(Tổ Quốc) - Chứng kiến những hành động phản cảm trên, nhiều dân mạng đã bày tỏ sự bất bình, cho rằng những người đánh giá 1 sao "không muốn học thì cũng đừng hành xử vô học"
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp, tính đến ngày 17/3, 63/63 địa phương trên cả nước đã chính thức thông báo thời gian nghỉ học kéo dài cho học sinh, sinh viên. Nhằm giúp học sinh và sinh viên có thể củng cố kiến thức trong thời gian nghỉ kéo dài, nhiều trường học đã triển khai mô hình lớp học trực tuyến.
Theo đó, thông qua mạng xã hội, học sinh – sinh viên có thể theo dõi bài giảng của thầy cô thông qua các hình thức livestream. Đồng thời, một số ứng dụng trên smartphone và máy tính cũng được một số trường sử dụng để hỗ trợ việc dạy học online. Ngoài ra, một số địa phương cũng triển khai hình thức dạy học qua truyền hình, giúp học sinh có thời gian ôn tập cho các kỳ thi quan trọng sắp tới.
Việc học online tại nhà giúp học sinh có thời gian ôn tập cho các kỳ thi quan trọng sắp tới
Đáng nói, mặc dù việc học trực tuyến mang đến nhiều ý nghĩa tích cực với đa số học sinh – sinh viên, vẫn có một bộ phận không nhỏ đang có những phản ứng tiêu cực rất đáng lên án. Gần đây nhất, 2 ứng dụng hỗ trợ việc học online là "SHub Classroom Hỏi đáp, chấm điểm bài tập" và "ZOOM Cloud Meetings" lại đang nhận một loạt đánh giá 1 sao từ phía người dùng nhằm mục đích khiến các ứng dụng trên bị xóa khỏi chợ ứng dụng.
Theo đó, ứng dụng "SHub Classroom Hỏi đáp, chấm điểm bài tập" hiện bị đánh giá trung bình khoảng 1,6/5 sao trên chợ ứng dụng Google Play. Với tổng cộng 5774 lượt đánh giá, số lượng đánh giá 1 sao đang chiếm phần lớn. Trong khi đó, ứng dụng ZOOM Cloud Meetings có số điểm đánh giá trung bình cao hơn đôi chút, nhưng vẫn chỉ đạt 2,3/5 sao.
Các ứng dụng học online đang phải hứng 'bão' đánh giá 1 sao từ một bộ phận người dùng
Đáng chú ý, bên cạnh việc đánh giá 1 sao, những người dùng này đều để lại một số nhận xét mang tính chỉ trích, thậm chí là chửi bới, phản đối việc học và giao bài tập online như "tại app mà nhà trường bắt học online", "học bù thì còn bắt học online làm gì", "app phá tan hạnh phúc gia đình", "tự nhiên đang nghỉ dịch còn phải làm bài tập".
Một số nhận xét mang tính chỉ trích, thậm chí là chửi bới, phản đối việc học và giao bài tập online
Theo tìm hiểu, hành động kêu gọi đánh giá 1 sao được một số học sinh Việt Nam bắt chước sau khi đọc thông tin phản ánh học sinh Trung Quốc đánh giá tiêu cực các ứng dụng học online. Theo đó, một trong những ứng dụng giao bài tập phổ biến tại đất nước tỷ dân là DingTalk đã phải nhận một loạt đánh giá 1 sao từ những học sinh tại Vũ Hán, nhằm mục đích khiến ứng dụng này bị xóa khỏi App Store.
Trước đó, hiện tượng một số học sinh Việt Nam để lại các bình luận mang tính phản cảm trong các bài giảng online cũng khiến nhiều người phẫn nộ. Nhiều học sinh đã sử dụng từ ngữ thiếu chuẩn mực, thậm chí là tục tĩu để tham gia trò chuyện trong khi các bài giảng được phát livestream qua kênh Youtube của Đài truyền hình Hà Nội.
Nhiều học sinh đã sử dụng từ ngữ thiếu chuẩn mực, thậm chí là tục tĩu để tham gia trò chuyện trong khi các bài giảng được phát livestream
Theo ghi nhận, ở một số buổi phát trực tiếp bài giảng của thầy, cô giáo trên trang facebook HANOITV.vn, có nhiều học sinh đã có những bình luận thiếu văn hóa như bình phẩm về ngoại hình giáo viên, bình luận không nghiêm túc, không tôn trọng người đứng trên bục giảng. Hình ảnh xấu xí này khiến Đài truyền hình Hà Nội phải mời Công an thành phố Hà Nội vào cuộc để xác minh những trường hợp có hành vi xấu nêu trên và tiến hành xử lý.
Không ít dân mạng hiện đang kêu gọi người dùng đánh giá 5 sao các ứng dụng trên "để đền bù công sức cho tác giả" (Ảnh chụp màn hình)
Chứng kiến những hành động phản cảm trên, nhiều dân mạng đã bày tỏ sự bất bình. Một dân mạng đã thẳng thừng cho rằng, những người đánh giá 1 sao "không muốn học thì cũng đừng hành xử vô học", đồng thời khẳng định hành động này "không giải quyết vấn đề, vừa ích kỷ và thiển cận". Đáng chú ý, có không ít dân mạng hiện đang kêu gọi người dùng đánh giá 5 sao các ứng dụng trên "để đền bù công sức cho tác giả".