• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga – Trung "mở cửa" máy bay Iran: Tín hiệu mạnh tới Mỹ?

Thế giới 30/08/2019 14:10

(Tổ Quốc) - Người đứng đầu ngành hàng không vũ trụ của Iran tuyên bố đã có những đề nghị mới từ Nga và Trung Quốc về máy bay chiến đấu.

Tổng Giám đốc Tổ chức Công nghiệp Hàng không Iran, Thiếu tướng Abdolkarim Banitarafi là một trong số các quan chức quốc phòng quốc tế tham dự triển lãm hàng không MAKS năm 2019 của Nga. Hơn 180 công ty nước ngoài từ gần 30 quốc gia đã tập trung tại Zhukovskiy kể từ khi sự kiện này bắt đầu vào ngày 27/8. Khi lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc đối với Tehran đang gần kết thúc, Banitarafi hôm thứ Năm cho biết ông đã nhận được nhiều để nghị tiềm năng, cả mua và bán vũ khí từ các đối tác bên ngoài.

Tướng lĩnh này nói rằng có nhiều nước đang để mắt tới máy bay không người lái của Iran và máy bay huấn luyện Kowsar-88 của họ. Ông cũng cho biết,"nhiều quốc gia đang chào hàng chúng tôi và thảo luận về điều đó, nhưng tất cả phụ thuộc vào ngày lệnh trừng phạt vũ khí kết thúc", theo hãng tin bán chính thức Tasnim. Ông cũng cho biết Iran có thể tìm mua thiết bị mới ở nước ngoài từ hai cường quốc Nga và Trung Quốc.

"Người Nga và người Trung Quốc đã đưa ra các đề xuất với chúng tôi, tất nhiên, chúng tôi cũng có đề xuất của riêng mình, nhưng tất cả những điều này đang trong giai đoạn thảo luận," Banitarafi nói thêm.

Cơ hội khi trừng phạt vũ khí chấm dứt

Hội đồng Bảo an LHQ đã bắt đầu áp đặt trừng phạt về vũ khí đối với Iran vào năm 2006, bắt đầu bằng những hạn chế trong việc chuyển giao công nghệ có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí hạt nhân, bao gồm cả các hệ thống vũ khí thông thường. HĐBA đã mở rộng sang hạn chế đối với việc xuất khẩu vũ khí của Iran vào năm 2007 và bắt đầu chặn các chuyến hàng vũ khí tới Iran vào năm 2010. Một số lệnh cấm này đã được dỡ bỏ khi ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (JCPOA), trong đó Iran đồng ý không theo đuổi một chương trình vũ khí hạt nhân, nhưng nhiều hạn chế vẫn đang được duy trì. Bên cạnh đó, việc Mỹ rút khỏi JCPOA đã kéo theo nhiều yếu tố phức tạp cho với các đối tác kinh doanh tiềm tàng của Iran.

MAKS 2019

Nhiều nước đã giới thiệu những khí tài tiên tiến tại Triển lãm MAKS. Ảnh: AFP/Getty.

Khi rút khỏi JCPOA, ông Trump tuyên bố nó đã không đi đủ xa và không giải quyết được việc Iran hỗ trợ cho các nhóm chiến binh khu vực và phát triển công nghệ tên lửa. Sau đó, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương mới nhằm gây suy sụp cho nền kinh tế Iran.

Theo lịch trình, vào tháng 10 năm 2020, lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Iran dự kiến sẽ hết hiệu lực – điều Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo là Iran sẽ "được giải phóng để tạo ra bất ổn toàn cầu". Hôm thứ Tư, một ngày trước những phát biểu của Banitarafi tại MAKS, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với "chín thực thể và cá nhân có trụ sở tại Iran và một thực thể có trụ sở tại Hồng Kông với cáo buộc hỗ trợ các nỗ lực mua sắm mang tính nhạy cảm của Iran", bao gồm cả những thực thể có liên kết với Tổ chức công nghiệp Hàng không Iran.

Vào ngày kỷ niệm 1 năm Mỹ rời khỏi JCPOA và trong bối cảnh Lầu Năm Góc quyết định gửi thêm lực lượng đến Trung Đông, Iran tuyên bố sẽ bắt đầu làm giàu uranium vượt quá giới hạn quy định trong JCPOA và tuyên bố rằng châu Âu đang thất bại trong việc duy trì sự sống còn của JCPOA khi đứng trước sự đe dọa từ ông Trump. Một loạt các vấn đề bất ổn và căng thẳng gia tăng ở Vịnh Ba Tư theo ngay sau ngay đó khi Washington và Tehran củng cố lập trường đối nghịch của họ.

Giữa căng thẳng chưa hồi kết với Mỹ

Những hạn chế từ quốc tế trong việc làm ăn với ngành công nghiệp quốc phòng của Iran đã cản trở nước này trong việc nâng cấp hạm đội không quân già cỗi. Không quân Iran hiện bao gồm chủ yếu là các máy bay thời Liên Xô cũ và một số máy bay do phương Tây sản xuất được mua trước Cách mạng Hồi giáo 1979. Các nước phương Tây lần đầu tiên áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran sau sự kiện này. Tuy nhiên, Iran đã bắt đầu phát triển máy bay chiến đấu của riêng mình và các lĩnh vực khác trong ngành công nghiệp quốc phòng của đất nước này còn chứng kiến những thành công lớn hơn nữa.

Mặc dù có hạm đội không quân hạn chế, Iran đã tìm cách phát triển kho vũ khí tên lửa lớn nhất và tiên tiến nhất ở Trung Đông. Cơ quan của Banitarafi đã tiết lộ một máy bay không người lái chở tên lửa hành trình mới có tên Mobin tại MAKS vào ngày 27/8 và gần đây cũng đã giới thiệu hai hệ thống phòng không mới là Bavar-373 và Khordad-15. Một hệ thống khác của Iran, Khordad-3, đã bắn hạ một máy bay không người lái hiện đại, tiên tiến của Hoa Kỳ trong đỉnh điểm căng thẳng ở tuyến đường thủy chiến lược Vịnh Ba Tư vào tháng 6.

Vụ việc này và các vụ khác liên quan đến tàu dầu nước ngoài trong khu vực đã khiến Mỹ kêu gọi tập hợp một liên minh, đến nay bao gồm Australia, Bahrain và Anh nhằm tăng cường bảo đảm an ninh hàng hải ở đây. Iran đã bác bỏ dự án này và cố gắng củng cố quan hệ khu vực với các quốc gia Ả Rập gần đó như Iraq, Kuwait, Oman, Qatar và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất UAE trong nỗ lực bảo đảm sự hợp tác khu vực lớn hơn.

Nga và Trung Quốc đã ủng hộ các sáng kiến ngoại giao của Iran và đã phản đối các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại hội nghị thượng đỉnh G7 cố gắng làm trung gian cho một cuộc họp giữa Trump và Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Ngoại trưởng Nga Vladimir Lavrov nói rằng Moscow "sẽ sẵn sàng giúp" đạt được một bước đột phá.

Quý Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ