• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quốc hội và chính quyền Mỹ đồng thuận cao kiềm chế Trung Quốc

Thế giới 08/01/2019 06:43

(Tổ Quốc)- Các cọ xát chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc là nét nổi bật nhất của chính trị quốc tế năm 2018-2019.

Cọ xát Mỹ-Trung là sự va chạm giữa ngộ nhận chiến lược và phản tỉnh chiến lược, giữa chủ nghĩa tư bản tự do và chủ nghĩa tư bản nhà nước, là va chạm giữa các nền văn minh.

Một trong những dấu hiệu đáng chú ý của hiện tượng nói trên là việc ngày 31/12/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á (ARIA), được thông qua bởi 100% thành viên Thượng nghị viện và với một đa số áp đảo tại Hạ nghị viện Mỹ. Điều đó nói lên có sự thống nhất cao giữa hai đảng chính trị Mỹ, giữa ngành lập pháp và hành pháp của nước Mỹ đối với chủ trương duy trì sự lãnh đạo của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và kiềm chế Trung Quốc.

Tổng thống Trump ký ARIA trong ngày cuối cùng của năm 2018 có thể nhằm lấy lòng Quốc hội Mỹ khóa 115 ngay trước thềm nhiệm kỳ mới của ngành lập pháp, khi ông sẽ phải ứng phó với một Thượng nghị viện do Cộng hòa kiểm soát và một Hạ nghị viện do Dân chủ kiểm soát. Cơ chế này sẽ duy trì áp lực lên chính quyền Trump trong triển khai ARIA cũng như các vấn đề đối ngoại then chốt khác.

Quốc hội và chính quyền Mỹ đồng thuận cao kiềm chế Trung Quốc - Ảnh 1.

Tổng thống Trump ký thông qua Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á tại Nhà Trắng ngày 31/12/2018. Ảnh: AP.

Đạo luật cho thấy khu vực Ấn-Thái nằm trong trọng tâm chiến lược của Mỹ, khi trước thềm của năm mới 2019, ông Trump đã vượt lên trên những bất đồng của các đảng chính trị Mỹ, cũng như của các cộng sự thân cận nhất trong chính quyền, để đưa ra quyết định rút một nửa số quân Mỹ tại Afghanistan và toàn bộ lực lượng tại Syria, dọn đường cho việc giải quyết những vấn đề cấp bách trong nửa nhiệm kỳ còn lại, với tầm nhìn tới cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

ARIA nhằm củng cố vị thế lãnh đạo của Mỹ ở Ấn-Thái

Nó nhấn mạnh cần tập tập trung nguồn lực chống sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc phương hại hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ, vấn đề vi phạm bản quyền và an ninh mạng, nhưng cũng để ngỏ khả năng hợp tác với Trung Quốc.

Đạo luật cam kết chi 1,5 tỷ USD từ năm 2019-2023 cho các hương trình hỗ trợ đồng minh, xác định Ấn Độ là "đối tác quốc phòng chính"; tái khẳng định cơ sở pháp lý quan hệ với Đài Loan; kiến nghị chính quyền đàm phán một khuôn khổ can dự kinh tế toàn diện với ASEAN, chú trọng hợp tác nâng cao năng lực giám sát biển, không để Trung Quốc thao túng đàm phán COC ở Biển Đông.

Liên quan Việt Nam, Đạo luật cam kết tiếp tục triển khai Sáng kiến hạ nguồn sông Mekong về môi trường, giáo dục, y tế, hạ tầng; tái khẳng định tất cả các văn kiện hợp tác quan trọng song phương Mỹ-Việt như tuyên bố về Đối tác Toàn diện năm 2013, Tuyên bố về tầm nhìn chung về Quan hệ Quốc phòng 2015, Tuyên bố tầm nhìn chung năm 2017.

Đạo luật nhằm trấn an các đồng minh về tính "đáng tin cậy của các kết của Mỹ", đồng thời hạn chế các dao động, chệch hướng "cực đoan" trong chính sách của chính quyền Mỹ có thể phương hại đến uy tín và lợi ích quốc gia của Mỹ, cũng không để Tổng thống Trump trong một sự ngẫu hứng chiến lược khó lường phá bỏ vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực Ấn-Thái và trên thế giới.

Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), nhận xét rằng, bất chấp sự lắng dịu căng thẳng thời gian gần đây, phạm vi bao trùm toàn khu vực của ARIA chứng tỏ "chúng ta sẽ thấy tác động dần dần của Đạo luật này đối với sự cạnh tranh Mỹ - Trung ở Đông Nam Á". Collin Koh cảnh báo, "Chúng ta không thể đánh giá thấp khả năng Đạo luật này góp phần làm sâu sắc thêm sự đối đầu Mỹ - Trung, kể cả trong trường hợp chính quyền Tổng thống Trump không thực sự thực thi đạo luật này".

Trong khi, Tony Nash, Giám đốc công ty nghiên cứu Complete Intelligence, nhận xét, việc ký kết ARIA đồng nghĩa với việc "Mỹ có bạn bè… Những người bạn này không nhất thiết dựa trên cam kết cho vay hàng tỷ USD, mà dựa trên cam kết chính trị, kinh tế và quân sự. Điều này cho thấy thực tế trái ngược so với các mối quan hệ giao dịch mà Trung Quốc xây dựng thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường".

Tình hình diễn ra giữa lúc xuất hiện một số rạn nứt trong nền kinh tế Trung Quốc. Mối đe dọa nợ nần, hiện ước tính lớn gấp 3 lần GDP, cùng với nguồn cung bất động sản dư thừa lớn, làm dấy lên lo ngại đổ vỡ. Tăng trưởng đang chậm lại, với dữ liệu sơ bộ cho thấy nhiều tỉnh sẽ không đạt được mục tiêu GDP hàng năm. Áp lực giảm phát đang tăng lên do nhu cầu của người tiêu dùng và nhà đầu tư Trung Quốc thấp hơn dự kiến. Đồng thời, tăng trưởng chậm sẽ ảnh hưởng đến cung ứng việc làm cho hàng chục triệu người đang hàng năm gia nhập vào lực lượng lao động mới.

Tổng hợp các biện pháp mà Quốc hội và chính quyền Mỹ ban hành gần đây, trong đó có Đạo luật khả năng tiếp cận qua lại đến Tây Tạng, gia tăng đưa tin về tình hình Tân Cương, phê chuẩn thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan (khoảng 300 triệu USD) và ARIA, báo hiệu cuộc cạnh tranh kéo dài giữa Mỹ với Trung Quốc./.


Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ