(Tổ Quốc) - Ngày 27/1/2019, Báo điện tử Tổ Quốc đã có bài viết "Nam Định: Tự đặt tên di tích, cơ quan quản lý "bó tay"? phản ánh việc một số di tích ở Quần thể di tích Phủ Dầy đặt tên sai so với hồ sơ xếp hạng khu di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy. Theo ghi nhận của chúng tôi, đến ngày 17/9 vừa qua, những biển tên của các di tích đã được hạ. Tuy nhiên, tâm tư của những người dân ở khu di tích mong muốn các cấp có thẩm quyền, các cơ quan nghiên cứu khoa học tiếp tục nghiên cứu, tổ chức Hội thảo để làm sáng tỏ tên gọi cho di tích.
Tên nào cho di tích?
Theo Quyết định công nhận số 09/VHQĐ ngày 21/2/1975 vào số danh mục di tích lịch sử văn hóa số 111 và Bằng công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa do Bộ trưởng Bộ Văn hóa Trần Văn Phác ký ngày 9/10/1989, Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy gồm Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Liễu Hạnh và các di tích có liên quan. Nhưng thời gian gần đây, một số di tích được gắn thêm chữ chính như "Phủ chính Vân Cát" đồng thời treo những băng rôn khẳng định đó là nơi Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh gây bức xúc trong nhân dân khu vực.
Cơ quan chức năng tiến hành tháo dỡ biển tại Phủ Tiên Hương
Tại khu vực Phủ Vân Cát, theo ghi nhận của chúng tôi, các biển tên quanh di tích đã được tháo dỡ. Đối với Phủ Tiên Hương, việc hạ biển Phủ chính Tiên Hương cũng đã hoàn tất.
Ông Nguyễn Tài Sinh, Trưởng Phòng VHTT huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định cho biết, sau cuộc họp ngày 10/9/2019 do huyện Vụ Bản, xã Kim Thái tổ chức, các di tích đã cơ bản chấp hành việc hạ biển ghi danh. Sau khi hạ, các di tích sẽ đổi lại tên gọi đúng với nội dung Quyết định số 09/VHQĐ ngày 21/2/1975 của Bộ Văn hóa ban hành về việc xếp hạng Khu Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy. Trong đó, quần thể di tích được xếp hạng gồm: phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, lăng Liễu Hạnh và các di tích có liên quan thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản.
"Các di tích thuộc quần thể tự thay đổi tên gọi đang triển khai việc hạ biển và dự kiến trong tháng 9 này sẽ hoàn tất việc thay biển tên mới theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Sau này, di tích nào thấy tên gọi chưa phù hợp, không đúng với lịch sử, hồ sơ lưu giữ thì cần có ý kiến, văn bản trình lên các cấp có thẩm quyền để xem xét..."- ông Nguyễn Tài Sinh cho biết.
Cổng Phủ Tiên Hương không có biển
Cần làm rõ dấu tích lịch sử
Tuy nhiên, theo Thủ nhang Phủ Tiên Hương Trần Thị Huệ, căn cứ vào các sắc phong, bia đá, di vật, hiện vật, cổ vật có ghi từ "Phủ chính" hiện được lưu giữ, bảo quản tại di tích, đặc biệt là du khách thập phương và nhân dân đến với lễ hội, đến với di tích Phủ Tiên Hương đều gọi là Phủ chính.
Bà Huệ cho biết, trên thực tế, qua nhiều thập kỷ, số đông người dân và du khách thập phương đều gọi Phủ Tiên Hương là Phủ Chính, Phủ Vân Cát là Phủ Vân. Bên cạnh đó, ở các văn bản có giá trị pháp lý cũng như một số sắc phong, đồ thờ tự cổ tại di tích Phủ Tiên Hương đang lưu giữ đều có ghi "Phủ Chính" hoặc "Phủ Chính linh từ". Cụ thể như: biên bản quy định khu vực Phủ Chính xã Kim Thái, huyện Kim Thái của Ủy ban Hành chính tỉnh Nam Định, Ty Văn hóa tỉnh Nam Định, Ủy ban hành chính huyện Vụ Bản, Ủy ban hành chính xã Kim Thái được lập vào ngày 26/10/1964; Bản lược kê lý lịch di tích lịch sử Phủ Dầy của Ty Văn hóa Thông tin tỉnh Nam Định, được lập vào ngày 24/7/1975, trong đó có ghi rõ hệ thống Phủ Dầy gồm: Phủ Chính, Phủ Vân, Lăng, Đền Thượng... Trong phần IV, mục 1 của bản lược kê lý lịch di tích được ghi "Phủ Chính thờ Liễu Hạnh Công chúa".
Phủ Vân Cát hồi đầu năm với băng rôn được cho là sai với tên gọi trong hồ sơ di tích
Cũng theo thủ nhang Trần Thị Huệ thì Phủ Chính thuộc thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định hiện còn lưu giữ 15 đạo sắc phong từ năm 1730, đời vua Lê Vĩnh Khánh đến năm 1924, đời vua Khải Định. Trong đó, Sắc phong đời vua Lê Cảnh Hưng năm 1767 ghi: "... Nay trẫm nối ngôi, tiến phong vương vị cho thần được thờ phụng ở nơi chính Phủ...".
Theo kết quả khảo sát, nghiên cứu tên gọi các di tích thuộc Quần thể di tích lịch sử- văn hóa Phủ Dầy của Ban quản lý di tích danh thắng thuộc Sở VHTTDL tỉnh Nam Định (công bố ngày 5/3/2019) cũng nêu rõ một số hiện vật cổ có giá trị về thời gian và lịch sử tại Phủ Tiên Hương gắn liền với từ Phủ Chính, gồm: Bia "Tiến cúng Điền Bi" bằng đá, niên đại Thành Thái 4 (năm 1892); Bia "Thập phương cúng ngân bi ký" bằng đá, niên đại Duy Tân 8 (1914); Bia "Quan lại cúng ngân bi ký" bằng đá, niên đại Duy Tân 8 (1914); Bia "Tiên Hương phủ từ tự điền bi ký" bằng đá, niên đại Duy Tân 8 (1914); Chóe bằng sứ, niên đại cuối thế kỷ 19; Đỉnh hương bằng đồng, niên đại đầu thế kỷ 20; Con dấu bằng đồng, niên đại thế kỷ 20; Chuông đồng, niên đại Thành Thái 8 (1896). Bên cạnh đó, bát hương, lọ, hạc, khánh... đều có ghi "Phủ chính" hiện vẫn đang được lưu giữ tại di tích.
Về Phủ Vân Cát, cũng theo kết quả khảo sát, nghiên cứu của Ban quản lý di tích danh thắng tỉnh Nam Định, qua tổng hợp các hiện vật, đồ thờ tự cùng các nguồn tư liệu khác cho biết, tên di tích được gọi là Phủ Vân Cát chứ không phải là "Phủ Dầy- Phủ Chính Vân Cát".
Phủ Vân Cát sau khi tháo biển
Bà Trần Thị Huệ cho biết thêm, theo ý kiến của chính quyền địa phương, với tư cách thủ nhang Phủ Tiên Hương, bà sẽ gửi đơn đề nghị tới các cơ quan có thẩm quyền để đề đạt nguyện vọng xin đổi tên di tích đúng với các hồ sơ lưu giữ nói trên.
Theo bà Huệ, tháng 3/2019, bà đã đề nghị các cấp có thẩm quyền, các cơ quan nghiên cứu khoa học tổ chức cuộc hội thảo để làm sáng rõ tên gọi các di tích thông qua các văn bản pháp lý, sắc phong, đồ thờ cổ đang được bảo vệ và lưu giữ tại di tích, từ đó có cơ sở để đề nghị chính thức được thay đổi tên di tích "Phủ Tiên Hương" thành "Phủ Chính"; đổi tên di tích "Lăng Liễu Hạnh" thành "Lăng Mẫu Liễu Hạnh" để đảm bảo tính tôn nghiêm.
Thiết nghĩ, dù việc tháo dỡ biển tên ở các di tích đã được hoàn tất và được người quản lý các di tích chấp hành nghiêm chỉnh nhưng về lâu về dài, việc đặt tên di tích tại Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy cần có sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học là cần thiết nhằm làm sáng tỏ tên gọi cho di tích, đảm bảo ý nghĩa, giá trị lịch sử cũng như phù hợp với tên gọi của di tích trong tiềm thức nhân dân./.