(Tổ Quốc) - Theo ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia khẳng định, về nguyên tắc thì việc bầu hộ, bầu thay, một người đi bỏ phiếu thay cho cả nhà là không được phép, không đúng quy định của pháp luật.
- 19.05.2021 Nhận diện bốn thủ đoạn các thế lực sử dụng chống phá bầu cử
- 06.05.2021 GS.TS Hoàng Văn Cường: Tin tưởng cử tri sẽ sáng suốt lựa chọn ra những người có đức, có tài, có tâm
- 05.05.2021 "Cử tri quan tâm nhất là đại biểu QH, HĐND sẽ giúp được gì cho dân, cho nước"
- 28.04.2021 “Không tranh thủ những thế mạnh như tiền bạc, chức quyền để vận động bầu cử”
Không đúng quy định của pháp luật
Chỉ còn hai ngày nữa, người dân cả nước sẽ nô nức đến các điểm bầu cử để lựa chọn ra những người tiêu biểu, xứng đáng làm ĐBQH khóa XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Bên cạnh những cử tri dành hết trách nhiệm, tự mình đi bỏ phiếu thì vẫn còn đó nỗi lo về tình trạng bầu hộ, bầu thay. Thực tế cho thấy tại các địa phương, ở các kỳ bầu cử vẫn diễn ra tình trạng một người đi bỏ phiếu cho cả gia đình.
Nói về vấn đề này, ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia khẳng định, về nguyên tắc thì việc bầu hộ, bầu thay, một người đi bỏ phiếu thay cho cả nhà là không được phép, không đúng quy định của pháp luật.
Lý giải về hiện tượng này, ông Bùi Văn Cường cho rằng, việc bầu hộ, bầu thay là do người dân không hiểu đúng quyền và nghĩa vụ của mình. Việc bỏ phiếu bầu cử bên cạnh là quyền lợi thì còn là nghĩa vụ của cử tri để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chính vì vậy, để thực hiện quyền và nghĩa vụ này thì cử tri phải trực tiếp thực hiện nghĩa vụ bỏ phiếu, trực tiếp lựa chọn người mà mình tin tưởng.
Theo quan điểm của ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề văn hóa và xã hội cho rằng, việc bầu hộ, bầu thay không chỉ thể hiện sự thiếu trách nhiệm với bản thân mà còn là sự vô trách nhiệm với đất nước.
"Người dân phải có trách nhiệm với lá phiếu của mình để lựa chọn những người có đức, có tài, có tâm, có tầm phụng sự đất nước chứ không thể vô trách nhiệm với đất nước, để bầu ai cũng được", ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Nguyễn Túc cũng cho rằng, việc không đi bầu cử dẫn đến việc sẽ không biết lá phiếu của mình bầu cho ai, không biết ai trúng cử và không thể đòi hỏi quyền lợi và giám sát được những đại biểu ở khu vực mình bầu ra.
Bầu hộ, bầu thay do thiếu ý thức trách nhiệm đối với lá phiếu của mình
Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, nguyên nhân của việc này là do ý thức trách nhiệm của mỗi người dân đối với lá phiếu của mình.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, để xuất hiện tình trạng này một phần là do hệ thống chính trị ở những nơi đó không làm đến nơi đến chốn. Việc tuyên truyền, đôn đốc chưa thường xuyên dẫn đến tình trạng người dân coi việc đi bầu cử là bình thường.
"Những người không tự mình đi bỏ phiếu vì lý do chủ quan không thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của mình đối với vận mệnh của đất nước. Ngoài việc mỗi cử tri chưa ý thức được hết quyền và nghĩa vụ của mình thì ở các tổ bầu cử vẫn còn câu chuyện nể nang" - ĐB Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm.
Chính vì vậy, ĐB Lưu Bình Nhưỡng đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị tăng cường tuyên truyền vận động để người dân hiểu rõ được quyền và nghĩa vụ của mình trong việc bầu cử. Từ đó để có tỷ lệ đi bầu cao nhất vào 23/5 sắp tới, để thực sự đó là ngày hội của toàn dân.
Được biết, vào ngày 23/5/2021, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ bố trí bộ phận thường trực tại tòa nhà Quốc hội để theo dõi cuộc bầu cử, đồng thời thiết lập đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận báo cáo, phản ánh từ các địa phương.