• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhật ký nghị trường: Bắt đầu quy trình miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ

Thời sự 01/04/2021 20:01

(Tổ Quốc) - Ngày 1/4, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, Quốc hội đã họp riêng nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 1/4, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó có một số nội dung nổi bật như: Biểu quyết thông qua danh sách để bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội; bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín; thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán Nhà nước; trình bày Tờ trình miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ...

Nhật ký nghị trường: Bắt đầu quy trình miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp.

Cụ thể, trong phiên họp sáng, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp riêng nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự để bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách để bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội. Tiếp đó, Quốc hội tiến hành bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Kết quả, Có 475 phiếu phát ra; 475 phiếu thu về; 475 đại biểu có mặt trên tổng số 480 ĐBQH, trong đó: Ông Trần Thanh Mẫn: có 472 phiếu hợp lệ, 3 phiếu không hợp lệ. 460 phiếu đồng ý (bằng 95.83% tổng số ĐBQH), 12 phiếu không đồng ý (bằng 2.50% tổng số ĐBQH); Ông Nguyễn Đức Hải: có 472 phiếu hợp lệ, 3 phiếu không hợp lệ. 457 phiếu đồng ý (bằng 95.20% tổng số ĐBQH), 15 phiếu không đồng ý (bằng 3.12% tổng số ĐBQH); Ông Nguyễn Khắc Định: có 472 phiếu hợp lệ, 3 phiếu không hợp lệ. 454 phiếu đồng ý (bằng 94.58% tổng số ĐBQH),18 phiếu không đồng ý (bằng 3.75% tổng số ĐBQH).

Nhật ký nghị trường: Bắt đầu quy trình miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ - Ảnh 2.

Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa chúc mừng ông: Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Đức Hải, Nguyễn Khắc Định vừa được Quốc hội tín nhiệm cao bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội họp phiên toàn thể, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội. Sau đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này bằng hình thức điện tử. Kết quả: có 456 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95% tổng số ĐBQH); trong đó, có 455 đại biểu tán thành (bằng 94.79% tổng số ĐBQH); 1 đại biểu không biểu quyết (bằng 0.21% tổng số ĐBQH).

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, sáng nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán Nhà nước.

Góp ý về kiến nghị xử lý kiểm toán, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho rằng, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Đại biểu đề nghị, trong nhiệm kỳ tới, báo cáo hằng năm của kiểm toán cần nêu rõ hơn về những kiến nghị đối với từng đơn vị cụ thể báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo với Quốc hội để có các giải pháp để thực hiện đúng quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước.

"Đề nghị các đơn vị được kiểm toán, khi bị kiến nghị về các xử lý vấn đề tài chính, cũng như xử lý các vấn đề liên quan đến các quy định của văn bản… đề nghị kiểm toán tổng hợp lại báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội. Tôi cũng đề nghị các đơn vị được kiểm toán đã bị chỉ ra các sai phạm về xử lý tài chính mà không thực hiện, thì cũng phải có giải trình rõ ràng về việc tại sao không thực hiện", đại biểu Nguyễn Trường Giang phát biểu.

Nhật ký nghị trường: Bắt đầu quy trình miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, phát biểu tại phiên thảo luận.

"Tôi xin kiến nghị, thứ nhất là cần phải sử dụng các tổ chức kiểm toán độc lập để tham gia vào quá trình kiểm toán. Nếu sử dụng kiểm toán độc lập, chúng ta vừa tiết kiệm được nhân sự bộ máy, đồng thời thực hiện được cơ chế giám sát trên-dưới độc lập, khách quan hơn. Thứ hai là phải tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong kiểm toán. Trong Luật Kiểm toán cũng cho phép kiểm toán được quyền truy cập khai thác các dữ liệu về điện tử", đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Sau thảo luận, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã báo cáo, giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

Trong phiên làm việc chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026; Nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về Quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về Quy định này.

Trong quá trình thảo luận đã có 6 đại biểu Quốc hội phát biểu. Trong đó, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã phát biểu giải trình, làm rõ một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu.

Cùng ngày, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã họp riêng nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Xuân Phúc. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về nội dung này./.

Lê Chung (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ