• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những nỗ lực cuối cùng hướng tới đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran

Thế giới 19/08/2022 12:18

(Tổ Quốc) - Theo CNBC, Iran dường như lạc quan hơn khi cuối cùng cũng có thể đạt được phiên bản mới về thỏa thuận hạt nhân 2015 cùng với Mỹ và những siêu cường khác sau một hành trình dài.

Cố vấn nhóm đàm phán Iran Mohammad Marandi cho biết đang đến gần hơn với quá trình khôi phục thỏa thuận hạt nhân, trong đó đảm bảo các vấn đề còn lại có thể được giải quyết. Đề xuất văn bản cuối cùng của Liên minh châu Âu về thỏa thuận hạt nhân đã được Mỹ chấp thuận. Phía Mỹ cũng sẵn sàng ký thỏa thuận nếu Iran đồng ý.

Những nỗ  lực cuối cùng đưa thỏa thuận hạt nhân Iran đến gần hơn - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian gặp gỡ Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell hồi tháng Sáu. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, vẫn còn một số trở ngại trong quá trình khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015, trong đó có nhấn mạnh đến vấn đề nới lỏng trừng phạt với Iran. Đổi lại, Tehran sẽ hạn chế triển khai chương trình hạt nhân. Các nhà đàm phán đã chỉ ra những vấn đề hiện vẫn khó để hòa giải.

Trong thời gian qua, Iran ngày càng đạt được nhiều tiến bộ trong công nghệ hạt nhân, vượt xa những gì mà cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế và các bên ký kết ban đầu từng thông qua vào năm 2015. Những tiến bộ hạt nhân này có thể gây ra một cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông vì Israel đã đe dọa sẽ hành động quân sự chống lại Iran nếu nước này tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân.

Vào mùa xuân năm 2021, Giám đốc IAEA Rafael Grossi từng nhấn mạnh chỉ những nước chế tạo bom mới cần gia tăng mức độ làm giàu hạt nhân. Để hồi phục thỏa thuận hạt nhân, Mỹ và các bên liên quan dang muốn hạn chế chương trình hạt nhân và ngăn cản cuộc khủng hoảng hạt nhân xảy ra. Trong khi đó, Iran lai khẳng định mục tiêu của họ là hòa bình và các hành động hạt nhân của họ nằm trong chủ quyền.

Ba vấn đề còn tranh cãi

Ba điểm liên quan trong thỏa thuận hạt nhân hiện vẫn đang được nhắc đến. Thứ nhất, Iran muốn chính quyền Tổng thống Biden gạch tên Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo nước này ra khỏi danh sách khủng bố. Thứ hai, Iran cũng muốn đảm bảo rằng thỏa thuận hạt nhân sẽ có giá trị ràng buộc hơn đối với các nước, trong đó có Mỹ trong tương lai để đảm bảo về mặt pháp lý, tránh lặp lại giống như quyết định rút khỏi thỏa thuận của cựu Tổng thống Trump trước đây. Và thứ ba, cuộc điều tra kéo dài của IAEA về dấu vết nhà máy sản xuất uranium được tìm thấy trong số các địa điểm hạt nhân của Iran chưa từng được công bố cách đây vài năm. Tehran muốn kết thúc điều này nhưng phương Tây vẫn phản đối.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói trong tuần này, Mỹ dường như vẫn "chưa thể đủ kiên nhẫn" với các điều kiện của Tehran, khẳng định cách duy nhất để có thể trở lại Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) là Iran phải từ bỏ các yêu cầu không thể chấp nhận vượt qua phạm vi của JCPOA.

Hiện tại hoặc không bao giờ

Thời điểm cựu Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào năm 2018 và áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt đối với Iran, Tehran đã liên tục tăng cường các chương trình hạt nhân trong thời gian dài.

"Quá trình khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran có thể là ngay bây giờ hoặc sẽ không bao giờ xảy ra", ông Hussein Ibish, chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu Các quốc gia vùng Vịnh Ả rập ở Washington cho biết.

Bà Sanam Vakil, chuyên gia về chương trình Trung Đông ở Bắc Phi, thuộc tổ chức tư vấn Chatham House của Vương quốc Anh nói rằng vẫn còn nhiều điều không chắc chắn trong nỗ lực hồi phục thỏa thuận hạt nhân Iran giữa các bên liên quan.

Bà cho rằng, Tehran có thể đang cố gắng duy trì "sự kiên nhẫn chiến lược", chờ đợi cho đến khi họ có được những nhượng bộ nhất có thể.

Behnam Ben Taleblu, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Foundation for Defense of Democracies nhận định, Tehran có thể đang tiếp tục chờ sự nhượng bộ từ phía Mỹ nhiều hơn. Trong trường hợp này, lý do duy nhất khiến Iran có thể đồng ý khôi phục lại JCPOA vào lúc này là để hồi phục kinh tế và tránh Mỹ có thể thay đổi chính sách khi có tổng thống mới vào năm 2024.

Theo một số chuyên gia, những động thái của Iran về leo thang căng thẳng hạt nhân đã giúp nước này có được cơ hội gây sức ép lên cuộc đàm phán lần này. Và dù có thể hiện lập trường cứng rắn ra sao, cả Mỹ và Iran đều cần đạt được một thỏa thuận vì các tình huống khác có thể còn tồi tệ hơn đối với họ.


Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ