• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Phép thử" ngoại giao Mỹ - Triều trong đại dịch Covid-19 toàn cầu

Thế giới 04/05/2021 17:13

(Tổ Quốc) - Diễn biến dịch bệnh đang hạn chế lựa chọn ngoại giao Mỹ-Triều trong thời điểm này.

Chính sách ngoại giao của Mỹ với Triều Tiên

Mặc dù Triều Tiên lên tiếng phàn nàn về các chính sách ngoại giao của Tổng thống Mỹ Joe Biden với nước này đang làm gia tăng căng thẳng quan hệ hai nước nhưng các tín hiệu lại cho thấy Bình Nhưỡng không loại trừ khả năng sẽ tiến tới ngoại giao với chính quyền mới của Mỹ vào thời gian tới.

"Phép thử" ngoại giao Mỹ - Triều trong đại dịch Covid-19 toàn cầu - Ảnh 1.

Quan hệ Mỹ-Triều. Ảnh: Reuters

Một số nhà quan sát bày tỏ lạc quan về đàm phán Mỹ - Triều sẽ nối lại quan hệ hai nước vào thời gian tới. Cả hai quốc gia có thể chỉ tập trung vào các vấn đề như đại dịch và hậu quả của vấn đề này. Giới quan chức cho rằng hiện chưa có cách nào để giải quyết các khác biệt "gai góc" giữa Bình Nhưỡng và Washington. Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhận định bất chấp các rào cản, Triều Tiên dường như chưa đóng cửa hoàn toàn với chính quyền Tổng thống Joe Biden.

"Các tín hiệu cho thấy Washington và Bình Nhưỡng đều đang trong giai đoạn đầu và tỏ ra thận trọng về ngoại giao hai nước",  nghiên cứu thuộc một chương trình giám sát Triều Tiên - 38 North viết trong báo cáo ngày 4/5.

Trước đó, Triều Tiên đã đưa ra một loạt tuyên bố chính thức chỉ trích các chính sách mới của chính quyền Tổng thống Biden, trong đó nhận định các biểu hiện tương tự với kiểu Chiến tranh Lạnh mà các tổng thống tiền nhiệm của Mỹ từng áp dụng với Triều Tiên đồng thời bác bỏ giả thiết gợi  ý đàm phán ngoại giao là cách tiếp cận để Bình Nhưỡng đối phó với các chính sách cứng rắn của Mỹ với nước này.

Tuyên bố đưa ra sau khi Nhà Trắng hôm thứ Sáu tuần trước thông báo đã kết thúc quá trình xem xét các chính sách của Mỹ với Triều Tiên, trong đó khẳng định mục tiêu cuối cùng là tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên. Washington khẳng định sẽ tìm cách tiến tới đàm phán ngoại giao nhằm hóa giải các căng thẳng.

Mặc dù Triều Tiên có đề cập đến việc xem xét nhưng lại không hề nhắc đến các thông tin chi tiết đã công bố. Giới quan sát cho rằng rất có thể nước này đang cân nhắc các biện pháp ngoại giao với Washington trong thời gian tới.

Các tuyên bố của Triều Tiên không hề mang tính chất "khiêu khích", thay vào đó là sự lên tiếng cảnh báo liên quan đến "cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn" cũng như ngầm định đưa ra các điều kiện giảm thiểu căng thẳng", nghiên cứu 38 North cho biết.

"Điều đó không hề ngạc nhiên nếu cả hai sử dụng khoảng thời gian này để thăm dò và cân nhắc động thái tiếp theo giảm thiểu căng thẳng", báo cáo nêu rõ.

Trước đó, Thượng đỉnh Mỹ - Triều đã diễn ra ba lần trong nhiệm kỳ cựu Tổng thống Donald Trump với mục tiêu thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ bỏ kho vũ khí hạt nhân, tiến tới phi hạt  nhân hóa tại bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, cả ba lần đều không tạo nên bất kỳ sự đột phá nào.

Kể từ thượng đỉnh vào năm 2019, Triều Tiên từng khẳng định không hề quan tâm đến đàm phán nếu Mỹ không từ bỏ chính sách thù địch, đặc biệt các trừng phạt kinh tế mạnh mẽ đối với quốc gia này.

"Sau khi Tổng thống Joe Biden lên nắm chính quyền, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã lên tiếng Bình Nhưỡng sẽ phát triển các vũ khí hạt nhân tiên tiến hơn và từng tuyên bố cứng rắn với Mỹ", hãng CNN trích dẫn.

"Phép thử" ngoại giao trong đại dịch

Theo hãng tin, Triều Tiên tiếp tục tiến hành thử nghiệm hàng loạt tên lửa tầm ngắn và phát triển vũ khí mới. Tuy nhiên, kể từ năm 2017, Bình Nhưỡng vẫn chưa có vụ phóng tên lửa tầm xa hay thử nghiệm bom hạt nhân – đây được xem là các thách thức lớn nhất đối với chính quyền ông Biden.

"Mối lo ngại đầu tiên là Triều Tiên sẽ khiến chính quyền Tổng thống Biden không có khả năng tiếp cận phương pháp ngoại giao. Tuy nhiên, cả hai nước đang đều đang muốn tránh mâu thuẫn đỉnh điểm. Cả hai có thể gọi tên nhau nhưng chưa hề có bất kỳ phản ứng mạnh nào", Giáo sư Đại học Yonsei Hàn Quốc – ông John Delury cho biết.

Nhà nghiên cứu thuộc trung tâm 38 North – cựu phân tích về vấn đề Triều Tiên trong chính phủ Mỹ Rachel Minyoung Lee nói trên hãng Reuters rằng điều đáng chú ý là Triều Tiên không hề có tín hiệu tuyên bố chính thức về đối sách với chính quyền Tổng thống Biden trên phương tiện truyền thông trong nước.

"Bình Nhưỡng có thể đang giữ lựa chọn đưa ra chính sách với Mỹ", bà Rachel Minyoung Lee nhận định.

Trong khi đó, chính quyền ông Biden thể hiện chính sách cứng rắn về vấn đề nhân quyền, phi hạt nhân hóa và biện pháp trừng phạt đồng thời đưa ra các tuyên bố ngoại giao với Bình Nhưỡng. Triều Tiên nhiều lần đã lên tiếng từ chối đề nghị ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ.

Các quan chức Mỹ khẳng định đang tìm kiếm mục tiêu ngoại giao "thực tế" và sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên.

"Chúng tôi [Mỹ] sẽ có một chính sách rõ ràng tập trung vào ngoại giao. Theo tôi, Triều Tiên sẽ tự quyết định xem có muốn tham gia hay không dựa trên các nền tảng sẵn có", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết vào ngày 3/5.

"Mặc dù cả Mỹ và Triều Tiên đều muốn tiến tới ngoại giao nhưng diễn biến đại dịch đang đẩy tiến trình này vào giai đoạn khó khăn hơn, gần như không thể thực hiện trong tương lai gần. Tình hình dịch bệnh đang khiến Mỹ -Triều hạn chế lựa chọn ngoại giao và đặt hai nước vào tình huống phải kiềm chế hơn ở thời điểm này", ông Delury nói thêm.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ