(Tổ Quốc) - Lập trường của Paris trong cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh có thể cân bằng và trung dung hơn bất kỳ nước lớn nào.
Đầu tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar thông qua đối thoại để giảm bớt căng thẳng.
Hôm 05/6, Bahrain, Arab Saudi, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Các quốc gia này cáo buộc Doha đã hỗ trợ cho các nhóm khủng bố, cũng như can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.
Riyadh và các nước đồng minh cũng đã áp dụng một số hạn chế về kinh tế đối với Qatar, trong khi liên tục kêu gọi Doha dừng việc “chống lưng” cho các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Tổng thống Macron đã có các cuộc nói chuyện riêng với nhà lãnh đạo Qatar Tamim bin Hamad Al-Thani, nhà Vua Saudi Salman và Tổng thống Iran Hassan Rouhani; và đề nghị họ “theo đuổi hình thức đối thoại”.
Ông Macron đảm bảo với các nhà lãnh đạo rằng, nước Pháp mong muốn “duy trì sự ổn định trong khu vực” và tiếp tục “cuộc chiến chống lại khủng bố và việc tài trợ cho các phong trào khủng bố.”
Pháp "thay thế" Mỹ giữa vai trò hoà giải trong cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar? (ảnh: CNBC) |
Trước đó, nhà lãnh đạo nước Pháp cũng đã nói chuyện với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Hoàng thái tử Abu Dhabi Mohammed bin Zayed Al-Nahyan. Kênh truyền thông RFI dẫn lời môt quan chức làm việc tại Văn phòng Tổng thống cho biết, ông Macron sẽ tiếp tục những nỗ lực hoà giải của mình đối với cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh trong thời gian tới.
Cùng lúc đó, một nguồn tin ngoại giao tiết lộ với hãng tin Reuters, Paris không đảm nhận một “vai trò” trong cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar, nhưng sẽ tham dự vào “các cuộc đối thoại thân cận” với các bên liên quan.
Pháp có lập trường cân bằng và trung dung hơn Mỹ
Nhà phân tích chính trị và một cựu quan chức của Bộ Quốc phòng Pháp, Pierre Conesa chia sẻ với hãng truyền thông Sputnk về những nỗ lực của nước Pháp nhằm giúp đỡ giải quyết một trong những scandal chính trị nghiêm trọng nhất của Vùng Vịnh trong những năm gần đây.
“Chúng ta nên nói như thế này. Đây là một sứ mệnh hoà giải, hướng tới mục tiêu đem các đối tác của nước Pháp liên quan đến cuộc khủng hoảng trở lại với hoà bình. Đó là việc quan trọng nhất để ngăn ngừa sự leo thang,” Conesa nói.
Nước Pháp có những mối quan hệ về cả mặt kinh tế và quân sự với một số quốc gia Vùng Vịnh, bao gồm Arab Saudi, Qatar, Ai Cập và UAE. Vì vậy, ảnh hưởng của Paris trong tình huống này có thể hiệu quả hơn một số nước, trong đó có cả Mỹ.
“Pháp có mối quan hệ tốt với các đối tác trong khu vực, ở cả cấp độ quốc phòng. Sự liên quan của Pháp trong những nỗ lực dàn xếp cuộc khủng hoảng, có thể rõ ràng và hiệu quả hơn là nước Mỹ,” chuyên gia người Pháp nhận định.
Ông cũng lưu ý rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump và đội ngũ của mình hiện đang tập trung chủ yếu vào Arab Saudi.
“Kể từ khi Tổng thống Trump thăm Riyadh, nước Mỹ đã có mối quan hệ thân cận rõ ràng với Saudi. Họ thậm chí còn đề cập đến Saudi như đồng minh của mình trong cuộc chiến chống khủng bố. Đây là phong cách của ông Trump. Đối ngược lại, Pháp nhìn nhận Qatar là một đồng minh lâu năm. Lập trường của Paris trong cuộc khủng hoảng này cân bằng hơn và trung dung hơn so với Washington.”
Theo Conesa, nước Pháp sẽ giữ vững các nguyên tắc của mình và sẽ không để người khác ảnh hưởng đến lập trường của mình trong tình huống hiện tại. “Pháp sẽ không đi theo bất kỳ bên nào của cuộc khủng hoảng. Đối với chúng tôi, phần quan trọng nhất là duy trì các mối liên lạc với từng bên xung đột,” cực quan chức Bộ Quốc phòng Pháp khẳng định.
Pháp yêu cầu sự minh bạch từ phía Qatar
Hôm thứ Tư tuần trước (07/6), phát ngôn viên của Chính phủ Pháp Christophe Castaner tuyên bố: “Qatar phải hoàn toàn minh bạch và trả lời chính xác những câu hỏi đã được các quốc gia láng giềng đưa ra. Đó chính là những gì Pháp mong đợi… Đây không phải là vấn đề theo phe nào. Chúng tôi là một đất nước đã kết bạn với những quốc gia này, do đó lịch sử hợp tác giữa các bên đều rất sâu sắc; vì vậy, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kết nối lại, và để đạt được điều đó, mọi câu hỏi cần phải có câu trả lời…”
Phát ngôn này theo Conesa cho thấy, nước Pháp có phần tin tưởng vào những lời cáo buộc của các quốc gia Arab dành cho Qatar, bao gồm cả việc nước này tài trợ cho khủng bố. Tuy nhiên, Paris muốn mọi việc phải được chính xác và rõ ràng.
“Giống như các cáo buộc chống lại Qatar, những phát biểu tương tự có thể được đưa ra chống lại các quốc gia khác, ngay cả Arab Saudi. Tuy nhiên, việc phê phán Qatar sẽ dễ dàng hơn nhiều so với Arab Saudi,” Conesa kết luận.
(Theo Sputnik)