• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga: Phát hiện “dị vật” kỳ lạ trong xác cá voi sát thủ, đâu là nguyên nhân?

Khám phá 02/10/2023 19:51

(Tổ Quốc) - Các nhà khoa học phát hiện con cá voi sát thủ chết có thể vì “dị vật” trong bụng. Vì sao loài cá khổng lồ này lại nuốt phải?

"Dị vật" được tìm thấy trong bụng cá voi sát thủ chính là 7 con rái cá vẫn con nguyên vẹn. Cụ thể, các nhà khoa học nhận định, cá voi sát thủ có thể chết do xác một con rái cá mắc kẹt ở giữa khoang miệng và thực quản. Ngoài ra, trong dạ dày của con cá này còn có 6 con rái cá khác.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Aquatic Mammals, các nhà khoa học ở Nga cho biết họ tìm thấy 7 con rái cá còn nguyên vẹn trong bụng của một con cá voi sát thủ (danh pháp hai phần: Orcinus orca). Tuy nhiên, xác con cá voi sát thủ nằm cách xa so với nơi săn mồi thông thường. Điều này là dấy lên câu hỏi rằng nó đang làm gì ở đó.

Xác của con cá voi sát thủ cái này được tìm thấy vào năm 2020 tại ven biển quần đảo Commander, thuộc ngoài khơi vùng Viễn Đông của Nga trên biển Bering. Các nhà khoa học đã tiến hành khám nghiệm xác con vật và phát hiện ra không chỉ 7 xác rái cá với trọng lượng 117 kg mà còn có 256 phần mỏ của động vật thân mềm trong cơ thể của nó.

Nga: Phát hiện “dị vật” kỳ lạ trong xác cá voi sát thủ, đâu là nguyên nhân? - Ảnh 1.

Các nhà khoa học phát hiện có 7 xác rái cá trong cơ thể của cá voi sát thủ. Ảnh: Sergey V. Fomin

Nhóm nghiên cứu cho biết, một con rái cá bị mắc kẹt giữa khoang miệng và thực quản và đây có thể là nguyên nhân dẫn tới cái chết của cá voi sát thủ. Ngoài ra, có một số thứ ở con cá voi sát thủ này khiến các nhà ngiên cứu bối rối.

Bà Olga Filatova, nhà nghiên cứu động vật biển có vú tại ĐH Moscow, cho biết: "Trường hợp này rất khác thường vì cá voi sát thủ thường không ăn thịt rái cá". Thay vào đó, loài vật này thường săn hải cẩu, sư tử biển, cá heo và thậm chí cả những loài cá voi khác. Trên thực tế, bất kể con mồi thuộc loài nào thì chúng cũng không nuốt chửng toàn bộ. Cá voi sát thủ luôn chọn cách xé xác và chỉ ăn những bộ phận được cho là ngon nhất của con mồi.

Từ những phân tích này có thể thấy, việc nuốt chửng toàn bộ rái cá có thể là thử thách rất khó khăn với cá voi sát thủ bị mắc cạn. Bởi vì rái cá trưởng thành có thể dài tới 1,5 m. Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng việc con cá voi sát thủ cố nuốt chửng con mồi bởi vì nó sắp chết đói.

Xác cá voi sát thủ có thể giúp giải đáp nhiều câu hỏi

Nga: Phát hiện “dị vật” kỳ lạ trong xác cá voi sát thủ, đâu là nguyên nhân? - Ảnh 2.

Cá voi sát thủ là loài săn mồi đỉnh cao ở đại dương. Ảnh: NatGeo

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng tiến hành phân tích ADN của cá voi sát thủ và xác định rằng cá thể này ở trong quần thể cá voi sát thủ Bigg. Quần thể này có phạm vị sinh sống rộng lớn, trải dài từ quần đảo Aleut, vịnh Alaska tới vùng ven biển California.

Hơn nữa, đây chính là lần đầu tiên thành viên của quần thể cá voi sát thủ này được tìm thấy tại phía tây Thái Bình Dương, khiến các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng con vật đã học được chiến thuật săn mồi ở nơi khác. Điều đáng lưu ý rằng chiến thuật kiếm ăn thường được truyền từ cá voi sát thủ mẹ sang cho con non của chúng.

Mặc dù cá voi sát thủ bị mắc cạn làm dấy lên một số câu hỏi, nhưng nó cũng có thể giúp các nhà khoa học giải đáp nhiều thắc mắc khác. Trên thực tế, quần thể rái cá ở giữa quần đảo Aleut và vịnh Alaska đang giảm dần. Một số nhà khoa học nghi ngờ cá voi sát thủ chính là thủ phạm phía sau sự sụt giảm của quần thể rái cá này. Việc tìm thấy xác 7 con rái cá trong xác cá voi sát thủ chính là bằng chứng trực tiếp đầu tiên.

Cá voi sát thủ được đánh giá là một loài động vật ăn thịt thông minh. Trong môi trường tự nhiên, một số con ăn cá, nhưng một số khác lại săn các loài thú biển như hải cẩu, sư tử biển, cá voi và cả cá mập trắng lớn. Cá voi sát thủ là loài săn mồi đỉnh cao ở đại dương. Chúng cũng là loài vật có tổ chức xã hội cao. Dù cá voi sát thủ không phải là loài nguy cấp, nhưng thực tế một số quần thể cục bộ được cho là bị đe dọa hoặc đang ở trong tình trạng nguy cấp vì ô nhiễm, sự suy giảm của con mồi, mất môi trường sống…

Bài viết tham khảo nguồn: Livescience, NatGeo


Minh Hằng

NỔI BẬT TRANG CHỦ