• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quảng trường Ba Đình: Chứng tích lịch sử của mùa thu tháng Tám

Thời sự 27/08/2021 14:04

(Tổ Quốc) - Trong không khí những ngày mùa thu lịch sử này không thể không nhớ về Quảng trường Ba Đình, Hà Nội - nơi 76 năm về trước đã chứng kiến giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc - ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Mùa thu Tháng tám cách đây tròn 76 năm, dưới ngọn cờ của Đảng, theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, toàn dân tộc ta từ Bắc chí Nam triệu người như một đã nhất tề đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Ngày 19/8/1945, hàng chục vạn người dân Hà Nội sau khi tham dự mít tinh ở Quảng trường Nhà hát Lớn thành phố đã rầm rập tỏa đi các ngả, chiếm các cơ quan, công sở của chính quyền bù nhìn thân Nhật, giành trọn vẹn chính quyền về tay nhân dân.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám đã thành công trong cả nước, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử đã mở ra một trang mới cho lịch sử đất nước giữa rừng cờ đỏ sao vàng cũng như lớp lớp người dân Việt Nam vừa mới thoát khỏi ách nô lệ. Đội hình dự mít tinh ngày Lễ Độc lập gồm đủ các thành phần, tầng lớp trong xã hội: thanh niên cứu quốc mặc áo sơ mi cộc quần ngắn, phụ nữ cứu quốc thướt tha trong tà áo dài, công nhân cứu quốc với đồng phục quần xanh áo trắng, dân quân ngoại thành thì áo nâu thắt lưng chẽn, phụ nữ nông thôn mặc áo tứ thân đầu vấn tóc, các cháu thiếu nhi nhảy múa theo nhịp trống, các cụ phụ lão…

Trước mặt quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời long trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở đông Nam Châu Á.

Quảng trường Ba Đình: Chứng tích lịch sử của mùa thu tháng Tám - Ảnh 1.

Quảng trường Ba Đình hiện nay. Ảnh: Nam Nguyễn

Theo các tài liệu, quảng trường Ba Đình trước đó là một khu đất còn trống vắng và hoang sơ của Hà Nội cũ dưới thời Pháp thuộc. Quảng trường Ba Đình trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn gọi là Quảng trường Tròn (Rond Point Puginier) hay còn gọi là Quảng trường Puginier - tên một cha cố người Pháp. Đó là một khu đất gồm những bãi đất hoang và hồ ao mới lấp bằng, rộng hàng chục héc-ta cạnh Phủ Toàn quyền Pháp.

Khu vực Quảng trường Tròn này trong một thời gian dài hầu như không có gì thay đổi, mặc dù đã hai lần có hai kiến trúc sư người Pháp là Hebrat và Cerruti đưa ra kế hoạch tổng thể để cải tạo và quy hoạch lại Quảng trường Tròn. Vào năm 1922 và năm 1938, Phủ Toàn quyền Pháp cũng đã có ý định quy hoạch lại Quảng trường Tròn nhưng thực tế không có nhiều thay đổi.

Vào năm 1930, người Pháp cũng đã cho xây dựng một công trình ở mé Quảng trường Tròn (đầu đường Cột Cờ ngày nay), đó là Nha Tài chính và Trước bạ. Ngôi nhà xây khá đẹp, được thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp Cerruti và do Hãng Aviat thầu và thi công. Người Pháp cũng đã dự kiến làm một công viên lớn thuộc khu đất của Quảng trường Tròn và đường Hoàng Diệu.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Thủ đô Hà Nội tiến hành xóa bỏ những vết tích cũ thời Pháp thuộc. Vì thế, các tên phố phường và vườn hoa, công viên cũng có nhiều sự thay đổi. Quảng trường Tròn này không còn mang tên Cố đạo Puginier nữa mà được gọi là Vườn hoa Ba Đình.

Với tên gọi Vườn hoa Ba Đình hay Quảng trường Ba Đình theo các tư liệu giải thích là để tưởng nhớ cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nhân dân Thanh Hóa cuối thế kỷ XIX do Đinh Công Tráng lãnh đạo.

Theo yêu cầu của Chính phủ lâm thời hồi đó, Ban tổ chức buổi lễ Tuyên bố độc lập đi tìm một địa điểm rộng đủ cho một cuộc mít tinh lớn có thể tập trung được mấy chục vạn người. Ban đầu, những người trong Ban Tổ chức định chọn khu Quần Ngựa hoặc Đông Dương học xá, song các điểm này quá xa trung tâm thành phố. Nhưng địa điểm trung tâm là Quảng trường Nhà hát Lớn thì lại quá chật chội. Cuối cùng, Ban tổ chức đã quyết định chọn Quảng trường Ba Đình.

Buổi lễ trọng đại ngày 2/9/1945, giữa Quảng trường Ba Đình, Ban tổ chức đặt một bục gỗ cao, chung quanh quấn vải, dán khẩu hiệu, trên bục có một cột cờ. Công tác bảo vệ Lễ đài Độc lập ngày 2/9/1945 được chia làm ba vòng bảo vệ do ba lực lượng đảm nhiệm, gồm: các đơn vị Giải phóng quân từ chiến khu về Hà Nội trực tiếp bảo vệ Lễ đài ở vòng trong. Sở Liêm phóng Bắc Bộ (tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân) ở vòng hai, dưới chân Lễ đài, trực tiếp bảo vệ các thành viên Chính phủ Lâm thời. Đội Tự vệ chiến đấu Cứu quốc thành Hoàng Diệu được giao nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài cùng. Ngoài ra, còn các lực lượng quần chúng như: Thanh niên cứu quốc, Công nhân cứu quốc… tuy dự mít tinh nhưng có ý thức cùng bảo vệ Chính phủ Lâm thời.

Từ ngày đó, Quảng trường Ba Đình đã trở thành chứng nhân của mùa thu tháng Tám lịch sử. Tới thời kỳ Pháp tạm chiếm Hà Nội (1947-1954), Phủ Toàn quyền Pháp đã đổi tên Vườn hoa Ba Đình thành Vườn Hoa Hồng Bàng. Năm 1954, khi bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô, Dinh Toàn quyền cũ cạnh Quảng trường Ba Đình trở thành Phủ Chủ tịch. Quảng trường Ba Đình là nơi thường xuyên có những cuộc mít tinh lớn trong các ngày kỷ niệm lịch sử hoặc để tiếp đón và chào mừng các phái đoàn quốc tế đến thăm Việt Nam. Vài năm sau, phía bên kia của Quảng trường, Chính phủ ta đã cho xây dựng Hội trường Quốc hội (nay là Hội trường Ba Đình) và cạnh đó sau này là Đài tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước.

Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Quảng trường Ba Đình cũng là nơi chứng kiến Lễ Truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam. Sau đó không lâu, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định chọn Quảng trường Ba Đình làm nơi yên nghỉ vĩnh viễn của Người và quyết định xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giờ đây, Quảng trường Ba Đình đã trở thành một "địa chỉ đỏ" cho bất cứ người dân hay khách du lịch nào khi tới Hà Nội. Vào dịp Lễ Quốc khánh 2/9 hàng năm, trước đây khi đại dịch Covid-19 chưa xuất hiện, người dân Thủ đô thường tới thăm khu di tích Nhà sàn, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Lăng Bác và cùng đứng dưới cột cờ đặt tay lên trán, lên trái tim cùng thực hiện nghi lễ chào cờ thiêng liêng của dân tộc./.

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ