(Tổ Quốc) - Lực lượng tuần duyên của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE đã có các cuộc đàm phán hiếm hoi với các quan chức an ninh Iran khi Mỹ đang tăng cường sự hiện diện quân sự của họ tại khu vực này.
Chỉ huy lực lượng bảo vệ bờ biển UAE, Tướng Mohammed Ali Musleh al-Ahbabi đã có cuộc hội đàm tại Tehran hôm thứ ba với Tướng Qasem Rezaee, chỉ huy cảnh sát biên giới Iran. Sự kiện này nằm trong vòng đàm phán thứ sáu về hợp tác qua eo biển Hormuz – nơi hơn một phần ba lượng dầu trên biển của thế giới đi qua. Đây cũng là một điểm nóng quốc tế liên quan đến cả lợi ích thương mại và quân sự.
Tín hiệu bất ngờ và hiếm hoi
Mặc dù Abu Dhabi đã đi theo Riyadh trong việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran năm 2016, ông Rezaee lưu ý rằng, "Cộng hòa Hồi giáo Iran có mối quan hệ lâu dài và lịch sử với UAE ở nhiều cấp độ và các vấn đề khác nhau và mối quan hệ này vẫn được duy trì giữa các nhà đầu tư, ngư dân và doanh nhân", theo trang tin chính thức của cảnh sát Iran. Ông Rezaee đề nghị tăng cường liên lạc xuyên biên giới để chống buôn lậu và "hỗ trợ cho các doanh nhân, ngư dân, bệnh nhân và khách du lịch tận dụng được các mối quan hệ tốt đẹp này giữa người dân hai nước."
Tướng lĩnh UAE và Iran đã có cuộc gặp hiếm hoi. Nguồn: Islamic Republic of Iran Law Enforcement Force.
Ahbabi đã nhất trí, theo trang tin trên. Ông Ahbabi được trích dẫn khi nói rằng "sự can thiệp của một số chính phủ vào tuyến đầu điều hướng hàng hải đang gây ra vấn đề ở một khu vực có quan hệ tốt", và nói thêm "chúng ta cần thiết lập an ninh ở Vịnh Ba Tư và Vịnh Oman".
Cuộc gặp hiếm hoi này, lần đầu tiên kể từ vòng hội đàm thứ 5 năm 2013, đã diễn ra sau chuyến thăm tới Tehran của Bộ trưởng Ngoại giao Oman Yusuf bin Alawi bin Abdullah hôm thứ Hai và Thủ tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi tuần trước để thảo luận về an ninh khu vực. Mối quan hệ sóng gió lâu dài giữa Washington và Tehran trước đây đã dẫn đến đổ máu ở khu vực Vịnh Ba Tư, nhưng những căng thẳng mới nhất bắt nguồn từ quyết định của Tổng thống Donald Trump từ bỏ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran (JCPOA).
Trong khi các bên khác kí kết JCPOA như Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Pháp, Đức, Nga và Vương quốc Anh tiếp tục ủng hộ, thì Israel, Saudi Arabia và UAE nằm trong số ít các quốc gia cảm thấy bị đe dọa bởi hiệp định này, lo ngại thỏa thuận không đi đủ xa để hạn chế khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân của Iran. Ông Trump đã chia sẻ sự hoài nghi này và rút khỏi JCPOA vào tháng 5 năm 2018, sau đó áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Iran.
Một năm sau, tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng khi Mỹ bắt đầu triển khai thêm khí tài quân sự vào Trung Đông để đối phó với các mối đe dọa được cho là đến từ Iran. Còn Iran tuyên bố rằng việc châu Âu thất bại trong việc hỗ trợ họ chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ buộc Teheran khởi động tiến trình làm giàu uranium vượt mức JCPOA quy định. Các cuộc tấn công vào giữa tháng 5 và tháng 6 nhắm vào các tàu chở dầu từ nhiều khác nhau, bao gồm Ả Rập Saudi và UAE, là những sự cố mà Hoa Kỳ đổ lỗi cho Iran.
Tuy nhiên, UAE đã tiến hành một cuộc điều tra riêng và Bộ trưởng Ngoại giao Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan nói vào cuối tháng trước rằng "chúng tôi không thể đổ lỗi cho bất kỳ quốc gia nào" trong cuộc tấn công đầu tiên chống lại bốn tàu chở dầu khi "chúng tôi không có bằng chứng". Ông cảnh báo không nên đưa ra bất kỳ kết luận sơ bộ nào khi Anh và Saudi gia nhập cùng với Mỹ buộc Iran chịu trách nhiệm.
Hormuz liên tục nóng
Tuyên bố từ nhà ngoại giao hàng đầu UAE được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi một máy bay không người lái tình báo của Hải quân Mỹ bị Iran bắn hạ. Họ tuyên bố thiết bị này đã xâm nhập vào lãnh thổ Iran – điều Lầu Năm Góc phản đối - và Tehran đã đưa ra khiếu nại chính thức với Abu Dhabi.
Ngoài việc ủng hộ Saudi trong việc tẩy chay Iran và Qatar, UAE còn là nhân vật chủ chốt trong cuộc chiến do Saudi lãnh đạo, chống lại nhóm Hồi giáo Zaidi Shiite Houthis ở Yemen. Tuy nhiên, trong một bài bình luận viết cho tờ Washington Post, nhà ngoại giao UAE Anwar Gargash đã xác nhận các bản tin trước đó rằng nước này đang rút lại sự hiện diện của mình ở Yemen.
Các quan chức Houthi đã nhiều lần đe dọa tấn công UAE bằng chính máy bay không người lái và tên lửa mà họ đã sử dụng chống lại Saudi. Bản thân Saudi cũng đang dự kiến đón tới 500 lính Mỹ - động thái triển khai đầu tiên như vậy trong 16 năm. Động thái này nằm trong khuôn khổ tăng cường sự hiện diện khu vực của Lầu Năm Góc, cùng với một nhóm tấn công tàu sân bay và lực lượng đặc nhiệm ném bom. Các lực lượng Mỹ và Saudi cũng đã hoàn tất cuộc tập trận "Earnest Leader 2019" kéo dài hai tuần vào thứ Sáu tuần trước.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã gặp khó khăn để nhận được sự hỗ trợ tương tự từ các đồng minh xuyên Đại Tây Dương khi Iran bắt giữ một tàu treo cờ Anh vài tuần sau khi Anh bắt giữ một tàu Iran. Cả hai nước đã cáo buộc bên kia vi phạm luật pháp và từ chối trao đổi. Nhưng ngay cả khi Mỹ kêu gọi một "sáng kiến an ninh hàng hải" quốc tế ở Vịnh Ba Tư, dự án này đã gặp phải sự hoài nghi ở châu Âu, vốn thường xuyên chỉ trích cách tiếp cận "áp lực tối đa" của ông Trump đối với Iran.
Trong khi đó, Iran đã thúc đẩy mối quan hệ quân sự với Nga, với một bản ghi nhớ mới và kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung ở phía bắc Ấn Độ Dương và Vịnh Oman. Nga đã kêu gọi đối thoại an ninh khu vực với Saudi, UAE, Iran và các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư khác - đề xuất cũng được Trung Quốc ủng hộ.