• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhân lực du lịch: Thiếu nhân lực biết các tiếng hiếm

Du lịch 10/10/2018 10:00

Lao động biết tiếng Anh chiếm tỷ lệ đa số với khoảng 42%, tiếng Trung, tiếng Pháp và các tiếng khác 5%, 4% và 9%.

Theo báo cáo lao động ngành Du lịch vào năm 2016 là 2.250.000 người, trong đó lao động trực tiếp khoảng 750.000. Dự kiến đến năm 2020, lao động du lịch đạt khoảng 3 triệu người, trong đó lao động trực tiếp là 870.000 người theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Nhân lực lưu trú du lịch và nhân lực doanh nghiệp lữ hành đang chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu nhân lực ngành du lịch hiện nay.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, chuyên gia của Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), về trình độ ngoại ngữ, ngành du lịch sử dụng được ngoại ngữ khá cao chiếm khoảng 60%.

Tuy nhiên, lao động biết tiếng Anh chiếm tỷ lệ đa số với khoảng 42%, tiếng Trung, tiếng Pháp và các tiếng khác 5%, 4% và 9%.

Trong khi đó, dòng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam hiện nay ngày một đa dạng.

Nhân lực du lịch: Thiếu nhân lực biết các tiếng hiếm - Ảnh 1.

Hai bạn trẻ người Hàn Quốc chụp ảnh lưu niệm tại Chùa Linh Ứng - Đà Nẵng. Ảnh: Đức Hoàng

Ông Lê Anh Tuấn cho hay, hiện lao động sử dụng tiếng Anh 85% có trình độ mức cơ sở, có thể giao tiếp ở mức độ cơ bản và có 15% có trình độ ĐH, có thể giao tiếp thông thạo. Số này nằm chủ yếu vào nhóm nhân lực làm hướng dẫn du lịch, lễ tân khách sạn.


Lao động sử dụng thành thạo hai ngoại ngữ trở lên còn thấp, chiếm khoảng 28%. Nhân lực hướng dẫn viên du lịch tốt nghiệp ĐH ngoại ngữ 49,6%, nhóm marketing du lịch chiếm 46,8%, lễ tân khách sạn 40%...

PGS.TS Lê Anh Tuấn

Số lượng nhân lực ngành du lịch được đánh giá là có xu hướng tăng; trình độ kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và năng lực quản lý nhà nước, nghiên cứu, đào tạo, quản trị kinh doanh ngày một nâng cao; tính chuyên nghiệp có sự chuyển biến mang tính tích cực.

Tuy nhiên, theo ông Lê Anh Tuấn, nhân lực ngành du lịch còn nhiều mặt chưa đáp ứng nhiệm vụ phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một sâu, toàn diện; Số lượng nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao còn ít, cơ cấu chưa đồng bộ và năng lực thực tiễn chưa tương xứng với bằng cấp; Nhân lực có trình độ, tay nghề cao chưa nhiều và ngày càng thiếu những cán bộ có chuyên môn tốt, nòng cốt đào tạo nhân lực trẻ.

Nhiều lĩnh vực chuyên môn còn thiếu nhiều lao động cả quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp và nghiệp vụ.

Trong khi đó chất lượng nhân lực quản lý ở địa phương còn nhiều bất cập; nhân lực thuộc các ngành nghề kinh doanh mới, doanh nghiệp mới chưa được đào tạo đầy đủ và bài bản.

Bên cạnh sự mất cân đối và thiếu cán bộ có có chuyên môn giỏi ở nhiều lĩnh vực, sự mất cân đối theo vùng, miền cũng là vấn đề lớn.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Việt Nam cần đào tạo, phát triển nhân lực du lịch đảm bảo quy mô số lượng, chất lượng chuẩn khu vực và quốc tế; đảm bảo cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo, cấp độ vị trí việc làm từ lao động nghiệp vụ đến lao động quản lý nhà nước và đảm bảo cơ cấu vùng miền trong toàn hệ thống đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Xây dựng, cụ thể hóa quy hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển ngành du lịch từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển trên phạm vi cả nước và từng địa phương, từng khu vực.

Đa dạng hóa các phương thức đào tạo, phát triển nhân lực du lịch; tăng cường xã hội hóa hoạt động đào tạo, phát triển nhân lực du lịch; tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường sự tham gia trực tiếp của doanh nghiệp trong đào tạo phát triển nhân lực du lịch nhằm đào tạo, phát triển nhân lực du lịch theo nhu cầu xã hội…/.

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ