(Tổ Quốc) - Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tiếp cận vùng biển quốc tế tại Biển Đông.
- 28.02.2017 Mỹ nắn gân Trung Quốc tại Biển Đông
- 13.03.2017 Biển Đông và chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mỹ
Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tiếp cận vùng biển quốc tế tại Biển Đông, khẳng định rằng việc tạm dừng hoạt động tuần tra tự do hàng hải tại đây không đồng nghĩa với việc tranh chấp khu vực đang trở thành ưu tiên thấp hơn trong chính quyền Trump, Đô đốc Mỹ Scott Swift cho biết.
Lo ngại gia tăng tại khu vực
Các đồng minh và các đối tác ở châu Á của Mỹ đang lo ngại về các vấn đề an ninh khi cam kết của Washington với khu vực này đang dấy lên rất nhiều câu hỏi, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ - Đô đốc Scott Swift nói.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ - Đô đốc Scott Swift. (Nguồn: Reuters) |
Ông Swift, người giám sát hoạt động của Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ hai với các cơ quan truyền thông ở Singapore rằng mục tiêu của ông là làm việc với các lực lượng hải quân châu Á về nhiều vấn đề an ninh bao gồm Triều Tiên và cướp biển, đồng thời cũng trấn an các đồng minh rằng Mỹ sẽ thực hiện hành động đi cùng lời nói.
Đô đốc Swift cho biết: "Tôi nghĩ rằng cho dù toàn bộ Hải quân Hoa Kỳ được triển khai tới phía Tây Thái Bình Dương, sự lo ngại về các cam kết (của Mỹ) vẫn sẽ tồn tại. "Đây là sự phản ánh của những bất ổn và lo ngại trong khu vực."
Theo Wall Street Journal (WSJ), các quan chức ở khu vực Đông Nam Á đặc biệt tỏ ra quan ngại về cam kết của Tổng thống Donald Trump tại Biển Đông – vùng biển đang tranh chấp của một số quốc gia khu vực cùng với Trung Quốc và Đài Loan. Bắc Kinh vẫn đang khẳng định các tuyên bố chủ quyền trái phép của mình bằng các hoạt động xây dựng và bồi đắp phi pháp các hòn đảo nhân tạo.
Tín hiệu chưa rõ
Từ khi ông Trump – người đang đặt trọng tâm chính sách đối ngoại là giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, nhậm chức, Mỹ chưa tiến hành bất kỳ hoạt động tuần tra tự do hàng hải nào ở Biển Đông, Bloomberg dẫn lời một quan chức Lầu Năm Góc cho biết trước đó.
Theo WSJ, các chuyên gia an ninh nói rằng điều này đang được cộng đồng quốc tế nhìn nhận là một sự nhượng bộ đối với Trung Quốc để đảm bảo sự hợp tác của Bắc Kinh trong việc thực thi các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.
Trước đó, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông đã bị Tòa Trọng tài thường trực PCA tại The Hague bác bỏ năm ngoái trong một vụ kiện do Philippines đưa ra. Tuy nhiên, Manila đã không tiếp tục đi sâu vào vấn đề này sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền và tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh.
Richard Heydarian, chuyên gia về các vấn đề quốc tế thuộc Đại học De La Salle, Manila nói rằng, hoạt động tuần tra “đã trở thành tiêu chuẩn đáng tin cậy trong ba năm trở lại đây đánh giá mức độ sẵn sàng của Mỹ trong việc phản ứng lại sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông”. Bất kỳ sự nhượng bộ nào, ông nói, "có thể thỏa hiệp an ninh của các nước nhỏ hơn" ở châu Á.
Thông điệp trấn an
Đô đốc Swift đã làm dịu mối quan ngại này, nói rằng nhiều hoạt động tự do hàng hải diễn ra trong năm nay ở các nơi khác trên thế giới.
"Chúng tôi đưa các cơ hội [lên Lầu năm góc] khi chúng tôi có tàu chiến trong khu vực và đó là khu vực chúng tôi quan tâm". Ông cũng nói thêm rằng Hải quân Mỹ đang tiếp tục đề xuất các hoạt động tương tự tại khu vực Biển Đông. "Không có gì đã thay đổi đáng kể trong hai hoặc ba tháng qua".
Richard Bitzinger, chuyên gia an ninh và quốc phòng của Trường Nghiên cứu Quốc tế tại Singapore, nói “Việc Mỹ phải làm là đi trên một con đường khó khăn”. Điều này có nghĩa là trấn an các nước Đông Nam Á và không dấy lên quá nhiều sự tranh cãi.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã tạm thời trì hoãn việc nối lại tuần tra ở Biển Đông trong những tuần đầu tiên của chính quyền Trump vì ông muốn tìm kiếm một chiến lược rộng lớn hơn – điều là cơ sở cho các hành động tại khu vực, Bloomberg dẫn lời một quan chức – yêu cầu giấu tên. Ông Mattis đã từng chấp thuận việc nối lại tuần tra sớm, tuy nhiên, sau đó muốn xem xét lại chiến lược một lần nữa.
Đô đốc Swift cho biết ông hoan nghênh đề xuất bổ sung kinh phí lên tới 8 tỷ USD để gia tăng sự hiện diện của Hoa Kỳ tại châu Á – Thái Bình Dương trong 5 năm tới, điều tờ Wall Street Journal đưa tin vào cuối tuần qua và đã được Lầu Năm Góc xác nhận.
Và đối với cách sử dụng ngân sách này, ông Swift nói ông ưu tiên ủng hộ việc đầu tư vào phần mềm và phần cứng – trang thiết bị nhằm cải thiện cách nhìn nhận của Mỹ và các đối tác về các mối đe dọa như cướp biển và đánh bắt cá bất hợp pháp đối với an ninh và ổn định khu vực.
(Theo WSJ, Bloomberg)