(Tổ Quốc) - Chính sách tiêm chủng và nhu cầu ổn định hẳn tình hình dịch bệnh Covid-19 đang trì hoãn kế hoạch chuyển sang sống chung với virus tại Trung Quốc.
Theo thống kê, số ca nhiễm Covid-19 ở Thượng Hải tăng vọt thời gian gần đây, một kế hoạch đóng cửa thành phố theo hai giai đoạn đã được công bố, đầu tiên là khu vực ở phía đông sông Hoàng Phố, tiếp theo là phía tây. Tương tự như vậy, các địa điểm khác như Thâm Quyến, Thiên Tân và Cát Lâm cũng đã bị hạn chế chặt chẽ trong những tháng gần đây.
Trong khi các biện pháp hạn chế chưa được dỡ bỏ, nhiều chuyên gia đang chia rẽ về lợi ích và hệ lụy mà chiến lược "Zero Covid" của Trung Quốc mang tới không chỉ cho riêng nước này mà còn là toàn thế giới. Một số người cảnh báo về thiệt hại kinh tế nặng nề, những người khác lại cho rằng các biện pháp này là nhằm đảm bảo sự ổn định trong hoạt động công nghiệp, chưa kể đến việc cứu người.
Ngoài ra, chương trình tiêm chủng của Trung Quốc cũng có sự chia rẽ. Các nhà chức trách cho biết, gần 90% trên tổng số 1,4 tỷ người dân nước này đã được tiêm chủng. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng của những người cao niên dễ bị tổn thương nhất vẫn thấp hơn. Hiện, chưa rõ Trung Quốc dự tính ra sao về con đường tiến tới "sống chung với Covid-19".
"Nếu chúng ta dừng tất cả các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh ngay lúc này, điều đó có nghĩa là tất cả những nỗ lực trước đó chẳng có ích lợi gì", Liang Wannian, một quan chức hàng đầu của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết vào cuối tháng 3 khi trả lời câu hỏi của một phóng viên về lý do tại sao Trung Quốc không chuyển hướng sang điều trị Covid-19 như một bệnh dịch đặc hữu.
Nhưng ít nhất Trung Quốc cũng đang nghĩ đến hướng đi này, giảm diện tích khoanh vùng cụm lây nhiễm, hạ thấp tiêu chuẩn nhập viện và chính phủ cũng giới thiệu bộ dụng cụ xét nghiệm kháng nguyên nhanh để người dân tự làm.
Tuy nhiên, khi Thượng Hải vượt qua các thành phố Đông Bắc là Cát Lâm và Trường Xuân để trở thành điểm nóng về virus corona, có thể thấy cách tiếp cận khoanh vùng trọng tâm là không đủ để ngăn chặn biến thể Omicron, nước này đã chuyển sang các biện pháp quyết liệt hơn.
Vào ngày Chủ nhật, Thượng Hải đã thống kê có 9.006 ca nhiễm, chủ yếu là không có triệu chứng, hơn 2/3 tổng số ca toàn Trung Quốc. Quân đội đã được kêu gọi để giúp thực hiện xét nghiệm trên toàn thành phố.
Vì sao Trung Quốc kiên trì với Zero-Covid?
Số ca nhiễm ở nước này tương đối thấp so với quy mô dân số, nhưng có một số lí do cho việc Chính phủ Trung Quốc kiên trì với chiến lược Zero Covid-19.
Các quan chức y tế Trung Quốc đã lưu ý rằng ngay cả khi biến chủng Omicron ít gây chết người hơn chủng Delta trước đó, nhưng nó lây lan nhanh hơn nhiều. Điều này làm tăng nguy cơ hệ thống y tế có thể bị quá tải bởi khối lượng ca bệnh quá lớn.
Trung Quốc đã tìm cách cải cách và xây dựng cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe trong 10 năm qua, nhưng nước này vẫn phải đối mặt một số hạn chế. Dữ liệu mới nhất hiện có cho thấy cả nước có 3,34 y tá/1.000 dân, so với 11,8 ở Mỹ. Chi tiêu cho y tế bình quân đầu người của Trung Quốc là 459 USD vào năm 2018, trong khi chi tiêu của Mỹ là 9.054 USD vào năm 2019. Thêm vào đó, tình hình có thể căng thẳng hơn do tỷ lệ tiêm chủng ở người cao niên thấp. Tính đến ngày 17/3, mới chỉ có 51% người từ 80 tuổi trở lên tại Trung Quốc tiêm chủng đầy đủ, tương đối thấp so với tỷ lệ 98,1% của Nhật Bản tính đến cuối tháng trước.
Trung Quốc không nhắm mục tiêu cụ thể đến người cao tuổi khi triển khai chiến dịch vaccine vào đầu năm 2021. Thay vào đó, họ tập trung vào những người từ 18 đến 59 tuổi, do lo ngại về việc thiếu các nghiên cứu lâm sàng cho các nhóm tuổi khác.
Jin Dong-yan, một giáo sư tại Trường Khoa học Y sinh của Đại học Hồng Kông, gọi đây là một "vấn đề đặc biệt lớn" khi các nhóm dễ bị tổn thương không được hỗ trợ trước tiên. Ông Dong-yan nói thêm rằng, điều này đặt ra "một mối nguy hiểm tiềm ẩn rất lớn, có thể thấy rõ bài học từ Hồng Kông."
Tiêm chủng chậm trễ cho người cao tuổi được coi là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ tử vong do Covid-19 của Hồng Kông dẫn đầu thế giới trong đợt bùng phát dịch lớn tại đặc khu này.
Nguy cơ cho kinh tế toàn cầu
Hiện tại, Trung Quốc chưa đưa ra thời hạn mở cửa, kéo theo đó là nguy cơ cho một nền kinh tế đã trên đà đi xuống kể từ quý 2 năm 2021.
Theo ước tính gần đây của Đại học Hong Kong, nước này thiệt hại 295 tỷ NDT (47 tỷ USD) mỗi tháng, tương đương 3,1% GDP do các hạn chế nghiêm ngặt về đi lại. Đơn vị này cũng nhận định rằng "cái giá phải trả về mặt kinh tế của việc đóng cửa này lớn hơn hẳn ở các nước khác".
Ngay cả trước khi Thượng Hải đóng cửa, công ty tham vấn tài chính ngân hàng toàn cầu Morgan Stanley đã dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng bằng 0 trong quý đầu tiên của năm 2022. Morgan Stanley cũng dự báo Trung Quốc sẽ bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% hàng năm.
Trong khi đó, việc Trung Quốc đóng cửa biên giới cũng gây tác động bất lợi đến nền kinh tế toàn cầu, đơn vị tham vấn Natixis Asia Research cho biết. "Sự đình trệ trong trao đổi giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới, bao gồm cả trao đổi hàng hóa, giao thương, là một trong những lý do chính khiến đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc bị giảm mạnh kể từ khi đại dịch bắt đầu. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới các nền kinh tế mới nổi và có nhu cầu tài chính lớn."
Xu Tianchen, nhà kinh tế về Trung Quốc tại đơn vị nghiên cứu về kinh tế The Economist Intelligence Unit, nói với Nikkei Asia: "Zero-Covid đã giúp Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng dẫn đầu vào năm 2020 và 2021. Việc chuyển sang cách tiếp cận 'sống chung với Covid' lúc này có thể không giúp ích cho nền kinh tế, bởi vì làm như vậy sẽ có nguy cơ làm gián đoạn sản xuất công nghiệp và chuỗi cung ứng khi số ca nhiễm đồng loạt tăng mạnh"./.