(Tổ Quốc) - Sáng 6/1, tại Hội nghị Tổng kết năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022 của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhận định, ngành VHTTDL đã vượt qua khó khăn, đạt kết quả toàn diện.
- 05.01.2022 Tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và những dấu ấn của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong năm 2021
- 08.12.2021 Ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2022
- 07.12.2021 Lấy ý kiến Dự thảo Đề án "Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030"
- 26.11.2021 Tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- 28.10.2021 Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt nhiều thành tựu trong thực hiện "mục tiêu kép"
Theo báo cáo của Bộ VHTTDL, lĩnh vực văn hóa, gia đình đã có những kết quả nổi bật như: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa: Tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nhà nước về di sản văn hóa. "Nghệ thuật Xòe Thái" được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trình Thủ tướng Chính phủ Hồ sơ đề cử di sản Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà đề nghị UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản thế giới; Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử và Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê được đưa vào Danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản văn hóa thế giới; phê duyệt 05 Quy hoạch và 08 Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt. Hoàn thiện Chương trình kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa của các dân tộc Việt Nam, giai đoạn 2021-2030. Quyết định xếp hạng 30 di tích quốc gia; ghi danh 52 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản được nhiều địa phương quan tâm thực hiện tốt, lan tỏa nét đẹp di sản văn hóa trong đời sống cộng đồng. Các bảo tàng, ban quản lý di tích tại các tỉnh/thành thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, triển khai các hoạt động về quản lý di sản tư liệu. Một số bảo tàng đã đổi mới sáng tạo hình thức hoạt động, phục vụ khách tham quan từ xa, nổi bật với chương trình tham quan thực tế ảo 3D, trưng bày trực tuyến.
Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được quan tâm, chú trọng. Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. Đã ban hành Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Văn hóa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đẩy mạnh công tác phối hợp với các Ban, Bộ, ngành cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về xây dựng văn hóa ở cơ sở. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các ngày lễ lớn và sự kiện quan trọng của đất nước năm 2021. Trong tình hình dịch bệnh phức tạp, công tác cổ động, tuyên truyền ở các địa phương đã phát huy hiệu quả hình thức online, trực tuyến.
Công tác quản lý và tổ chức lễ hội được chú trọng, các địa phương đã dừng hoặc giảm quy mô, điều chỉnh hình thức, thời gian tổ chức hoạt động văn hóa, lễ hội phù hợp với tình hình mới. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã được Ban Chỉ đạo Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có trọng tâm, trọng điểm.
Tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc thiểu số. Ưu tiên bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số có tiềm năng phục vụ phát triển du lịch, có nguy cơ mai một, các dân tộc thiểu số rất ít người. Xây dựng Dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch"; Đề án "Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030". Phối hợp tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tại Lai Châu. Tổ chức tập huấn, xây dựng mô hình câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian, điểm sinh hoạt văn hóa. Triển khai Chương trình phối hợp công tác với Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2021-2025, các sở VHTTDL địa phương…
Trong lĩnh vực thư viện, đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 206/QĐTTg ngày 11/02/2021 phê duyệt Chương trình "Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; phối hợp xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Triển khai Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng và Chương trình Chuyển đổi số ngành thư viện. Ký kết các chương trình phối hợp công tác về phát triển văn hóa đọc phục vụ nhân dân học tập suốt đời. Chịu ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19, hệ thống thư viện đã có nhiều sáng tạo với nhiều mô hình hay trong hoạt động, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân.
Trong lĩnh vực điện ảnh, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); Xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2012/NĐ-CP về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh (phần về điện ảnh). Triển khai công tác quản lý điện ảnh trong tình hình mới, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ đã chỉ đạo phát hành phim qua nền tảng số. 228 đội chiếu bóng lưu động của các Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng đã phục vụ khoảng 3 triệu lượt người xem. Tổ chức thành công Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII và 04 Đợt phim chào mừng ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục đặt hàng sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2022-2025…
Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn: Chỉ đạo, tổ chức thành công Chương trình nghệ thuật "Niềm tin và Khát vọng" chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Ban hành 02 quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ và định mức kinh tế kỹ thuật trong tổ chức biểu diễn nghệ thuật; Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Xây dựng Ðề án sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở Trung ương; "Nâng cao năng lực sáng tác và lý luận phê bình văn học nghệ thuật giai đoạn 2020- 2025 và tầm nhìn đến năm 2030". Hoạt động cấp phép đảm bảo đúng quy định.
Chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật phù hợp tình hình mới: Đã phát 10 số với chủ đề "San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch" trên các kênh youtube và nền tảng mạng xã hội. Phối hợp triển khai hiệu quả các hoạt động phát triển nghệ thuật biểu diễn. Các đoàn nghệ thuật Trung ương đã dàn dựng 50 chương trình, 04 vở diễn, 56 tiết mục, nâng cao 03 chương trình; 382 buổi biểu diễn. Một số đơn vị nghệ thuật tại các tỉnh/thành đã chuyển đổi hình thức biểu diễn trực tiếp thành sân khấu online, các chương trình nghệ thuật được dàn dựng và phát sóng trên truyền hình, livestream trên các kênh fanpage, các kênh truyền hình trong nước.
Lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm: Công tác cấp phép các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm không vì mục đích thương mại, xuất nhập khẩu tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh; tổ chức trại sáng tác… được thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật. Hoàn thành nhiệm vụ thiết kế maket trang trí, mẫu huy hiệu đại biểu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tổ chức nhiều hoạt động triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh lớn. Nhiều tỉnh/thành đã chủ động thích ứng với tình hình mới, ứng dụng công nghệ thông tin tổ chức triển lãm online; phối hợp tổ chức tốt các cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, trại sáng tác phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn. Phối hợp thực hiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (về nội dung quyền tác giả, quyền liên quan), đã được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2. Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan. Thực hiện Đề án tăng cường năng lực, quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, báo cáo Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định. Tổ chức xây dựng hồ sơ về đề xuất gia nhập Hiệp ước về quyền tác giả (WCT), Hiệp ước về biểu diễn và bản ghi âm (WPPT), Hiệp ước về tạo điều kiện cho người khiếm thị, người khuyết tật về thị giác và người khuyết tật khác không có khả năng đọc tiếp cận với các tác phẩm đã công bố (Hiệp ước Marrakesh). Chủ tịch nước đã ký Quyết định gia nhập Hiệp ước WCT26. Chỉ đạo triển khai các đề án xây dựng thương hiệu quốc gia, xây dựng Đề án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030. Cấp 8.995 Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định.
Trong quản lý nhà nước về gia đình: Hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới và Chương trình quốc gia truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2074/QĐ-TTg ngày 10/12/2021 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới giai đoạn 2021-2030. Ký kết Quy chế phối hợp liên ngành với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế về chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời. Kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2021), các Bộ, Ban, ngành và địa phương tích cực hưởng ứng và tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình với chủ đề "Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc".
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao những kết quả toàn diện mà ngành VHTTDL đã đạt được trong năm qua. Phó Thủ tướng cho biết, năm 2021, Chính phủ ban hành nhiều Chiến lược mang tính dài hơi trong đó có Chiến lược phát triển Văn hóa. Đây cũng là năm mà Bộ VHTTDL đã làm tốt vai trò tham mưu để tổ chức thành công Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá đây là sự kiện đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã chủ trì tổ chức triển lãm quốc tế tại EXPO 2021 và tạo được tiếng vang, qua đó góp phần đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến gần hơn với thế giới.
Đặc biệt, trong đại dịch vừa qua chúng ta đã khơi dậy được truyền thống văn hóa, con người Việt Nam bằng việc truyền cảm hứng cho Nhân dân thông qua các hoạt động sáng tác, biểu diễn. "Tôi rất cảm động với hình ảnh nghệ sĩ đến tận nơi điều trị F0 để biểu diễn, đó như một liều vắc xin tinh thần giúp người dân vượt qua dịch bệnh"- Phó Thủ tướng chia sẻ.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ VHTTDL cần khắc phục những khó khăn, tồn tại, hạn chế để nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra. Trong đó, cần đẩy mạnh số hóa trong lĩnh vực của ngành.
"Ví dụ như số hóa một bảo tàng với toàn bộ hiện vật, bảo vật. Hay như Du lịch gắn với số hóa từng sản phẩm du lịch, ứng dụng tất cả dữ liệu hiện đại, phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ. Số hóa trong những lĩnh vực này có số lượng lớn nhưng vẫn phải nỗ lực để làm. Bộ VHTTDL và Bộ TTTT cần phải phối hợp để làm tốt việc này" - Phó Thủ tướng yêu cầu.
Về lĩnh vực Du lịch, Phó Thủ tướng cho rằng, trong những năm tới phải rất cảnh giác và tính đến trường hợp xấu nhất khi xuất hiện biến chủng Omicron. Bây giờ chính là lúc rà soát lại để chuẩn bị chắc chắn. Cần áp dụng công nghệ để khi dịch bệnh được kiểm soát, chúng ta có thể quản lý khách du lịch bằng công nghệ khi mở cửa.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị, ngành Văn hóa có giải pháp để tiếp tục phát huy được truyền thống văn hóa, con người Việt Nam như lúc khó khăn, dịch bệnh./.