Hiện nay việc trao đổi, mua bán bằng các đồng tiền thuật toán trong lưu thông tiền tệ là hành vi trái pháp luật Việt Nam. Đặc biệt đối với những sàn tiền ảo đang hoạt động theo mô hình đa cấp, nhà đầu từ phải thực sự tỉnh táo, tránh xa những sàn lừa đảo như 3WIN.NETWORK, T.D Bratrade, Hitoption, Coolcat, Busstrade hay FX TradingMarkets.
Thời gian qua, hàng trăm nhà đầu tư tham gia mô hình đa cấp tài chính 3WIN.NETWORK nên tiếng “cầu cứu” cơ quan chức năng vì cho rằng chủ sàn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của họ.
Chỉ vỏn vẹn trong vòng 8 tháng, sàn giao dịch tiền ảo 3WIN.NETWORK đã thu hút hàng ngàn nhà đầu tư với số tiền hàng trăm tỷ đồng. 3WIN.NETWORK hoạt động theo mô hình đa cấp, xây dựng đội nhóm thông qua việc sáng lập The Legend Group.
Đầu tháng 5/2021, nhà đầu tư không thể thanh khoản và rút tiền (bao gồm lãi và tiền gốc) từ sàn 3win.network. Ngay sau đó sàn 3win.network cũng bị “sập”.
Sự biến mất đáng ngờ của nhóm The Legend Group và sàn 3win.network khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào cảnh tay trắng, nợ nần.
Trước sự việc này, một số chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư không nên tham gia vào những sàn giao dịch tiền ảo hoạt động theo mô hình đa cấp. Pháp luật Việt Nam chưa công nhận các đồng tiền thuật toán trong lưu thông tiền tệ.
Do vậy bất kể sàn giao dịch tiền ảo nào có hoạt động trao đổi, mua bán đều là hành vi trái pháp luật.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, 100% dự án đa cấp tiền ảo tại Việt Nam nở rộ gần đây đều có dấu hiệu lừa đảo.
Nguyên nhân, theo ông Hiếu, là do hành lang pháp lý của Việt Nam còn quá nhiều lỗ hổng, chưa có chế tài xử lý vi phạm.
Trong khi đó, về phía nhà đầu tư, dù nhiều người biết tiền ảo không được pháp luật bảo vệ, song vì lòng tham, họ vẫn bất chấp lao vào.
"Tại thời điểm này chưa có đầu tư, người dùng chưa có rủi ro. Nhưng đến khi bắt đầu có đầu tư, có giao dịch thì thì rủi ro sẽ hiện hữu.
Và cái rủi ro này có lẽ sẽ lớn hơn tất cả các đồng tiền khác vì tiền ảo chưa hề có lịch sử, chưa có thị trường. Thị trường mà những thành viên The Legend Group quảng cáo chỉ là thị trường ảo, không ai kiểm chứng được”, ông Nguyễn Trí Hiệu nhận định.
Vị chuyên gia cảnh báo: “Không phải đầu tư bất kỳ khoản tiền nào chỉ là cách mà những người tạo ra đồng tiền này lôi kéo người chơi. Cho đến khi người dùng nạp tiền vào, có thể sẽ diễn ra kịch bản đồng tiền này bị đánh sập”.
Ông Trần Hùng Sơn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, trưởng Đại học Kinh tế - Luật nhận định, nhiều dự án huy động vốn đa cấp được ẩn dưới hình thức hợp đồng góp vốn đầu tư nên đây là giao dịch dân sự và không bị cấm.
Chỉ đến khi các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi lừa đảo và nạn nhân tố cáo thì cơ quan công an mới có thể điều tra. Bên cạnh đó, do khung pháp lý về tiền ảo chưa đầy đủ nên nhiều cá nhân, tổ chức cũng lách được với nhiều chiêu trò khác nhau.
“Do vậy, Nhà nước cần sớm ban hành quy định về tiền ảo và các sàn giao dịch tiền ảo để có khung pháp lý xử lý các hành vi lừa đảo.
Ngoài ra các Bộ, ban, ngành cũng cần tăng cường thanh, kiểm tra các sàn giao dịch hoạt động theo mô hình đa cấp, lợi dụng lòng tin của nhà đầu tư để chiếm đoạt tài sản”, ông Trần Hùng Sơn nói.
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần khẳng định, không thừa nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán.
Việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.
Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo.
Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 và sự nở rộ của các loại tiền ảo như hiện nay, ông Sơn thừa nhận, việc nghiên cứu xây dựng khung pháp lý về tiền ảo là rất cần thiết với Việt Nam.
Theo nhận định của các chuyên gia, rất có thể, hành lang pháp lý sửa đổi tới đây sẽ đưa ra chế tài xử phạt chặt chẽ hơn với các hoạt động huy động vốn hoặc giao dịch bằng tiền ảo.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, đoàn luật sư thành phố Hà Nội phân tích, theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành, tiền ảo không được coi là tài sản hay hàng hóa.
Điều 105 Bộ luật Dân sự nêu rõ, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; bao gồm cả bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Theo định nghĩa trên, tài sản chỉ tồn tại ở 1 trong 4 dạng.
Theo quy định tại khoản 6, 7 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt về thanh toán không dùng tiền mặt thì: Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
“Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định vừa nêu”, luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh.
Theo ông Bình, nếu chứng minh được sàn tiền ảo đang dụ dỗ, lôi kéo người chơi dựa trên những viễn cảnh không có thật được tô vẽ, có thể khởi tố xử lý hình sự theo điều 290 của bộ luật Hình sự quy định tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Đó là hoạt động lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, thanh toán điện tử, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng…
Đại diện Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công thương cho biết, hiện nay trên cả nước chỉ có 22 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động đa cấp.
Do vậy những doanh nghiệp khác nếu hoạt động theo mô hình này đều là trái phép.
Chính vì thế người tiêu dùng khi lựa chọn tham gia kênh đầu tư nào cũng cần phải tìm hiểu kỹ để tránh gặp rủi ro về mặt pháp lý cũng như thiệt hại vật chất.