• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Quay ngoắt” rắn với Nga, ông Trump đang đùa với lửa?

Thế giới 12/04/2018 20:24

(Tổ Quốc) - Giới chuyên gia về Nga nhận định, những lời đe dọa trên Twitter của Tổng thống Mỹ là một cách sai lầm để đối phó với ông Putin.

Theo tờ Financial Times, tuần vừa qua chứng kiến sự thay đổi bất ngờ trong thái độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Người đứng đầu nước Mỹ đã không ngừng gia tăng áp lực lên chính quyền Moscow. Sau 15 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ chấp nhận đối mặt với những chỉ trích về một chính sách có phần quá mềm mỏng trước Nga, ông Trump đã thể hiện một lập trường cứng rắn hơn rõ rệt - bắt đầu từ sau vụ cựu điệp viên Nga Sergey Skripal bị đầu độc tại Anh, và sau đó là cáo buộc chính quyền Damascus sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.

Tuần trước, Nhà Trắng vừa công bố lệnh trừng phạt mới, được cho là “mạnh tay” nhất từ trước tới nay với Nga. Còn trong tuần này, người đứng đầu nước Mỹ lại quay sang sử dụng Twitter để “tấn công” người đồng cấp Nga, Vladimir Putin, vì đã ủng hộ cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ông Trump cũng tung cảnh báo tới các lực lượng quân sự của Nga tại Syria rằng, tên lửa “mới, hiện đại và thông minh” của Mỹ “đang tới”.

Thái độ trong những ngày gần đây của ông Trump có thể “ghi điểm” tại quê nhà. Tuy nhiên, không vì thế những câu hỏi về mối quan hệ của ông với Moscow trong chiến dịch tranh cử Tổng thống 2016 – hoàn toàn bị dập tắt. Một số chuyên gia về Nga nhận định, ngài Tổng thống đang đùa với lửa, khi đưa ra khả năng một cuộc đụng độ quân sự giữa hai quốc gia.

Daniel Fried, một cựu Đại sứ từng tham gia quá trình hoạch định chính sách trừng phạt của chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama phân tích, những câu tweet của ông Trump đã đưa nước Mỹ “vào cùng một không gian khoa trương và hoa mỹ của ông Putin” và điều đó có thể khiến nước Mỹ bị tổn thương.

Còn Andrew Weiss, một học giả tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế đánh giá, nhìn từ lăng kính đối ngoại, ngôn ngữ của ông Trump là nguy hiểm. “Những bình luận về Nga như ‘Hãy cẩn thận, tên lửa của tôi đang tới’, hoàn toàn là một cách sai lầm để nói về việc sử dụng vũ lực, cũng đặc biệt sai lầm khi nói với một chính phủ hiện đang có sự hiện diện quy mô lớn tại Syria,” ông Weiss khẳng định.

Mỹ được cho là sẽ cố gắng tránh một cuộc xung đột trực tiếp với Nga tại Syria – rất giống với cách mà họ đã thông báo Nga, trước khi tiến hành không kích giới hạn tại Syria vào năm ngoái. Tuy nhiên, Nga và Mỹ từng đụng độ một lần tại Syria trong năm 2018. Một nhóm ủng hộ Tổng thống Assad, bao gồm cả các lính đánh thuê người Nga, đã nổ súng vào một căn cứ của Mỹ gần Deir al-Zour, khiến Mỹ nổ súng đáp trả.

Jame Jeffrey, một cựu Đại sứ tại Trung Đông, từng đảm nhận vai trò Phó Cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống George Bush cho rằng, lời lẽ của ông Trump trên Twitter làm nảy sinh nguy cơ “dồn ông Putin và góc tường”. Nếu bất kỳ một người Nga nào bị thương, cho dù là do tình cờ, Moscow có thể cũng sẽ đáp trả. “Nếu không cẩn thận, anh sẽ khiến người Nga tham gia,” ông Jeffrey cảnh báo.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga tại Syria sẽ chặn đứng các cuộc không kích của Mỹ?

Theo Dimitri Simes, Chủ tịch của Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia tại Washington, Tổng thống Putin gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với áp lực gia tăng, yêu cầu ông phải đáp trả mạnh mẽ trước Mỹ. Ông Simes giải thích, quan hệ Mỹ - Nga đang ở trong giai đoạn tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 hoặc cuộc khủng hoảng Berlin năm 1961.

“Chúng ta đang phải đối mặt với một tình huống rất nghiêm trọng,” ông nói. “Tôi chắc chắn, không bên nào muốn một cuộc đối đầu hạt nhân lớn, nhưng lịch sử đã cho thấy, một khi anh bắt đầu cuộc chiến, rất khó để có thể kiểm soát sự leo thang”.

Trong lúc này, tại Moscow, những hy vọng về cải thiện quan hệ với Washington, đang ngày trở nên xa vời, ngay từ trước những căng thẳng gần đây. Hồi tháng Ba, trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang 2018, Tổng thống Putin từng dành lượng thời gian đáng kể, để “khoe” những vũ khí hạt nhân tân tiến mới, mà theo ông, có thể khiến nước Nga trở nên vô địch.

Tuy nhiên, Financial Times cũng nhận xét, trong những ngày gần đây, có vẻ như người đứng đầu Điện Kremlin lại đang thể hiện một thái độ ít nhiều kiềm chế, bất chấp những những lời cảnh báo từ giới lãnh đạo quân sự và ngoại giao Nga.

“Tình thế toàn cầu… đang trở nên ngày càng hỗn loạn,” ông Putin phát biểu trước các nhà ngoại giao nước ngoài hôm thứ Tư (11/4). “Mặc dù vậy, chúng ta vẫn hy vọng rằng, lương tri chung rốt cuộc sẽ chiếm ưu thế, và quan hệ quốc tế sẽ trở về quỹ đạo tích cực, và toàn bộ hệ thống quốc tế trở nên ổn định và dễ đoán trước hơn”.

Cho đến thời điểm này, các quan chức của Moscow và Washington cho biết, ông Trump vẫn chưa có ý định rút lại lời mời người đồng cấp Putin đến thăm Nhà Trắng. Một số nguồn tin nội bộ chính quyền Mỹ tiết lộ, ông Trump vẫn tin rằng, mình có thể hợp tác với Nga, thông qua việc đẩy mạnh mối quan hệ cá nhân gần gũi với ông Putin. Theo một vài người khác, chiến lược hiện tại của Mỹ là khiến Nga nhận ra cái giá phải trả nếu chống đối Mỹ và các đồng minh phương Tây.

Bryan O’Toole, một cựu quan chức cấp cao của Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ kết luận, chính quyền Washington đang trong quá trình “nghĩ lại” trước nước Nga, và quá trình này bao gồm “những ràng buộc và đáp trả có chọn lọc”.

“Điều tôi đang hy vọng là, chính quyền và Quốc hội có thể khiến ngài Tổng thống giữ được những nhận định cơ bản về nước Nga, cho đến khi Putin khiến ông ấy thực sự tức giận”, ông O’Toole nói. “Và dường như điều đó đã xảy ra mất rồi”.

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ