(Tổ Quốc) - Quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã dấy lên sự phản đối tại Beirut.
Lửa giận đã bùng lên ở Trung Đông và châu Á về quyết định của chính quyền Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Tuy nhiên, những dự đoán về biến động lan rộng đã không thành hiện thực khi các cuộc nổi dậy dần giảm xuống ở các vùng lãnh thổ của người Palestine.
Trong một dấu hiệu châm ngòi cho những bất đồng quan điểm trong khu vực, những người biểu tình đã tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Beirut hôm Chủ nhật, trong khi lực lượng an ninh Lebanon sử dụng hơi cay và súng nước chống lại người biểu tình. Những người biểu tình mang cờ Palestine và đốt cháy các lốp xe và đi đến gần đại sứ quán. Tuy nhiên, tình trạng bất ổn phần lớn đã dịu đi vào cuối buổi chiều.
Jerusalem “dậy sóng” thế giới
Quyết định của Nhà Trắng vào tuần trước công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ chuyển sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem đã bị chỉ trích ở Lebanon, nơi có khoảng nửa triệu người tị nạn Palestine - chiếm khoảng 10% dân số của đất nước này.
Hiện trạng của Jerusalem là một vấn đề trung tâm trong các cuộc căng thẳng khu vực vì người Palestine tuyên bố Đông Jerusalem là thủ đô của một quốc gia trong tương lai. Nhà Trắng cho biết quyết định của họ không ngăn cản việc đưa Đông Jerusalem trở thành thủ đô của một nhà nước Palestine.
Bạo lực và xung đột đã diễn ra 3 ngày qua tại Trung Đông sau quyết định về Jerusalem của Tổng thống Trump. (Nguồn: Xinhua) |
Các nhà lãnh đạo Arab và Hồi giáo đã cảnh báo quyết định của Tổng thống Donald Trump có thể dấy lên một cuộc nổi dậy của người Palestine chống lại Israel và kéo theo bạo lực trên khắp Trung Đông, cũng như làm phức tạp thêm tiến trình hòa bình.
Tuy nhiên, sau ba ngày xung đột giữa người Palestine và lực lượng Israel khiến 4 người Palestine thiệt mạng, thì trong ngày chủ nhật, tình hình đã dịu đi ở Đông Jerusalem, Bờ Tây và Dải Gaza.
Các động thái ngoại giao kêu gọi trừng phạt Hoa Kỳ và Israel cũng đã lắng dịu, bất chấp nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas cho biết ông sẽ hủy một cuộc họp dự kiến với Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence vào cuối tháng này. Ông Abbas cũng cho biết quyết định của Hoa Kỳ đã đánh mất uy tín Washington trong vai trò hòa giải tạo dựng hòa bình.
Văn phòng của ông Pence đã gọi quyết định của ông Abbas là "đáng tiếc" và đã bỏ lỡ một cơ hội để thảo luận về tương lai của khu vực.
Alyssa Farah, người phát ngôn của ông Pence, nói: "Chính quyền (Mỹ) vẫn không ngừng nghỉ trong nỗ lực nhằm thúc đẩy hòa bình giữa người Israel và người Palestine và nhóm làm việc về tiến trình hòa bình của chúng tôi vẫn đang nỗ lực để đưa ra một kế hoạch".
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley hôm Chủ nhật đã bảo vệ quyết định của ông Trump, gọi đây là một động thái can đảm để thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông.
Các quan chức Israel phần lớn hoan nghênh động thái này, nói rằng điều này phản ánh tình hình trên thực địa. Hầu hết các tòa nhà chính phủ của Israel đều đặt tại Jerusalem và người Do Thái từ lâu đã coi đây là thủ đô của họ.
“Lắng dịu” xung đột Israel – Hamas
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tổ chức hội đàm tại Paris vào Chủ nhật với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã chỉ trích quyết định của Mỹ. Trong một cuộc họp báo sau cuộc họp, ông Netanyahu nói Jerusalem là thủ đô của Israel, giống như Paris là thủ đô của Pháp.
Còn ông Macron lên án những cuộc tấn công gần đây chống lại Israel, nhưng lại nhắc lại sự phản đối của mình đối với tuyên bố của ông Trump, và kêu gọi ông Netanyahu có những "cử chỉ can đảm" hướng tới hòa bình đối với người Palestine.
Cũng có nhiều cuộc biểu tình phản đối động thái trên diễn ra tại Cairo, Istanbul và Amman vào cuối tuần qua, và hàng ngàn người Indonesia cũng đổ ra đường biểu tình ở Jakarta vào chủ nhật.
Căng thẳng đáng chú ý nhất diễn ra vào thứ bảy khi Israel tiến hành các cuộc không kích vào các vị trí của Hamas nhằm phản ứng lại các vụ phóng rocket từ Dải Gaza hướng tới nước này. Theo hãng thông tấn nhà nước Palestine, ba người đã thiệt mạng trong các vụ tấn công và hơn 20 người bị thương, theo cơ quan y tế Gaza.
Hamas đã kêu gọi người dân Palestine nổi dậy chống lại Israel sau quyết định của ông Trump. Họ cũng đã có ba cuộc chiến tranh với Israel trong thập kỷ qua.
Quân đội Israel hôm Chủ nhật đã phát hiện và phá hủy một đường hầm nối tới Israel từ Gaza, do Hamas thực hiện để tấn công Israel. Quân đội Israel đã tiến hành một chiến dịch trên mặt đất ở Gaza vào năm 2014 để phá huỷ các đường hầm tương tự do Hamas xây dựng.
Dù vậy, việc những phản ứng trên không kéo dài phần nào cho thấy lời kêu gọi từ các nhà lãnh đạo Palestine chưa hiệu quả. Theo Wall Street Journal, ông Abbas dường như không thực sự được toàn bộ người dân Palestine ủng hộ sau hơn 10 năm lãnh đạo, trong khi người dân Gaza cũng cảm thấy thất vọng trước sự kiểm soát của Hamas và kinh tế tại đây trì trệ.
(Theo WSJ)