• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

NATO vang cảnh báo sức mạnh chớp nhoáng Nga

Thế giới 18/12/2018 13:55

(Tổ Quốc) - Nga có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến chớp nhoáng với NATO.

Theo một bài viết mới của Hội đồng Đại Tây Dương - một tổ chức tham vấn về các vấn đề quốc tế, Nga được xác định sẽ nhanh chóng đánh bại các lực lượng Mỹ và NATO được triển khai tấn công phía trước và giành được các vùng lãnh thổ trước khi quân tiếp viện có thể đến.

Trong bài viết ngày 13/12 có tựa: Răn đe thường trực: Tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Bắc Trung Âu, cựu Tư lệnh đồng minh tối cao NATO kiêm Tướng không quân đã nghỉ hưu Philip Breedlove và cựu Phó tổng thư ký liên minh Alexander Vershbow đề xuất sự kết hợp được hiệu chỉnh cẩn thận giữa triển khai quân đội thường trực và luân phiên ở Ba Lan và tới một khu vực rộng lớn hơn" để ngăn chặn Nga và củng cố liên minh này.

Cảnh giác sức mạnh Nga

Hai ông Breedlove và Vershbow cảnh báo rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang đẩy mạnh việc đưa thế giới trở về trật tự thời hậu Chiến tranh Lạnh. Hai chuyên gia này cáo buộc các hành động tăng cường hiện diện và kiểm soát của Nga tại một số khu vực của Gruzia và Ukraine, xây dựng quân đội ở Quân khu miền Tây và Kaliningrad, cùng việc tiến hành chiến tranh lai, bao gồm việc tung ra các chiến thuật đánh lừa thông tin thông qua mạng xã hội để gia tăng sự bất ổn trong xã hội phương Tây.

NATO vang cảnh báo sức mạnh chớp nhoáng Nga - Ảnh 1.

Các cựu tướng lĩnh khuyến nghị Mỹ tăng cường lực lượng tại Baltic. (Nguồn:U.S. Army National Guard)

Lầu Năm Góc cũng đang chuyển sang chuẩn bị cho sự trở lại của cái gọi là "cạnh tranh quyền lực các siêu cường", điều chỉnh các lực lượng để chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng với một quốc gia lớn như Nga hoặc Trung Quốc.

Cả Hoa Kỳ và NATO đã thực hiện các bước đi kể từ năm 2014 để đáp trả và ngăn chặn các hành động thể hiện sức mạnh của Nga, hai tác giả trên cho hay. Hoa Kỳ đang luân chuyển một lữ đoàn chiến đấu bọc thép đến châu Âu cứ sau chín tháng và trang bị cho một nhóm thứ hai sẽ triển khai từ Hoa Kỳ khi xảy ra một cuộc khủng hoảng.

Còn NATO đang triển khai bốn nhóm chiến đấu đa quốc gia gồm khoảng 1.200 binh sĩ tới từng quốc gia Baltic và Ba Lan thông qua sáng kiến Tăng cường hiện diện. Bước đi răn đe này "đã được nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh Warsaw 2016, nhằm mục đích cho Nga thấy rằng bất kỳ động thái tấn công nào cũng sẽ bị đáp trả từ các lực lượng liên minh cùng với các lực lượng địa phương.

Nhưng các nhóm chiến đấu này và cả lữ đoàn chiến đấu của Mỹ đều thiếu kế hoạch tác chiến toàn diện và phối hợp, đồng thời, cũng thiếu các yếu tố cần thiết như tình báo, giám sát và trinh sát, phòng không và tên lửa, và hỏa lực tầm xa như pháo. Và điều này khiến họ dễ bị tổn thương.

Một cuộc tấn công thông thường của Nga, đặc biệt là khi không có nhiều cảnh báo, có thể đánh bại các lực lượng NATO và Hoa Kỳ được triển khai ở tuyến đầu trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, trước khi quân tiếp viện được đưa ra, bài viết cho biết. Các mối quan ngại đã tăng lên rằng một cuộc tấn công giành quyền kiểm soát lãnh thổ có thể khiến liên minh này rơi vào tình thế sự đã rồi, chia rẽ và làm tê liệt quá trình ra quyết định trước khi quân tiếp viện có thể đến.

Tăng cường toàn diện tại Baltics

Nhiều bước đi tăng cường củng cố lực lượng mà Breedlove và Vershbow đưa ra sẽ thúc đẩy sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Ba Lan – một khu vực chính để NATO triển khai hầu hết các nỗ lực bảo vệ Baltics. Và điều này có thể cũng sẽ mở đường cho việc quân đội Mỹ triển khai sang Ba Lan vĩnh viễn.

Các tác giả này cũng khuyến nghị tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại Poznan, Ba Lan, nâng cấp nơi này thành một trụ sở của lực lượng Mỹ. Nơi đây sẽ là nơi triển khai lực lượng vĩnh viễn mà không bị phụ thuộc, đồng thời sẽ là trung tâm cho các lực lượng tiếp viện của Hoa Kỳ từ châu Âu và Hoa Kỳ đến Ba Lan và các nước vùng Baltic trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Mỹ cũng nên mở rộng đường băng tại Powidz, xây dựng các cơ sở tiếp nhận, để thiết bị, xây dựng một cơ sở đón tiếp một lữ đoàn vào năm 2023, mở các kho lưu trữ nhiên liệu mới và xây dựng các kho lưu trữ đạn dược mới.

Không quân Hoa Kỳ cũng cần tăng cường sự hiện diện ở Ba Lan, tờ báo cho biết. Lực lượng trên không của Hoa Kỳ tại căn cứ không quân Lask ở đó, nơi có các máy bay như F-16, cũng nên được mở rộng và duy trì lâu dài để luân chuyển máy bay chiến đấu và máy bay chở hàng tốt hơn và hỗ trợ lực lượng không quân của các đồng minh khác triển khai họ nói. Nên duy trì vĩnh viễn lực lượng tại căn cứ không quân Miroslawiec ở Ba Lan để hỗ trợ tốt hơn cho UAV MQ-9 Reaper- đã lặng lẽ bắt đầu bay ở đó vào tháng Năm.

Lục quân Mỹ cũng nên thành lập một trụ sở mới cho một lữ đoàn chiến đấu ở Ba Lan để hỗ trợ các nhiệm vụ huấn luyện trên toàn khu vực, họ nói.

Hải quân Hoa Kỳ nên có các tàu khu trục tại Đan Mạch, thực hiện các cuộc tuần tra liên tục ở Biển Baltic cũng như các chuyến thăm tới các cảng của đồng minh trong khu vực. Bổ sung các cuộc tuần tra - có thể bao gồm các hoạt động chống tàu ngầm, nhận thức về tình hình hàng hải, hoạt động đổ bộ và chống xâm nhập/ngăn chặn tiếp cận. Hoa Kỳ cũng nên thiết lập một phân đội hải quân nhỏ ở Gdynia, Ba Lan, để giúp Hải quân thường xuyên ghé thăm Ba Lan và các cảng khác ở Biển Baltic, các tác giả viết.

Nhưng Hoa Kỳ không nên chi trả toàn bộ hóa đơn cho nỗ lực này, họ lưu ý. Ba Lan đã đề nghị cung cấp 2 tỷ USD vào đầu năm nay để hỗ trợ duy trì một căn cứ lâu dài của Mỹ ở đây. Đó là một điểm khởi đầu tốt và có thể được tận dụng để xây dựng các cơ sở lâu dài hơn để luân chuyển các nhóm chiến đấu Mỹ và nâng cấp các cơ sở huấn luyện. Nhưng hóa đơn cuối cùng có thể sẽ vượt quá 2 tỷ USD.

Và chỉ huy đồng minh tối cao của NATO cũng nên vạch ra kế hoạch chuyển giao quyền lực của Bộ Tư lệnh Châu Âu ở Ba Lan sang cho chỉ huy NATO, nếu một cuộc tấn công vào một quốc gia NATO sẽ kích hoạt Điều 5 về phòng thủ tập thể.

Dù vậy, Breedlove và Vershbow nhấn mạnh rằng, những thay đổi trong việc triển khai lực lượng sẽ không vượt qua khuôn khổ của Đạo luật Sáng lập quan hệ NATO-Nga năm 1997, nhằm trấn an Nga rằng việc mở rộng của NATO sẽ không đe dọa quân sự đối với Nga.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ