(Tổ Quốc) - Đặc điểm chính của các chính sách trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran là bản chất đơn phương. Lần này, Washington đang hành động mà không có sự hỗ trợ quốc tế rộng rãi, điều trước đó đã đưa Cộng hòa Hồi giáo đến bàn đàm phán JCPOA.
Theo một bài viết trên trang National Interest (NI), mặc dù chính sách trừng phạt lần này có rủi ro, nhưng có thể chứng minh rằng cách tiếp cận đơn phương của chính quyền Trump đối với chính sách đối ngoại về Iran là có hiệu quả. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố đẩy sự thành công của các lệnh trừng phạt này vào tình trạng nguy hiểm. Trong số đó là Nga, bên được hưởng lợi từ các biện pháp trừng phạt này và đang có các phương tiện giúp Iran giảm sức ép từ Mỹ.
Nga và hai mặt lợi ích
Các nhà quan sát đã nhận thấy chính xác rằng các biện pháp trừng phạt mới chống lại Iran có lợi cho Nga trong hai vấn đề. Một mặt, Nga có khả năng và có lợi trong việc thay thế nguồn cung dầu Iran bị cấm bởi các lệnh trừng phạt. Ở đây, đáng ngạc nhiên, Moscow thấy họ nằm trong số những người thụ hưởng từ chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và không chỉ từ quan điểm kinh tế. Các nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn của Iran - Trung Quốc, Ý, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và, xuống một mức độ thấp hơn, Hàn Quốc - cũng có vai trò quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Nga. Nếu những nước đó mua thêm dầu từ Nga thay vì Iran, điều này chắc chắn sẽ hỗ trợ sự phát triển hơn nữa quan hệ của họ với Moscow trên một loạt các vấn đề.
Loạt trừng phạt mới của Mỹ vào Iran mang lại cơ hội cho Nga. (Nguồn: Reuters)
Mặt khác, việc Iran giao thương với Nga có thể trở thành một trong những công cụ hiệu quả nhất để giảm áp lực trừng phạt từ Mỹ. Iran có thể nhận được hàng hóa cần thiết và, có lẽ, cả nguồn đầu tư từ Nga để trao đổi với dầu của họ. Về phần mình, dầu từ Iran sẽ được tiêu thụ ở Nga còn dầu của bản thân Nga sẽ được giải phóng thêm = để xuất khẩu. Ý nghĩa của sự hợp tác này vượt xa quan hệ hiện tại Nga-Iran hoặc thậm chí vượt lên cả sự xung đột giữa Cộng hòa Hồi giáo và các thế lực quốc tế khác. Sự hợp tác này củng cố nền tảng chính sách của Nga trong cuộc thách thức địa chính trị với Hoa Kỳ, điều cho thấy Nga có thể giúp các nước khác tiến hành vào một cuộc xung đột với Washington.
Dư luận nên thấy rằng, các quan chức ở Washington đã khẳng định sự thành công của các biện pháp trừng phạt dựa trên thực tế là các quốc gia khác phải quyết định ai sẽ là đối tác của họ: Hoa Kỳ hoặc Iran. Về mặt lý thuyết, quyết định ở đây là đơn giản: dù lợi ích tiềm tàng nào họ có thể có với Iran, thì điều đó cũng không thể thay thế thị trường Mỹ, đầu tư, dịch vụ và quan hệ đối tác với các công ty Mỹ. Đa số các nước chắc chắn sẽ làm mọi thứ để tránh đối đầu với Hoa Kỳ.
Ngay cả khi họ không ủng hộ quyết định của chính quyền Trump rút khỏi JCPOA và không thích những hành động đơn phương của Washington, họ không có đủ động cơ để leo thang xung đột với Hoa Kỳ trong vấn đề Iran. Ví dụ rõ ràng nhất là Pháp, Đức và các nước châu Âu khác. Sau hơn sáu tháng nói về các cơ chế có thể để tiếp tục hợp tác kinh tế với Iran, chưa động thái cụ thể nào được thực hiện.
Còn Nga đang ở một vị trí hoàn toàn khác. Tất cả các biện pháp trừng phạt mà Hoa Kỳ có thể áp đặt thêm vào Nga mà không gây ra thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu đã được thực hiện.
Quan trọng nhất, sự hợp tác kinh tế song phương giữa Hoa Kỳ và Nga đang rất hạn chế và Moscow không e ngại đánh mất nó. Người ta có thể cho rằng, Hoa Kỳ về cơ bản là đang thúc đẩy Iran quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Nga. Điều này đang xảy ra trong giai đoạn cuối của cuộc nội chiến ở Syria, và các cuộc thảo luận về tương lai của đất nước này tiết lộ rằng Moscow và Tehran không phải lúc nào cũng trên cùng một trang giấy về chính trị. Nhưng với sự quay lại của các lệnh trừng phạt từ Mỹ, Iran có động cơ đáng kể để tiến tới thỏa hiệp với Nga.
Phép thử đối phó sức ép Mỹ
Quan hệ đối tác kinh tế tăng cường giữa Tehran và Moscow đang trở thành một phép thử cho những ý tưởng về cách đối phó với áp lực kinh tế của Mỹ. Các quốc gia khác sẽ theo dõi cẩn trọng – khi một số những nước này có thể cũng thấy rằng mình phần nào cũng chịu áp lực của Mỹ.
Chính quyền Trump, khá hợp lý, đã tránh được một kịch bản đối đầu tồi tệ nhất bằng cách phê chuẩn lệnh miễn trừ các biện pháp trừng phạt cho những người mua dầu mỏ lớn nhất của Iran. Nhưng sau đó, dù sớm hay muộn, Washington cũng phải quyết định sẽ làm gì với những bên được miễn trừ này.
Nếu miễn trừ được gia hạn, toàn bộ trọng tâm gây sức ép kinh tế lên Iran bằng cách ngừng xuất khẩu dầu sẽ bị mất hiệu quả. Hơn nữa, khi xem xét việc gia hạn miễn trừ, Hoa Kỳ sẽ phải giải quyết các tình huống khó xử chiến lược mới.
Bên cạnh đó, nếu nhiều quốc gia khác tham gia vào sự hợp tác giữa Nga và Iran để giúp Cộng hòa Hồi giáo giảm bớt áp lực kinh tế, thế giới sẽ chứng kiến một nỗ lực nghiêm túc để xây dựng một hệ thống quốc tế nhằm phòng thủ tập thể chống lại các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Hệ thống này có thể thất bại, nhưng chắc chắn sẽ phần nào gây mất ổn định các quan hệ quốc tế hiện đại.
Thực tế là Nga có năng lực làm giảm hiệu quả trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran. Bất kỳ người ra quyết định nào ở Washington đều nghĩ đến Moscow và rất khó để bỏ qua quốc gia có diện tích lớn nhất trên Trái Đất. Điều này đặc biệt đúng vào thời điểm hiện tại, khi Hoa Kỳ đối mặt với mâu thuẫn từ những nước thường được coi là đồng minh. Trong khi mối quan hệ tuyệt vời với một số đồng minh (Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ hay Saudi Arabia) có thể giúp thực thi các biện pháp trừng phạt mới chống lại Iran ngay cả khi không có sự hợp tác của Nga thì hiện trạng các mối quan hệ đó lúc này đều đang ở tình trạng căng thẳng.
Hiện nay, chính quyền Trump, trong khi không có sự hiểu biết đầy đủ các thế lực chính đã đạt được JCPOA, đang tạo cơ hội cho Nga - một đối thủ cạnh tranh về mặt địa chính trị - đối phó lại mình bằng cách gia tăng ảnh hưởng ở nhiều vấn đề khác.
Thời gian sẽ cho thấy liệu Nga có tận dụng cơ hội này hay không. Đối với Washington, một cuộc đối đầu thêm nữa với Moscow, trong đó có các lệnh trừng phạt Iran, dường như là không thể tránh khỏi.