(Tổ Quốc) - Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ có thể sẽ vấp phải nhiều khó khăn.
Saudi Arabia đã cam kết với các đồng minh Ả rập rằng họ sẽ không tán thành bất kỳ kế hoạch hòa bình Trung Đông nào không giải quyết được vấn đề vị thế của Jerusalem và quyền để người tị nạn Palestine quay về quê hương.
Động thái này đã làm giảm lo ngại trước đó rằng Saudi có thể ủng hộ một kế hoạch của Mỹ, trong đó nghiêng về phía Israel với một số vấn đề chính.
Lập trường lịch sử của thế giới Ả Rập
Sự bảo đảm riêng của Vua Salman đối với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và cam kết duy trì lập trường lâu nay của khối Arab những tháng gần đây đã giúp đảo ngược nhận thức rằng quan điểm của Saudi Arabia đang thay đổi theo người con trai mạnh mẽ của ông, Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman, các nhà ngoại giao và các nhà phân tích cho biết.
Vua Salman vàTổng thống Palestine Mahmoud Abbas. (Nguồn: SAUDI PRESS AGENCY) |
Điều này cũng đặt ra câu hỏi liệu Saudi Arabia, nơi có đền thờ Hồi giáo thiêng liêng nhất, có thể đoàn kết khối Arab để tiến tới một cái kết cho xung đột Israel – Palestine hay không, trong khi vẫn phải dè chừng đối thủ chung Iran.
"Ở Saudi Arabia, nhà vua là người quyết định vấn đề này ở thời điểm hiện tại, không phải là hoàng thái tử", một nhà ngoại giao Ả Rập cấp cao tại Riyadh nói. "Sai lầm của Mỹ là họ nghĩ rằng một quốc gia có thể gây áp lực cho phần còn lại (của thế giới Arab) để nhượng bộ, nhưng đây không phải là vấn đề sức ép. Không nhà lãnh đạo Ả Rập nào có thể nhường nhịn về vấn đề Jerusalem hay Palestine."
Các quan chức Palestine nói với Reuters vào tháng 12/2017 rằng, Hoàng thái tử Saudi Mohammed, được gọi là MbS, đã thúc giục ông Abbas ủng hộ kế hoạch của Mỹ bất chấp những lo ngại về việc chính phủ Palestine chỉ có quyền quản lí những khu vực tách rời nhau tại khu vực Bờ Tây, trong khi người tị nạn phải di dời sau cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1948 và 1967 không thể quay lại quê hương.
Một kế hoạch như vậy sẽ phân rã Sáng kiến Hòa bình Ả Rập được Saudi soạn thảo năm 2002, trong đó các quốc gia Ả Rập sẽ thực hiện mối quan hệ bình thường với Israel để đổi lấy một thỏa thuận với Palestine và Israel rút khỏi vùng lãnh thổ họ đã chiếm đóng 1967.
Đại sứ Palestine tại Riyadh, Basem Al-Agha, nói với Reuters rằng Vua Salman đã bày tỏ sự ủng hộ cho người Palestine trong một cuộc họp gần đây với ông Abbas, nói: "Chúng tôi sẽ không từ bỏ các bạn ... Chúng tôi chấp nhận những gì bạn chấp nhận và chúng tôi từ chối những gì bạn từ chối".
Ông nói rằng Vua Salman đã đặt tên cho một hội nghị của Liên đoàn Ả Rập năm 2018 là "Hội nghị Thượng đỉnh Jerusalem" và công bố 200 triệu USD viện trợ cho người Palestine – điều gửi đi thông điệp rằng vấn đề Jerusalem và quyền của người tị nạn đã trở lại bàn đối thoại.
Các nhà chức trách Saudi không trả lời yêu cầu bình luận về hiện trạng ngoại giao.
Lằn ranh đỏ?
Các nhà ngoại giao trong khu vực nói rằng chiến lược hiện tại của Washington, được chuyển tải trong chuyến đi tháng trước của các quan chức Nhà Trắng hàng đầu, không bao gồm việc đưa Đông Jerusalem trở thành thủ đô của một nhà nước Palestine, quyền quay về của người tị nạn hoặc đóng băng các khu định cư của Israel trên các khu vực chiếm đóng của người Palestine.
Cố vấn cao cấp Jared Kushner, con rể của Tổng thống Donald Trump, đã không cung cấp chi tiết cụ thể về chiến lược của Hoa Kỳ sau hơn 18 tháng được giao nhiệm vụ xúc tiến hòa bình.
Một nhà ngoại giao ở Riyadh, được thông báo về chuyến thăm mới nhất của Kushner tới vương quốc này, cho biết Vua Salman và MbS đã cùng gặp Kushner.
Nhà phân tích độc lập Neil Partrick nói rằng vua Salman dường như sẽ phải kiềm chế “cách tiếp cận liều lĩnh về mặt chính trị” của MbS vì tầm quan trọng của Jerusalem đối với người Hồi giáo.
Kushner và đặc phái viên của Mỹ về Trung Đông Jason Greenblatt đã không đưa ra một đề xuất toàn diện mà chỉ là các yếu tố rời rạc- điều một nhà ngoại giao nói là đã "vượt qua quá nhiều lằn ranh đỏ".
Theo Reuters, Kushner và Jason Greenblatt tập trung nhiều vào ý tưởng thiết lập một khu kinh tế ở bán đảo Sinai của Ai Cập với dải Gaza liền kề có thể nằm dưới sự kiểm soát của Cairo – điều các nhà ngoại giao Ả Rập mô tả là không thể chấp nhận được.
Tại Qatar, Kushner đề nghị Emir Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani gây áp lực cho nhóm Hồi giáo Hamas để nhượng quyền kiểm soát Gaza nhằm đổi lấy viện trợ phát triển, các nhà ngoại giao cho biết.
Một nhà ngoại giao có thông tin về cuộc họp này nói rằng Sheikh Tamim chỉ lặng lẽ gật đầu. Không rõ đây có phải là tín hiệu cho thấy đã có một thỏa thuận giữa hai bên hay Qatar đã được cung cấp bất cứ điều gì để đổi lại.
"Vấn đề là không có kế hoạch hàn gắn nào được trình bày cho tất cả các nước", nhà ngoại giao Ả Rập cấp cao tại Riyadh nói. "Không ai nhìn thấy những gì người khác đang được cung cấp."
Kushner đã đến thăm Jordan, Saudi Arabia, Qatar, Ai Cập và Israel vào tháng 6. Ông đã không gặp gỡ Abbas, người đã từ chối gặp đội ngũ của chính quyền Trump sau khi đại sứ quán Hoa Kỳ được chuyển đến Jerusalem.
Trong một cuộc phỏng vấn vào cuối chuyến đi của mình, Kushner cho biết Washington sẽ sớm công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông của mình, và nhấn mạnh dù có hay không sự tham của ông Abbas. Tuy nhiên, có rất ít tín hiệu cho thấy sẽ có tiến bộ đáng kể cho việc chấm dứt xung đột trong nhiều thập niên qua giữa Israel và Palestine.
"Không có sự thúc đẩy mới. Không có gì Kushner trình bày là chấp nhận được đối với bất kỳ quốc gia Ả Rập nào", một nhà ngoại giao Ảrập cho biết.
Một quan chức của Nhà Trắng đã nói với các phóng viên tuần trước rằng các đặc phái viên của ông Trump đang làm việc về các đề xuất chi tiết nhất cho đề xuất hòa bình được chờ đợi từ lâu, bao gồm những gì chính quyền Mỹ gọi là một kế hoạch kinh tế mạnh mẽ. Tuy nhiên, cho đến nay, thời điểm tiết lộ chưa được ấn định.