• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phép thử của Trung Quốc dành cho Tổng thống Biden về "điểm nóng" Đài Loan

Thế giới 26/01/2021 15:05

(Tổ Quốc) - Bloomberg đăng tải, quyết định của Trung Quốc cử một loạt các phi cơ chiến đấu, bao gồm cả các máy bay ném bom chiến lược tới Eo biển Đài Loan vào cuối tuần qua được coi là một tín hiệu cảnh báo sớm gửi cho Tổng thống Joe Biden về một trong những vấn đề nhạy cảm nhất giữa Bắc Kinh và Washington.

Theo thống kê của cơ quan phòng thủ Đài Loan, sự hiện diện của 8 máy bay ném bom Xian H-6K và 5 máy bay khác vào hôm thứ Bảy (23/1) là đợt thâm nhập lớn thứ 3 trong năm qua của quân đội Trung Quốc tại Eo biển Đài Loan. Đáng lưu ý, H-6K là loại máy bay có khả năng chở theo các tên lửa hành trình phóng từ đất liền, cho phép Trung Quốc có thể tấn công các căn cứ nước ngoài từ một khoảng cách an toàn.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra tuyên bố khẳng định cam kết "cứng rắn" của Washington đối với Đài Bắc, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh "giảm bớt áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế" lên hòn đảo. Trung Quốc "thay vào đó nên tham gia đối thoại có ý nghĩa với các đại diện được người dân bầu ra của Đài Loan", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói.

Theo trợ lý giáo sư về quan hệ quốc tế Đông Á tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) là Yongwook Ryu, động thái của Trung Quốc gửi đi "một tín hiệu rõ ràng tới chính quyền Tổng thống Biden rằng, Trung Quốc sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của mình trước Đài Loan và đó là một ranh giới đỏ mà Mỹ không nên vượt qua". "Chúng ta sẽ chứng kiến ít nhiều giằng co giữa Trung Quốc và Mỹ liên quan tới Đài Loan trong giai đoạn đầu của chính quyền Biden khi hai ông lớn tìm kiếm cách thức hợp tác và thăm dò lần nhau".

Phép thử của Trung Quốc dành cho Tổng thống Biden về "điểm nóng" Đài Loan - Ảnh 1.

Người đứng đầu Đài Loan Thái Anh Văn (ảnh: getty)

Những căng thẳng đã có từ lâu xung quanh vấn đề Đài Loan bắt đầu nóng trở lại sau khi bà Thái Anh Văn được bầu làm người đứng đầu hòn đảo vào năm 2016. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng bày tỏ quyết tâm thống nhất Đài Loan với Trung Quốc. Bắc Kinh cũng cắt đứt quan hệ với Đài Bắc, đồng thời phát động chiến dịch gây sức ép khi bà Thái Anh Văn từ chối công nhận Đài Loan thuộc về "Một Trung Quốc".

Dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump, quan hệ Mỹ - Trung liên tục xuống dốc. Cùng lúc, Washington tăng cường đáng kể quan hệ với Đài Bắc thông qua các thỏa thuận mua bán vũ khí lớn cũng như chuyến thăm của quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới Đài Loan kể từ sau khi Mỹ ngừng quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc từ năm 1979. Bắc Kinh thể hiện sự phản đối bằng cách thường xuyên tiến hành tập trận gần hòn đảo.

Hôm thứ Hai (25/1), thư ký báo chí của Tổng thống Biden, Jen Psaki cho hay, Mỹ có kế hoạch xem xét lại các chính sách của ông Trump đồng thời tư vấn các đồng minh và các nhà lập pháp tại Washington nhằm xây dựng một sự đồng thuận về chiến lược đối với Trung Quốc. "Bắc Kinh hiện đang thách thức an ninh, thịnh vượng và các giá trị của chúng ta theo các cách khác nhau khiến nảy sinh nhu cầu về một cách tiếp cận mới cho Mỹ", bà Psaki nói.

Tuyên bố của bà Psaki được coi là lời đáp trả trước bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới vừa khai mạc theo hình thức trực tuyến hôm 25/1. Trong đó, ông Tập kêu gọi các cường quốc thế giới tránh xa "tinh thần Chiến tranh Lạnh lỗi thời", đồng thời biện hộ cho quyền của Trung Quốc được tự theo đuổi con đường riêng. Trước đó, tại một buổi họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho hay, Mỹ nên "kiềm chế phát đi các tín hiệu sai trái tới Đài Loan nhằm tránh ảnh hưởng tới quan hệ Trung – Mỹ cũng như hòa bình và ổn định xuyên Eo biển Đài Loan".

Phép thử của Trung Quốc dành cho Tổng thống Biden về "điểm nóng" Đài Loan - Ảnh 2.

Trung Quốc tăng cường áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế lên Đài Loan (ảnh: getty)

Theo Bloomberg, Mỹ mong muốn duy trì trạng thái "mơ hồ" về vị thế của Đài Loan. "Mỹ muốn ngăn ngừa Trung Quốc tính toán sai lầm, vì vậy gần như chắc chắn họ sẽ tiếp tục làm rõ các lợi ích của Mỹ về hòa bình và ổn định tại Eo biển Đài Loan và các quyết tâm phản đối Trung Quốc đe dọa Đài Loan", cố vấn cấp cao về châu Á, Bonnie Glaser, từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định.

Truyền thông Trung Quốc tỏ ra không quan tâm tới phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ. Tờ Hoàn Cầu trích dẫn các hiệp định gần đây và coi đó là bằng chứng cho thấy Mỹ đang quay trở lại một chính sách Đài Loan "đại chúng" hơn. Hoàn Cầu cũng gọi các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc là một phần trong những kế hoạch huấn luyện đã có từ trước và không mang ý nghĩa tín hiệu đối với Mỹ.

Những ngày gần đây, Trung Quốc luôn là một chủ đề được nhắc tới trong các cuộc điện đàm giữa các cố vấn hàng đầu thuộc chính quyền Biden với các đồng minh. Hôm Chủ nhật (24/1), tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Nhật Bản Nobuo Kishi đã thống nhất phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi tình trạng hiện tại ở Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông.

Alexander Huang, giáo sư về quan hệ quốc tế chiến lược tại Đại học Tamkang cho rằng, Chủ tịch Tập đang cố gắng thăm dò giới hạn của Tổng thống Biden.

"Ông Tập muốn xem chính quyền Biden sẽ phản ứng như thế nào trước cách hành xử của Trung Quốc", ông Huang giải thích. "Cho dù chính quyền Biden thể hiện một lập trường cứng rắn hay mềm mỏng hoặc chưa quyết định trong vấn đề Đài Loan, Trung Quốc cũng sẽ rút ra bài học và bắt đầu một loạt các cuộc đối thoại trên nhiều lĩnh vực từ thương mại tới biến đổi khí hậu".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ