• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những chú vẹt kết bạn trực tuyến và trò chuyện qua màn hình để... 'chữa bệnh' cô đơn

Khám phá 25/05/2023 15:00

(Tổ Quốc) - Một khi cảm thấy buồn chán, vẹt sẽ phát triển các hành vi rập khuôn như nhổ lông và thờ ơ, điều này có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe.

Vẹt hoạt bát, năng động và có tính tò mò nên được nhiều người yêu thích làm thú cưng. Nhưng khi được nuôi dưỡng như thú cưng, vẹt rất dễ cảm thấy cô đơn và buồn chán trong môi trường gia đình của con người. Xét cho cùng, vẹt vốn là động vật sống theo đàn trong tự nhiên, nhu cầu xã hội hóa và bầu bạn của chúng rất cao.

Gần đây, một nhóm các nhà khoa học đã cố gắng để những chú vẹt “kết bạn qua mạng”, trò chuyện trực tuyến (video call) với những con vẹt khác, qua đó tăng cường khả năng giao tiếp giữa chúng. Thí nghiệm cho thấy những con vẹt không chỉ có thể học cách "trò chuyện trực tuyến" mà còn trở nên vui vẻ hơn đáng kể sau khi trò chuyện qua màn hình. Những người chủ cũng bày tỏ rằng họ sẵn sàng tiếp tục để những con vẹt trò chuyện trực tuyến sau khi thử nghiệm kết thúc.

Những chú vẹt kết bạn trực tuyến và trò chuyện qua màn hình để... 'chữa bệnh' cô đơn - Ảnh 1.

Vẹt tham gia trò chuyện trực tuyến trong nghiên cứu

Vẹt nhà đang trở nên buồn chán đến phát điên

Trên thực tế, vẹt được thuần hóa không sớm bằng chó và mèo.

Đối với vẹt, đồ chơi do con người cung cấp không thể thay thế hoàn toàn việc giao tiếp đồng loại. Đương nhiên, chủ thú cưng vì nhiều nguyên nhân (đi làm, ra ngoài…) nên không thể đồng hành với chúng 24/24. Một khi cảm thấy buồn chán, vẹt sẽ phát triển các hành vi rập khuôn như nhổ lông và thờ ơ, điều này có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe.

Những chú vẹt kết bạn trực tuyến và trò chuyện qua màn hình để... 'chữa bệnh' cô đơn - Ảnh 2.

Con vẹt được nhốt trong lồng vì chủ đang mang thai, nó đã tự nhổ lông và hình thành các hành vi khác do cô đơn

Để đáp ứng nhu cầu giao tiếp của vẹt, chủ sở hữu đã thử nhiều phương pháp khác nhau. Một số người nuôi nhiều vẹt, nhưng chúng chưa chắc có thể không hòa thuận với nhau.

Một số chủ sở hữu cũng sẽ đưa vẹt đến các cuộc gặp giữa những người nuôi vẹt khác để chúng giao lưu. Nhưng trong những trường hợp như vậy, vẹt cũng có thể bị buộc phải giao du với những loài chúng không thích, và cũng có thể mắc các bệnh truyền nhiễm. So với chó và mèo, vẹt là loài vật nuôi riêng lẻ, một khi mắc bệnh sẽ khó chữa trị hơn.

Vậy có cách nào cho phép vẹt ở nhà tự do chọn bạn đồng hành mà không có nguy cơ bị nhiễm bệnh không? 

Nhóm nghiên cứu đến từ Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), Đại học Đông Bắc (Trung Quốc) và Đại học Glasgow (Anh) đã nghĩ ra một cách: Để vẹt kết bạn trực tuyến. Họ đã tập hợp 18 người nuôi, hướng dẫn huấn luyện những con vẹt thực hiện cuộc gọi video với đồng loại và tiến hành một nghiên cứu thử nghiệm kéo dài ba tháng. Những phát hiện gần đây đã được trình bày tại một hội nghị học thuật.

Vẹt kết bạn qua mạng để giảm sự cô đơn

Trước hết, những người chủ dành hai tuần để giúp vẹt học cách gọi điện video. Họ lắp một chiếc chuông trên sào nơi vẹt đang đứng, khi vẹt rung chuông, người chủ mang theo điện thoại di động hoặc máy tính bảng và bấm vào một bức ảnh trên màn hình để bắt đầu lời mời gọi video đến những con vẹt khác.

Sau khi huấn luyện, vẹt có thể thành thạo phương thức gọi video: khi vẹt lắc chuông, chủ sẽ bật thiết bị liên lạc và để vẹt chọn bạn trò chuyện, vẹt có thể di chuyển tự do trên sào.

Ở giai đoạn này, người nuôi nên quan sát kỹ phản ứng của vẹt để tránh cho chúng cảm giác “buộc phải giao tiếp”. Nếu những con vẹt có dấu hiệu thư giãn tích cực, chẳng hạn như nhìn chằm chằm vào màn hình và rỉa lông, người nuôi tăng âm lượng và di chuyển màn hình lại gần chúng hơn. Nếu con vẹt tỏ ra không quan tâm hoặc bị kích động, người chủ cần kết thúc cuộc gọi video.

Những chú vẹt kết bạn trực tuyến và trò chuyện qua màn hình để... 'chữa bệnh' cô đơn - Ảnh 3.

Trong giai đoạn huấn luyện, có ba con vẹt hoặc hoàn toàn không hứng thú với hình thức trò chuyện video hoặc có dấu hiệu căng thẳng và dừng thí nghiệm sớm. 15 chú vẹt còn lại dần “hòa nhập vào xã hội công nghệ”. Theo đó, vẹt có thể rung chuông bất cứ lúc nào để cho chủ biết chúng đang cần giao tiếp với “bạn”, chọn ảnh của những chú vẹt khác trên màn hình và bắt đầu cuộc gọi video.

Những người chủ đã phát hiện ra rằng những con vẹt thường bắt chước hành vi của nhau trong các cuộc gọi video. Chúng sẽ lắc đầu lên xuống để chào và cùng rỉa lông. Các nhà nghiên cứu giải thích, trong môi trường hoang dã, vẹt bắt chước tiếng gọi của nhau như một cách để giữ liên lạc và xác nhận phương hướng của nhau, tương đương với câu "Tôi ở đây".

Trong 10 tuần tiếp theo, những con vẹt đã thực hiện 147 cuộc gọi. Hơn nữa, những con vẹt thực hiện cuộc gọi nhiều nhất cũng nhận được nhiều lời mời kết nối cuộc gọi nhất. Con vẹt có số lần ít nhất thực hiện tổng cộng 3 cuộc gọi video, trong khi cặp vẹt trò chuyện nhiều nhất trò chuyện một hoặc hai lần một tuần, tổng cộng là 16 lần.

Những chú vẹt kết bạn trực tuyến và trò chuyện qua màn hình để... 'chữa bệnh' cô đơn - Ảnh 4.

Tất cả những người chủ tham gia thử nghiệm đều nói rằng cuộc gọi video đã cải thiện tình trạng của những chú vẹt và họ hy vọng sẽ tiếp tục sử dụng cách thức này trong tương lai. Một người chủ thậm chí còn mô tả rằng chú vẹt của anh "gần như sống lại trong cuộc gọi video".

Tuy nhiên, hình thức giao tiếp giữa vẹt này không nhất thiết phải áp dụng cho các vật nuôi khác, chẳng hạn như mèo và chó. Vẹt có thể thích ứng với các cuộc gọi video vì chúng chủ yếu dựa vào thị giác và âm thanh để giao tiếp. Nhưng nhiều loài động vật một phần dựa vào tín hiệu khứu giác để giao tiếp và phạm vi nhận biết quang phổ rất khác nhau giữa các loài động vật khác nhau.

Thú cưng mang lại niềm an ủi cho người sống thành thị bận rộn, nhưng chúng cũng là nạn nhân trong văn hóa làm việc ngày nay. Dù là vẹt, mèo hay chó, việc bị bỏ mặc chúng trong thời gian dài có thể khiến chúng cảm thấy buồn chán. Hy vọng rằng trong tương lai, công nghệ sẽ giúp những thú cưng này bớt cô đơn hơn.

Nguồn: The Paper

Trung Hạ

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ