đặc biệt là trên người. Do đó, người dân không nên hoang mang dẫn đến tẩy chay sử dụng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh. Người dân vẫn hoàn toàn có thể sử dụng thịt lợn cũng như các sản phẩm được chế biến từ lợn khi có nguồn gốc rõ ràng, được chế biến, bảo đảm an toàn thực phẩm, không sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín…

Một số chuyên gia thú y vẫn cảnh báo khi lợn bị tả, sức đề kháng kém đi nên rất dễ mắc thêm những loại bệnh lây nhiễm nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn, liên cầu lợn...chính những căn bệnh này lại là mối nguy hiểm đe dọa sự an toàn của con người. Chính vì vậy, các chuyên gia thú y cảnh báo dù dịch tả lợn không lây nhiễm trên người thì người dân cũng không nên hiểu nhầm rằng có thể ăn thịt lợn bệnh mà không lo lây nhiễm.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 4/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyến Xuân Phúc nhấn mạnh khẩu hiểu "chống dịch như chống giặc" để huy động các cấp các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương cùng chung tay ngăn chặn tốt hơn và hiệu quả hơn nữa dịch tả lợn châu Phi để dịch không tiếp tục lan rộng thêm. 

Thủ tướng yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người chăn nuôi nghiêm túc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019 của Thủ tướng về triển khai đồng bộ các giải phấp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Riêng đối với người chặn nuôi, Thủ tướng yêu cầu cam kết thực hiện "5 không" (không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa, chưa qua xử lý dịch).

Cũng tại Hội nghị này, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi.

Thịt lợn bệnh thường có mùi lạ, màu sắc kém tươi; phần mỡ không trắng ngần mà có thể vàng, đục; bì lợn có thể có nhiều nốt sần, mẩn đỏ, trên da có nhiều vết bầm, tụ máu,… Để tránh mua phải thịt lợn bệnh, thịt lợn ôi thiu, người tiêu dùng tuyệt đối không nên mua ở những nơi không đảm bảo nguồn gốc, không có kiểm dịch. Thịt lợn không bị bệnh sẽ có màu đỏ tự nhiên, tươi sáng, không thâm nhão, không rỉ nhớt. Miếng thịt rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra, phần thịt nạc dính nhẹ, nhưng không nhớt...

Thành Trung thực hiện

NỔI BẬT TRANG CHỦ