• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quá tải khách du lịch đặt ra những giải pháp mới cho Nhật Bản để phát triển bền vững

Thế giới 27/07/2024 09:36

(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh nhu cầu đi lại từng bị dồn nén thời hậu Covid và đồng yên suy yếu, tình trạng du lịch quá tải đang diễn ra thường xuyên ở Nhật Bản trong thời gian gần đây.

Theo hãng CNN, các nhà hàng tại Nhật Bản đang cân nhắc việc định hai mức giá khác nhau giữa khách du lịch và người dân địa phương khi tình trạng quá tải du lịch thường xuyên diễn ra tại quốc gia này trong năm 2024.

Quá tải khách du lịch đặt ra những giải pháp mới cho Nhật Bản để phát triển bền vững - Ảnh 1.

Cửa hàng Tsukiji Uoba Little Tsukiji Jogai ở Tokyo bán mì ramen phủ tôm hùm cho khách du lịch có khả năng chi tiêu cao. Ảnh: Rinka Tonsho/CNN

Ông Shogo Yonemitsu, người điều hành Tamatebako, một nhà hàng hải sản nướng ở Shibuya - một khu mua sắm sầm uất của Tokyo, cho biết mọi người thường nói rằng mức giá khác nhau giữa khách du lịch và khách địa phương đang thể hiện sự phân biệt đối xử. Tuy nhiên, việc phục vụ khách nước ngoài khó khăn hơn nhiều và đôi khi vượt quá khả năng của chúng tôi.

Ông Shogo Yonemitsu cũng nghĩ tới phương án không tính thêm phí cho khách du lịch. Thay vào đó, đưa ra mức giảm giá 1.000 yên (6,5 USD) cho người dân địa phương.

"Chúng tôi cần hệ thống phân định giá giữa hai nhóm đối tượng khách hàng là khách du lịch và người dân địa phương để đảm bảo cửa hàng duy trì hoạt động. Nhật Bản vừa mở cửa trở lại hoàn toàn vào mùa thu năm 2022 sau khi dỡ bỏ các hạn chế đi lại do đại dịch Covid-19", ông Shogo Yonemitsu nói thêm.

Năm 2024, khi đồng yên suy yếu xuống mức thấp nhất so với đồng đô la trong nhiều thập kỷ, khách du lịch quốc tế đã quay trở lại Nhật Bản với số lượng lớn.

Theo dữ liệu của chính phủ, số lượng du khách đến Nhật Bản đạt kỷ lục 17,78 triệu trong nửa đầu năm 2024 và đang trên đà phá vỡ kỷ lục năm 2019.

Trước diễn biến hiện tại, nhiều khu vực ở Nhật Bản đã bắt đầu đưa ra các giải pháp như áp dụng thuế du lịch, hạn chế số lượng du khách và thậm chí cấm bán rượu để giảm thiểu tình trạng đám đông.

Đầu năm 2024, một thị trấn nghỉ dưỡng ở chân núi Phú Sĩ đã lắp đặt hàng rào lưới lớn tại địa điểm ngắm núi Phú Sĩ nổi tiếng nhằm ngăn chặn việc du khách tới đây chụp ảnh.

Cơ quan quản lý du lịch ở Hokkaido - hòn đảo chính nằm ở cực bắc Nhật Bản trong tháng này cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp phân định mức giá thấp hơn cho người dân địa phương khi số lượng khách du lịch đến đây ngày càng đông.

Trong khi đó, một thị trưởng ở miền tây Nhật Bản nói rằng ông đang xem xét tính phí vào cửa đối với khách du lịch nước ngoài, dự tính sẽ tăng gấp 6 lần so với phí vào cửa của người dân địa phương tại điểm tham quan Lâu đài Himeji - công trình kiến trúc vĩ đại của Nhật Bản thuộc thành phố Himeji, tỉnh Hyogo.

Quy định hai mức giá

Bà Elisa Chan, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu khách sạn của Đại học Trung văn Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết việc định giá hai mức có thể là cách hiệu quả để chống lại tình trạng quá tải du lịch.

"Chủ sở hữu muốn đảm bảo rằng nhu cầu du lịch tăng đột ngột không làm mất đi tất cả những khách hàng địa phương trung thành và thường xuyên của họ. Vì vậy, tính phí nhiều hơn cho khách du lịch có thể được coi là một giải pháp cho vấn đề này", bà Elisa Chan nói.

Ông Yonemitsu nói rằng lượng khách du lịch đổ về cửa hàng ông không chỉ đơn giản là vấn đề kê thêm bàn.

Quán nướng hải sản của ông thậm chí phải thuê thêm nhân viên nói tiếng Anh để nhận đơn đặt hàng, xử lý việc đặt chỗ và giải thích cho khách du lịch đủ mọi thứ, từ cách phân biệt giữa sashimi và các món nướng cho đến nơi để hành lý.

"Không làm được như vậy sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn. Một số người nói rằng không nên làm điều này. Nhưng hãy nghĩ xem kỹ năng tiếng Anh của người Nhật chưa được tốt. Chúng tôi chưa đạt đến trình độ có thể tự gọi mình là cường quốc du lịch. Chúng tôi có thể nói tiếng Anh, nhưng chưa trôi chảy. Điều đó thực sự rất căng thẳng", ông nói.

Dù việc áp dụng hai mức giá đã khá phổ biến ở các nơi khác trên thế giới nhưng hình thức này vẫn được xem là một hiện tượng mới ở Nhật Bản.

Tại Nhật Bản, mọi doanh nghiệp đều có quyền tự quyết định xem họ có muốn áp dụng chính sách định giá hai cấp hay không. Và các chủ doanh nghiệp Nhật Bản hiện vẫn đang tiếp tục nỗ lực sáng tạo.

Chẳng hạn như, bà Shuji Miyake, người điều hành một quán rượu bình dân ở quận Tsukiji (Tokyo), bán mì ramen phủ tôm hùm với giá 5.500 yên (35 USD)- mức giá này cao gấp 4 lần so với mức mà khách địa phương chi trả. Bà cho biết món ăn cao cấp này sẽ dành cho khách du lịch sẵn sàng chi tiền để thử những món mới.

Về vấn đề giá cả, du khách người Úc Phoebe Lee cho biết bà đã chi tiêu ít hơn trong chuyến đi hai tuần tới Nhật Bản gần đây so với những chuyến đi trước và bà không ngại trả thêm một chút để hỗ trợ cuộc sống của người dân địa phương.

"Điều này giúp hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương để họ tiếp tục mang đến cho chúng tôi - những du khách may mắn - cơ hội trải nghiệm tuyệt vời và bảo tồn một phần quan trọng của văn hóa Nhật Bản, với những nhà hàng nhỏ lẻ hoặc những ryokan (nhà trọ truyền thống) đích thực", bà nói thêm./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ