• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nửa nhiệm kỳ ngành VHTTDL: Điện ảnh Việt tìm đường ra biển lớn

Văn hoá 23/08/2023 07:39

(Tổ Quốc) - Trong hai năm 2020 và 2021, điện ảnh các nước trên cả thế giới đình trệ vì đại dịch Covid-19. Nhiều dự án phim bị hoãn, hủy hoặc lùi ngày phát hành; rạp chiếu phim đóng cửa kéo dài; hầu hết các liên hoan phim phải tổ chức online. Ngay khi dịch bệnh được kiểm soát và khống chế, điện ảnh Việt cũng đã từng bước phục hồi và đạt nhiều thành tích.

Luật Điện ảnh khuyến khích sự phát triển

Ngày 15/6/2022, Luật Điện ảnh sửa đổi được Quốc hội thông qua với 449/467 (chiếm 90,16%) đại biểu tán thành. Luật có 8 chương, với 48 điều và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Theo các nhà nghiên cứu, phê bình và người làm điện ảnh, Luật Điện ảnh có những quy định phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động điện ảnh, góp phần thúc đẩy nền điện ảnh nước nhà phát triển.

Nửa nhiệm kỳ VHTTDL: Điện ảnh Việt tìm đường ra biển lớn - Ảnh 1.

Nửa nhiệm kỳ VHTTDL: Điện ảnh Việt tìm đường ra biển lớn - Ảnh 2.

Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh sửa đổi

Theo Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, điện ảnh ngày nay được xác định rõ ràng là một ngành công nghiệp văn hóa. Nếu có chính sách thúc đẩy thì chắc chắn sẽ tạo nên sự phát triển, tạo sức mạnh mềm đóng góp cho sự phát triển chung. Khi đi vào thực tiễn, Luật Điện ảnh sẽ trở thành động lực khuyến khích sự phát triển của nền điện ảnh dân tộc như chúng ta mong muốn, kỳ vọng. Để thực hiện mong ước, khát vọng thúc đẩy sự phát triển điện ảnh nói riêng, nền văn hóa Việt Nam nói chung, cần sự đồng hành của nhiều nguồn lực trong xã hội.

Bên cạnh đó, Nghị định 131/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh về tỉ lệ suất chiếu phim Việt Nam trong hệ thống rạp chiếu trên toàn quốc mang lại cơ hội đột phá cho điện ảnh trong nước. Theo đó, từ năm 2023, phim Việt được ưu tiên chiếu vào khung thời gian từ 18 đến 22 giờ hằng ngày, với tỉ suất được bảo đảm đạt ít nhất 15% tổng số suất chiếu trong năm.

Không chỉ chú trọng phát hành phim theo phương thức truyền thống, việc chủ động xây dựng, phát triển cộng đồng người xem trên internet kết hợp với các nền tảng, chương trình phổ biến, phát triển điện ảnh được Nhà nước đặc biệt quan tâm tạo điều kiện để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nền Điện ảnh Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2649/QĐBVHTTDL ngày 18/10/2021 về việc xây dựng Đề án "Trung tâm phát hành phim trực tuyến"; trong quá trình hoàn thiện xây dựng, Đề án đổi tên thành "Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến".

Quyết định đã kịp thời đáp ứng những chỉ đạo, định hướng lớn trong Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức vào tháng 11/2021; các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/11/2021.

Đề án có ý nghĩa quan trọng nhằm đưa đến khán giả những tác phẩm điện ảnh Việt Nam có giá trị nội dung và nghệ thuật bằng công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu thưởng thức điện ảnh trên nền tảng trực tuyến ngày càng phổ biến trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển. Đề án mang tầm vóc đặc biệt quan trọng trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn chuyển đổi số quốc gia hiện nay, đáp ứng những tác động tích cực từ Luật Điện ảnh 2022 mới được Quốc hội ban hành.

Nửa nhiệm kỳ VHTTDL: Điện ảnh Việt tìm đường ra biển lớn - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì cuộc họp Tổng kết công tác xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Điểm sáng đáng kể là doanh thu của điện ảnh Việt sau thời gian đại dịch. Nếu như sản xuất phim Việt Nam trong năm 2021 chỉ đạt 20 phim (giảm hơn một nửa so 40-50 phim/năm trước đại dịch), năm 2022 đã lên hơn 30 phim. Rạp chiếu phim đã đông vui trở lại. Một số hoạt động của điện ảnh Việt Nam tại các liên hoan phim quốc tế bắt đầu sôi động, đáng kể là phim truyện "Tro tàn rực rỡ" được chọn dự thi tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo và gần đây được trao giải cao tại Liên hoan phim Ba châu lục Nantes (Pháp); phim tài liệu "Những đứa trẻ trong sương" lọt vào danh sách 15 phim đề cử giải Oscar 2022 sau khi được trao hàng loạt giải quan trọng tại các liên hoan phim quốc tế và được phát hành tại Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore…

Ngoài ra, các sự kiện điện ảnh như Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức tháng 11/2021, Cuộc thi phim ngắn Màn ảnh xanh của Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (8/2022), Cánh Diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam (9/2022), Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI (11/2022) cũng đã được tổ chức thành công.

Thị trường điện ảnh trong nước cũng sôi động trở lại. Theo Box Office Việt Nam - trang thống kê phòng vé độc lập với sai số nhỏ, trong quý I/2023, phim Việt thu về hơn 700 tỉ đồng với 5 tác phẩm: "Nhà bà Nữ" (đạo diễn: Trấn Thành), "Chị chị em em 2" (đạo diễn: Vũ Ngọc Đãng), "Vong nhi" (đạo diễn: Hoàng Tuấn Cường), "Siêu lừa gặp siêu lầy" (đạo diễn: Võ Thanh Hòa), "Khi ta hai lăm" (đạo diễn: Luk Vân).

Trong đó, 3 phim có doanh thu tốt nhất là "Nhà bà Nữ" với hơn 458 tỉ đồng (chiếm 65% tổng doanh thu quý đầu tiên), "Chị chị em em 2" 121 tỉ đồng và "Siêu lừa gặp siêu lầy" hơn 100 tỉ đồng. Riêng "Siêu lừa gặp siêu lầy" hiện vẫn trụ rạp tốt và nhiều khả năng tăng thêm doanh thu. Còn "Vong nhi" gặt hái doanh thu 24 tỉ đồng. "Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh" thu hơn 300 tỉ đồng. Sự thành công của "Nhà bà Nữ", "Lật mặt 6" giúp các nhà làm phim nhận thấy thị trường phim Việt có khả năng mở rộng doanh thu lên mức 500 tỉ đồng. Thậm chí, họ có thể mơ đến con số 1.000 tỉ đồng cho tương lai.

Nửa nhiệm kỳ VHTTDL: Điện ảnh Việt tìm đường ra biển lớn - Ảnh 4.

Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI được tổ chức thành công

Ngoài phim thương mại, các rạp Việt cũng đang mở suất chiếu lại phim độc lập "Đêm tối rực rỡ" và mang đến cho khán giả những cái nhìn ấn tượng với phim tài liệu "Những đứa trẻ trong sương" của Hà Lệ Diễm. "Những đứa trẻ trong sương" sau khi giành nhiều giải thưởng quốc tế, khi ra mắt tại Việt Nam, trước sự quan tâm của khán giả, nhà phát hành đã tăng suất chiếu. Rõ ràng, sự đa dạng của các phim Việt ở rạp cũng góp phần mang đến nhiều chọn lựa cho khán giả.

Với những cơ hội từ sự khởi sắc của doanh thu và từ hành lang pháp lý, phim Việt được kỳ vọng sẽ tăng về số lượng, nâng cao chất lượng từ năm 2023.

Tự tin ra biển lớn

Suốt năm 2022, bộ phim "Những đứa trẻ trong sương" được nhắc đến rất nhiều. Đây là phim Việt đầu tiên lọt vào danh sách 15 phim bình chọn đề cử giải Oscar 2022 thể loại phim tài liệu.

Năm 2021, tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam (IDFA), nữ đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm cũng đã đoạt giải: Đạo diễn xuất sắc nhất, giải thưởng cá nhân quan trọng nhất và giải Tuyên dương của ban giám khảo. Những đứa trẻ trong sương tiếp tục được tham dự hơn 100 liên hoan phim quốc tế khác nhau trên thế giới. Các rạp lớn ở Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan và Singapore… đều có sự xuất hiện của bộ phim này.

Một cái tên khác là "Tro tàn rực rỡ" thắng giải Khinh khí cầu vàng tại Liên hoan phim quốc tế Ba châu lục (Nantes, Pháp); là phim Việt đầu tiên tranh giải Liên hoan phim quốc tế Tokyo.

Việc phát triển ngành công nghiệp điện ảnh, làm sao để có một nền điện ảnh phát triển để giới thiệu và quảng bá Việt Nam ra thế giới, rõ ràng, cần những bộ phim Việt tạo dấu ấn ở các liên hoan phim quốc tế.

Nửa nhiệm kỳ VHTTDL: Điện ảnh Việt tìm đường ra biển lớn - Ảnh 5.

Tro tàn rực rỡ...

Nửa nhiệm kỳ VHTTDL: Điện ảnh Việt tìm đường ra biển lớn - Ảnh 6.

..và Những đứa trẻ trong sương góp phần đưa điện ảnh Việt Nam ra thế giới

Những bộ phim nếu đoạt giải cao tại liên hoan phim quốc tế danh giá thì sẽ đem lại vinh dự không chỉ cho các nhà làm phim mà còn cho điện ảnh Việt Nam nói chung, làm nên những "ngọn cờ điện ảnh" để quốc tế chú ý đến điện ảnh Việt, tạo "con đường" để điện ảnh ra thế giới. Đây là con đường chung mà nhiều nền điện ảnh đã đi.

"Các nền điện ảnh trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Iran rồi Philipines và Thái Lan ở Đông Nam Á cũng được chú ý và đi đến thành công bắt đầu từ tên tuổi các đạo diễn thành danh tại những liên hoan phim quốc tế lớn. Tuy nhiên, chúng ta cần cố gắng nhiều để phát triển cả hai dòng phim, cụ thể là mở rộng thị trường quốc tế cho dòng phim thương mại và có các phim nghệ thuật được chọn vào các liên hoan phim quốc tế lớn. Chỉ khi đi vững bằng cả "hai chân" thì điện ảnh mới phát triển"- TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến và phát triển điện ảnh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương chia sẻ.

Cũng theo TS Ngô Phương Lan, muốn ra "biển lớn", chỉ nói cụ thể vào dòng phim nghệ thuật, thì phải có cả "trào lưu" những tác phẩm xuất sắc, ghi danh tại các liên hoan phim và giải thưởng uy tín như các liên hoan phim quốc tế hàng đầu Cannes, Berlin, Venice, giải Oscar; gần hơn là tại các liên hoan phim quốc tế Thượng Hải, Tokyo, Busan ở châu Á. "Điều này chúng ta đang thiếu, nhiều năm mới có một hai bộ phim lọt vào vòng dự thi thì thực sự chưa thể tạo được ấn tượng điện ảnh Việt. Tuy nhiên, không phải muốn mà có được ngay "trào lưu", cần sự chắt chiu nhiều năm, ươm trồng từ những sân chơi nhỏ hơn ở trong nước chẳng hạn.

Phim được chọn dự thi ở Liên hoan phim uy tín chắc chắn phải hay và mới lạ- nghĩa là có màu sắc riêng. Bản sắc dân tộc Việt Nam khá đậm nét và đa dạng- từ phong tục tập quán, tính cách, quan hệ ứng xử cho đến triết lý sống, tinh thần vượt khó, sức trỗi dậy của con người… - đó là cái "nền", cái "chất" làm nên những bộ phim hay và lạ. Điều mấu chốt là cách kể những câu chuyện Việt Nam bằng ngôn ngữ điện ảnh ra sao để chinh phục được người xem, nhất là người xem khó tính và "lành nghề" tại các liên hoan phim quốc tế" - TS Ngô Phương Lan nhận định.

Nửa nhiệm kỳ VHTTDL: Điện ảnh Việt tìm đường ra biển lớn - Ảnh 7.

Sự đa dạng của các phim Việt ở rạp cũng góp phần mang đến nhiều chọn lựa cho khán giả

Thực tế, nhà làm phim nào cũng đều mong muốn làm được tác phẩm hay. Thế nhưng, kết quả đạt được thế nào còn phải xem xét nhiều yếu tố từ khách quan đến chủ quan, từ kịch bản trên giấy đến cách kể câu chuyện qua hình ảnh và nhiều điều khác. Thêm vào đó, nghề làm phim được đánh giá là có yếu tố "phong độ". Một ê-kíp có thể gây ấn tượng ở vài phim nhưng không bảo đảm họ sẽ thắng mãi với các phim khác. Vì vậy, tất cả đều phải cố gắng ở mỗi dự án, nâng dần tay nghề, chất lượng qua từng tác phẩm.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân cho rằng, hiện nay chúng ta thiếu vắng những kịch bản hay, những nhà biên kịch tài năng. Đó là mấu chốt của một tác phẩm điện ảnh hay. Và vì thế, chúng ta không thu hút được các nhà đầu tư. "Có vẻ như điện ảnh đang nghiêng về thị trường mà quên mất đi những yếu tố truyền thống, nghệ thuật. Một nền điện ảnh cần sự cân bằng giữa các dòng phim, nhất là mảng phim về văn hóa, lịch sử, về những vấn đề nhức nhối của xã hội đương đại. Chúng ta cần khuyến khích những nhà làm phim độc lập, tạo điều kiện cho họ phát triển, bởi đó là dòng phim có thể gây tiếng vang và đưa phim Việt ra thế giới", đạo diễn Nguyễn Thanh Vân khẳng định.

Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định phát triển điện ảnh theo hướng công nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế, với mục tiêu đến năm 2030 xây dựng nền điện ảnh Việt Nam có bản sắc và uy tín ở châu Á, có tác phẩm chất lượng cao, tài năng điện ảnh tầm cỡ thế giới. Điều này cũng phù hợp và đúng định hướng với những nội dung và giá trị mà Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đặt ra với những nguyên tắc cơ bản: Dân tộc, khoa học và đại chúng. Trong thời đại công nghệ 4.0, xây dựng nền điện ảnh mang tính hiện đại có ý nghĩa thiết thực và cập nhật đối với sự nghiệp chung của dân tộc. Điều đó có nghĩa là điện ảnh phải xây dựng cho mình một "thương hiệu" riêng và thương hiệu ấy trước hết phải gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc. Để có "thương hiệu" đó, điện ảnh Việt Nam cần tìm kiếm, bồi dưỡng, ươm mầm các tài năng, đặt biệt là tài năng trẻ.

Cuối cùng, để nền điện ảnh để đi đường dài và phát triển đồng bộ, bền vững, cần sự vào cuộc của nhiều nguồn lực xã hội hơn nữa./.


Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ