(Tổ Quốc) - Theo Bloomberg, Mỹ, liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã thống nhất làm mới quan hệ đối tác ba bên nhằm giải quyết các thách thức thương mại trên toàn cầu.
Đại diện ba nước đã có kế hoạch gặp gỡ bên lề hội nghị bộ trưởng sắp tới của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm đưa ra các chương trình hành động trong những tuần tiếp theo. Hội nghị dự kiến diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ, từ ngày 30/11-3/12.
Theo Bloomberg, liên minh Mỹ-Nhật-EU sẽ tiếp tục thiết lập quy tắc quốc tế mới để đối phó với “thách thức chung” xuất phát từ tình trạng dư thừa năng lực sản xuất trên toàn cầu.
Kể từ năm 2018, dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Trump, Mỹ đã áp dụng mức thuế bổ sung 25% đối với các sản phẩm thép và 10% đối với các sản phẩm nhôm nhập khẩu. Liên minh châu Âu (EU) đã phản ứng lại bằng biện pháp trả đũa. Liên minh đối tác ba bên sẽ góp phần chấm dứt cuộc chiến thương mại gay gắt từ thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trước đó vài ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tham gia cuộc họp trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong khoảng 3,5 tiếng trao đổi, Tổng thống Bdien đã bày tỏ lo ngại về các hoạt động kinh tế phi thị trường của Trung Quốc.
Mục tiêu của Nhóm các nền kinh tế phát triển G7 là đưa ra một thỏa thuận có sự chấp thuận từ các thành viên của WTO. Và việc đưa Trung Quốc tham gia cuộc đàm phán nhằm hạn chế mô hình kinh tế nhà nước của nước này hiện vẫn được xem là trở ngại lớn. Đại diện Trung Quốc tại WTO cho biết Bắc Kinh muốn tham gia vào sáng kiến này nhưng sẽ không chấp nhận các đàm phán các quy định thương mại quốc tế mới khi họ vắng mặt. Vì vậy, nếu Trung Quốc có thể tham gia, sẽ là nỗ lực quan trọng nhất để làm mới quy tắc của WTO kể từ khi vòng đàm phán thương mại Doha cuối cùng không thành công vào năm 2001.
Trong cuộc họp ở Geneva, ba đối tác đã hướng đến việc phác thảo kế hoạch làm việc tập trung, xác định các vấn đề thực tiễn liên quan đến khía cạnh phi thị trường, các khoảng trống trong công cụ thực thi nhằm giải quyết các vấn đề mâu thuẫn thương mại.
Làm mới quan hệ đối tác ba bên
Theo tuyên bố chung, Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis và Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Koichi Hagiuda đã thông báo kế hoạch họp trực tiếp bên lề hội nghị bộ trưởng sắp tới của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
"Tuyên bố về quan hệ đối tác sẽ công bố vào tuần này, bao gồm hợp tác toàn cầu chung giữa Nhật Bản và Mỹ xung quanh vấn đề thương mại và hợp tác khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương", Bộ Thương mại, Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản cho biết.
Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai và Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Koichi Hagiuda cũng đã có cuộc thảo luận vào ngày 17/11 trong chuyến thăm Tokyo vào đầu tuần. Hai bên đã nhất trí xây dựng khung pháp lý song phương nhằm tiến hành trao đổi cấp cao giữa Nhật Bản và Mỹ, trong đó nhấn mạnh đến các vấn đề thương mại và kiểm tra lại "các hành vi thương mại không công bằng liên quan đến các nước thứ ba". Mỹ và Nhật Bản cũng thông báo thiết lập quan hệ đối tác thương mại mới nhằm thúc đẩy hợp tác trong vấn đề lao động, môi trường và kỹ thuật số.
"Về phía Nhật Bản và Mỹ, hai quốc gia đã chia sẻ các giá trị tự do, dân chủ và pháp quyền nhằm nỗ lực hướng đến nền kinh tế dẫn đầu thế giới. Đây là những điều cần thiết để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế", Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Koichi Hagiuda nhấn mạnh.
Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai khẳng định các ưu tiên của Washington đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sau một số căng thẳng trong chính quyền cựu Tổng thống Trump.
"Liên quan đến cam kết của Mỹ đối với khu vực, Tổng thống Biden đã nhấn mạnh tầm nhìn đối với khu vực, tìm kiếm một khu vực cởi mở, kết nối, thịnh vượng, kiên cường và an toàn", Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai nhấn mạnh.
Hai quan chức cũng khẳng định sẽ hợp tác để giải quyết bất đồng liên quan đến các biện pháp thuế mà chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump áp lên thép và nhôm nhập khẩu từ Nhật Bản.
Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Koichi Hagiuda khẳng định, hai bên đã xác định kế hoạch đàm phán về thuế quan, giải quyết tình trạng dư thừa năng lực sản xuất trên toàn cầu.
Ngày 30/10, Mỹ và EU cũng đã giải quyết xong các vấn đề tranh chấp giữa hai bên, cho phép không áp thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ EU. Trong khi đó, Nhật Bản không đưa ra các biện pháp trả đũa nhưng đã liên tục đề nghị Washington bãi bỏ quyết định đánh thuế bổ sung này. Giới quan sát cho rằng, thỏa thuận ngày 30/10 là điều kiện để thiết lập một “cơ chế bền vững toàn cầu về vấn đề thép và nhôm”, với sự tham gia của các nước có “cùng chí hướng”.