• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vượt gió ngược, đồn đoán Mỹ bất ngờ "đảo chiều" đòn giáng Iran?

Thế giới 31/07/2019 10:40

(Tổ Quốc) - Sau khi xây dựng chiến dịch gây sức ép tối đa đối với Iran, chính quyền Trump đã sẵn sàng khiến những người muốn Washington cứng rắn với Tehran phải thất vọng.

Theo tờ Politico, Ngoại trưởng Mike Pompeo dự kiến sẽ cấp lại miễn trừ trong tuần này cho phép tiếp tục các nỗ lực quốc tế hoạt động trong các dự án hạt nhân nội tại Iran, theo hai nguồn thạo tin.

Một số nhà lập pháp Mỹ vẫn luôn thúc ép chính quyền loại bỏ các miễn trừ đó - kể từ khi Iran tuyên bố hồi đầu tháng này rằng họ đã vượt giới hạn làm giàu uranium theo thỏa thuận hạt nhân 2015 JCPOA.

Việc chấm dứt miễn trừ sẽ làm tăng sức ép lên Tehran, vốn đang chịu nhiều thiệt hại từ các lệnh trừng phạt kinh tế do chính quyền Mỹ áp đặt. Những người ủng hộ cho rằng một động thái như vậy sẽ cho thấy cam kết của Tổng thống đối với chính sách sức ép tối đa.

Tuy nhiên, trường hợp đó cũng sẽ gây thêm căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Iran - cũng như với các quốc gia châu Âu - và gia tăng khả năng xảy ra đối đầu quân sự giữa hai nước.

Nhà Trắng "lấp lửng" về Iran

Động thái gia hạn miễn trừ có thể được đưa ra trước hạn chót vào thứ Năm sau khi đã có một cuộc tranh luận gay gắt giữa các quan chức chính quyền cấp cao và các nhà lập pháp ủng hộ phần lớn chính sách đối ngoại của chính quyền, với Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và các đồng minh của ông trên Đồi Capitol cùng với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin - người dẫn đầu đề xuất việc tiếp tục cấp quyền miễn trừ.

Bản thân Tổng thống còn để ngỏ lập trường về vấn đề này. Trong một cuộc họp ở Phòng Bầu dục trong những tuần gần đây, ông Trump đã chỉ thị cho các quan chức chính quyền cấp cao chấm dứt miễn trừ, theo một quan chức Hoa Kỳ biết rõ về cuộc thảo luận. Trong một cuộc họp tiếp theo, ông Trump lại ủng hộ ông Mnuchin.

Iran Hassan Rouhani

Mỹ luôn nhấn mạnh sự lo ngại đối với chương trình hạt nhân và tên lửa của Iran.

Bản thân những tranh luận trên đã phản ánh các tín hiệu hỗn loạn của chính quyền Mỹ về chính sách đối với Iran, vốn thường bị thay đổi giữa các biện pháp cứng rắn và con đường ngoại giao. Trong những tuần gần đây, chẳng hạn, Tổng thống đã cho phép đồng minh của mình, Thượng nghị sĩ Rand Paul, gặp gỡ Ngoại trưởng Iran Javad Zarif, và Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng ông sẽ sẵn sàng tới Tehran. Trong khi đó, ông Trump đã gửi một thông điệp khác hẳn vậy vào thứ Hai trên Twitter, "Hãy nhớ rằng, người Iran không bao giờ thắng được trong một cuộc chiến, mà họ cũng không để thua cuộc đàm phán!"

Về phần mình, ông Pompeo dường như đặt niềm tin vào lệnh trừng phạt dầu sẽ tạo ra thay đổi. Ông chia sẻ với người dẫn chương trình phát thanh Ben Shapiro tuần trước rằng, chính quyền hy vọng rằng việc giảm doanh thu từ dầu sẽ khiến Iran quay trở lại bàn đàm phán.

"Hy vọng của chúng tôi là Iran sẽ thấy rằng cái giá phải trả quá cao, người dân Iran sẽ nói với lãnh đạo của họ rằng họ phải thay đổi hành vi, và giới lãnh đạo Iran sẽ thấy rằng rủi ro đối với những gì họ quan tâm nhất, đó là việc duy trì quyền lực, là có thật, và họ sẽ đến bàn đàm phán", ông Pompeo nói.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ không có gì để công bố tại thời điểm này.

Quốc hội thúc giục đòn mạnh

Behnam ben Taleblu, một thành viên cao cấp của Tổ chức tham vấn Quốc phòng Dân chủ cho biết, việc thu hồi miễn trừ hợp tác hạt nhân dân sự là một biện pháp quan trọng cả về mặt chính sách hạt nhân của chính quyền và cả về chiến dịch gây áp lực tối đa chống lại Iran. Không có ý nghĩa gì khi thưởng cho Iran những miễn trừ này khi họ đang tiến hành các hoạt động vi phạm rõ ràng JCPOA.

Miễn trừ hạt nhân là một trong những dấu tích cuối cùng còn lại của JCPOA, theo đó, khuyến khích hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy chương trình hạt nhân dân sự Iran. Họ đã cho phép một số quốc gia làm việc trong các dự án tại các cơ sở hạt nhân trên khắp Iran.

Trong khi những bên tham gia JCPOA lập luận rằng các dự án hạt nhân quốc tế mà họ đang hỗ trợ cho phép họ nhìn rõ hơn các hoạt động hạt nhân của Iran, thì các nhà phê bình cho rằng điều khoản này đã hợp pháp hóa một số hoạt động bất hợp pháp của Iran.

Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng 5 cho biết họ cấp gia hạn miễn trừ trong 90 ngày, thay vì 180 ngày như trước đây. Trong tuyên bố lúc đó, cơ quan này nói rằng, các dự án mà họ tạo điều kiện "đã hạn chế các hoạt động hạt nhân của Iran" và "giúp duy trì tình trạng hạt nhân Iran."

Đầu tháng này, bộ ba thượng nghị sĩ Cộng hòa cứng rắn, Marco Rubio của Florida, Tom Cotton ở Arkansas và Ted Cruz của Texas, đã viết một lá thư kêu gọi Tổng thống Trump hủy quyền miễn trừ này sau khi Iran thông báo họ vượt ngưỡng làm giàu uranium được JCPOA thiết lập.

"Hiện tại, người Iran đang thay đổi hiện trạng hạt nhân và cố gắng tạo ra một sự vi phạm thông thường mới ở mức độ thấp– điều dần dần sẽ cho phép họ tiến đến vũ khí hạt nhân. Chúng tôi đề nghị ông chấm dứt những miễn trừ này", họ đã viết.

Một nhóm gồm 50 thành viên Hạ viện do nghị sĩ Cộng hòa Liz Cheney từ Wyoming dẫn đầu cũng đã lặp lại lập trường của ba thượng nghị sĩ trên trong một lá thư riêng.

Tuy nhiên, ngay cả một số người theo phe cứng rắn cũng phải thừa nhận rằng, làm như vậy có nguy cơ thực sự leo thang quân sự. Chính quyền Mỹ lo ngại nếu họ hủy bỏ miễn trừ thì sẽ kéo theo nguy cơ leo thang đối đầu quân sự, ông Michael Doran, người đã viết một bài bình luận vào tháng 6 xoay quanh lệnh miễn trừ này.

Quý Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ