• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghiên cứu mới nhất "truy tìm" lý do tại sao nhiều người không bị mắc Covid-19

Thế giới 06/06/2022 21:33

(Tổ Quốc) - Trang SCMP dẫn tin, mặc dù đã trải qua hai năm đại dịch nhưng một số người vẫn may mắn chưa mắc bệnh Covid-19. Các nhà khoa học đã đưa ra một số giả thuyết nghiên cứu về những trường hợp trên.

Theo SCMP, những đợt bùng phát do Covid-19 đang diễn ra nhiều hơn và Covid cũng đến gần hơn với mọi người trên khắp thế giới.

Nghiên cứu mới nhất "truy tìm" lý do tại sao nhiều người không bị mắc Covid-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn:AP

Trong những tháng gần đây, số ca mắc Covid-19 ngày càng nhiều hơn. Trẻ em, người cao tuổi và người trưởng thành đều bị mắc Covid-19. Tuy nhiên, một số người may mắn vẫn chưa hề có triệu chứng mắc bệnh. Các chuyên gia cho rằng với một số người cho dù có khả năng vượt qua được làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron - có thể hiện tại đang lắng xuống, vẫn có thể mắc Covid do những biến thể mới trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia đã đưa ra một số giả thuyết như sau: "những ngày dài bạn tiếp xúc với một lượng virus nhỏ sẽ giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng." Tuy nhiên, Tiến sĩ Ulf Dittmer, Giám đốc Viện virus học tại Bệnh viện Đại học Essen, Đức cho rằng giả thuyết này chỉ nằm trong phạm vi suy đoán.

Một số người chưa từng mắc bệnh trước đây cho biết họ đã tuân thủ các biện pháp phòng ngừa cẩn thận. Những người khác lại nghĩ rằng họ đang may mắn vì không mắc bệnh sau khi tiếp xúc với người dương tính với Covid-19. Một số người khác nữa băn khoăn về khả năng mắc bệnh mà không có triệu chứng trước khi xét nghiệm phổ biến rộng rãi. Hoặc cũng có trường hợp xét nghiệm âm tính nhưng có triệu chứng Covid vì mẫu thu thập không đúng cách hoặc tỷ lệ sai sót.

Những nỗ lực của khoa học vẫn tiếp tục tiến hành các nghiên cứu để giải quyết thắc mắc của người dân. Các chuyên gia đưa ra một số lý do về những trường hợp ngoại lệ này. Tiến sĩ Leif Erik Sander, Giám đốc Khoa bệnh truyền nhiễm và Hô hấp tại Bệnh viện Đại học Chrite' ở Berlin cho biết những giả thuyết này có vẻ hợp lý.

Đầu tiên, nhiều người mắc Covid hầu hết hoặc hoàn toàn không chú ý vì triệu chứng không quá nặng. Trong một đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp công bố vào cuối năm ngoái trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ, nhóm tác giả lưu ý khoảng 40% những người chẩn đoán mắc Covid được xác nhận là không có triệu chứng tại thời điểm xét nghiệm. Phát hiện dựa trên 95 nghiên cứu quốc tế liên quan đến khoảng 30 triệu người. Tần suất xét nghiệm rõ ràng đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện khả năng mắc bệnh. Nếu bạn không được xét nghiệm thường xuyên thì rất khó nhận biết bệnh có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Bên cạnh đó, theo các nhà nghiên cứu, yếu tố gen cũng đóng vai trò trong việc xác định có bị mắc Covid-19 hay không.

"Có một số người, do đặc điểm di truyền, không thể dễ dàng mắc những bệnh như sốt rét hay HIV(loại virus gây ra bệnh AIDS). Trong một số cấp độ nhất định, điều này cũng sẽ đúng với SARS-CoV-2", ông Sanders nói đồng thời cho rằng yếu tố di truyền vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Như nhà virus học Dittmer giải thích, các phân tử HLA (kháng nguyên bạch cầu ở người) được mã hóa bởi một phức hợp gen, đóng một phần quan trọng trong phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với các tác nhân gây bệnh như SARS-CoV-2. Ông Dittmer cũng nhận định nhóm máu của một người không chỉ ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của bệnh mà còn có thể quyết định đến khả năng dễ bị nhiễm virus hay không.

Mỗi người có khả năng đáp ứng miễn dịch đối với vaccine Covid-19 khác nhau. Theo ông Dittmer, nếu phản ứng cơ thể đặc biệt tốt, việc chủng ngừa kết hợp với lần mắc Covid trước đó giống như cảm lạnh thông thường có thể đóng vai trò nào đó tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, giảm nguy cơ mắc bệnh trở lại.

Chuyên gia Dittmer cũng giải thích thêm, một phân lớp kháng thể ở người cụ thể vừa phát hiện trong một nghiên cứu có thể cung cấp khả năng bảo vệ đặc biệt tốt trước nguy cơ mắc bệnh Covid trước biến chủng mới.

Kháng thể bảo vệ trước biến thể của Covid-19

"Khả năng đo lường việc mắc bệnh rất phức tạp, vì vậy hiện tại không ai có thể biết được liệu cơ thể có kháng thể hay không. Thực tế, trẻ em mắc Covid có xu hướng không có hoặc triệu chứng nhẹ do cơ thể sinh ra phản ứng miễn dịch bẩm sinh mạnh hơn so với phản ứng miễn dịch của người lớn", ông Sander nhận định. "Có thể hiểu là cơ thể được kích hoạt trước".

Đáng lưu ý , những người đã mắc Covid-19 thường ít có khả năng mắc các mầm bệnh khác trong một thời gian nhất định.

"Điều này một phần là do interferon, được xem là những protein phòng thủ tự nhiên được sản xuất bởi các tế bào miễn dịch, làm giảm tính nhạy cảm với SAR-CoV-2 trong trường hợp tiếp xúc với loại virus này vài ngày sau khi mắc bệnh", ông Sander gợi ý.

Ông Sander cũng lưu ý rằng hệ thống miễn dịch ở một số người có thể loại bỏ virus trong cơ thể rất nhanh chóng.

"Trong một nghiên cứu của Thụy Điển, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra các tế bào T (một loại tế bào bạch cầu thuộc hệ thống miễn dịch) ở những người không có kết quả xét nghiệm dương tính sau khi tiếp xúc với các thành viên trong gia đình bị mắc Covid. Tín hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch đã tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 nhưng không phát hiện nhiễm bệnh hoặc có kháng thể chống lại virus.

Vì vậy, kết luận ở đây là gì?

"Nếu bạn nghĩ có thể kiểm soát virus, tránh nguy cơ mắc Covid-19 thì bạn vẫn có thể đã mắc bệnh nhưng không hề biết. Hoặc bạn có thể đã được hưởng lợi từ các yếu tố di truyền chưa thể giải thích được, hay cũng có thể là may mắn", trang SCMP viết.

"Chỉ bởi vì bạn chưa mắc Covid không có nghĩa là bạn mãi mãi an toàn. Những biến thể mới của Covid hoàn toàn có thể thay đổi điều dó", ông Sander nhận định./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ