(Tổ Quốc) - Cứ vào dịp 1/6, các chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi lại có dịp nở rộ. Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, năm nay, các sân khấu đã tưng bừng trở lại, tuy nhiên, nhiều nhà hát vẫn rụt rè trong việc dựng vở mới, thay vào đó là làm mới, dàn dựng lại các chương trình cũ.
- 14.05.2016 Sân khấu thiếu nhi “vào mùa”
- 26.07.2014 Sân khấu thiếu nhi: Chênh lệch giữa nông thôn và thành thị
- 12.05.2014 Sân khấu thiếu nhi phía Bắc: bỏ lối làm ăn chộp giật
- 05.07.2010 Sân khấu thiếu nhi còn gặp nhiều khó khăn
- 30.05.2010 Sân khấu thiếu nhi hè 2010: Đã có sự cạnh tranh
Sân khấu Nam - Bắc tưng bừng
Liên Đoàn Xiếc Việt Nam ra mắt chương trình "Chúa tể rừng xanh". Chương trình dài 75 phút, gồm 3 cảnh: "Ngày hội tranh tài", "Lên ngôi Chúa tể", "Ngôi nhà chung", kể câu chuyện trong một khu rừng già, có rất nhiều loài muông thú sống chung. Sự phân chia lãnh thổ và thức ăn của các loài luôn bị tranh giành, không có sự công bằng. Loài thú lớn bắt nạt các loài thú bé. Vì vậy, các loài thú đưa ra quyết định, hằng năm tổ chức ngày hội tranh tài chọn ra con thú nào mạnh nhất để làm chúa tể rừng xanh, có nhiệm vụ giữ gìn trật tự cho khu rừng và công bằng cho muôn loài. Chương trình đề cao lòng nhân ái, tình đoàn kết để tạo nên sức mạnh.
Chương trình sẽ biểu diễn phục vụ thiếu nhi trong dịp 1/6 và mùa hè này tại Rạp Xiếc Trung ương. Đây cũng là hoạt động bước đầu để xây dựng thương hiệu nghệ thuật xiếc thú của Đoàn nuôi dạy thú, biểu diễn cho đối tượng học sinh các trường học, cố định vào thứ năm hằng tuần tại Rạp Xiếc Trung ương.
Hòa chung không khí, Nhà hát Tuổi trẻ cũng ra mắt dự án nghệ thuật đặc biệt "Mùa hè yêu thương" dành cho thiếu nhi. Dự án gồm vở nhạc kịch "Bầy chim thiên nga", vở kịch "Cuộc chiến vi rút" và vở kịch "Vaxilixa và phù thủy độc ác".
Trong đó, vở "Bầy chim thiên nga" chuyển thể từ tác phẩm nổi tiếng cùng tên của đại văn hào Hans Christian Andersen, được dàn dựng với âm nhạc, vũ đạo ấn tượng, đa dạng về loại hình nghệ thuật, màu sắc lung linh, khéo léo lồng ghép nhiều tình tiết vui nhộn, hài hước để mang lại tiếng cười cho khán giả cùng những thông điệp ý nghĩa. Các buổi diễn của dự án được thiết kế, dàn dựng phù hợp nhằm thể hiện tối đa tính tương tác, trải nghiệm thực tế, thúc đẩy sự hứng thú, lạc quan, niềm vui thích và ước mơ của trẻ em.
Nhà hát Kịch Hà Nội cũng phục vụ khán giả nhí nhân dịp Quốc tế thiếu nhi và mùa hè bằng vở "Hai viên ngọc thần" (còn có tên khác là "Sự tích dã tràng"). Vở diễn kể chuyện kể về anh nông dân Dã Tràng thật thà, tốt bụng sống cùng người vợ ở thôn quê. Chính nhờ đức tính ăn ở hiền lành, nhân nghĩa mà anh đã được Rắn hổ mang và loài Ngỗng tặng cho hai viên ngọc thần.
Một viên giúp anh nghe hiểu ngôn ngữ của muôn loài, còn một viên thì giúp anh có thể đi lại thoải mái dưới nước. Anh đã dùng hai viên ngọc quý ấy để làm nhiều việc có ích, giúp nước, giúp dân. Chính tấm lòng nhân ái và đức tính đáng quý đó mà anh được bà con chòm xóm yêu thương, nể trọng.
Sân khấu phía Nam cũng đã rục rịch chuẩn bị hàng loạt chương trình dành cho thiếu nhi từ hồi tháng 4, 5. Cụ thể, Nhà hát kịch 5B ra mắt vở kịch thiếu nhi "Bộ lạc nanh trắng". Vở nối tiếp câu chuyện của bé Bớt, bé Ly, con chó Vá... từ Vương quốc những người xấu xí. Lần này các bé lạc vào bộ lạc thổ dân, phải đối đầu với lão pháp sư lừa gạt thổ dân bắt họ phá rừng, tiêu diệt voi, hổ, báo... để lấy da, lấy ngà. Thông qua hành trình nguy hiểm và dũng cảm của các bạn nhỏ, vở muốn truyền đi thông điệp bảo vệ thiên nhiên và môi trường.
Sân khấu Idecaf cũng ráo riết trên sàn tập để chuẩn bị ra mắt vở "Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá" tại Nhà hát Bến Thành. Vở lần này, do nghệ sĩ Đình Toàn đạo diễn, tập trung lực lượng diễn viên mạnh nhất của sân khấu Idecaf gồm Thành Lộc, Hữu Châu, Bạch Long, Đình Toàn, Lê Khánh, Hoàng Trinh, Mỹ Duyên, Tuấn Khải, Don Nguyễn...
Có một điều đáng chú ý là nếu sân khấu phía Nam mạnh dạn và chịu chơi khi dàn dựng nhiều vở diễn mới thì sân khấu phía Bắc vẫn chủ yếu làm mới các vở cũ. Chính điều này khiến cho "bữa tiệc nghệ thuật" dành cho khán giả nhí ở hai miền cũng có nhiều sự khác biệt.
Ví dụ như các tiết mục Xiếc vẫn là nhào lộn, uốn dẻo, lắc vòng, xiếc thú gồm lợn, khỉ, chó… được lồng vào một cốt chuyện khác, mang ý nghĩa mới mẻ hơn.
Cần đẩy sân khấu thiếu nhi lên một tầm mới
Nhà phê bình sân khấu, TS. Cao Ngọc cho rằng, sân khấu kịch thiếu nhi vốn vẫn được xem là "mảnh đất màu mỡ" để các nhà hát khai thác tối đa vào dịp hè, ngày Quốc tế thiếu nhi. Tuy nhiên, sau hai năm dịch dã, nhiều nhà hát cũng rụt rè hơn trong việc dựng vở mới.
Theo TS. Cao Ngọc, trong số các chương trình và vở diễn ở sân khấu phía Bắc được công bố, chỉ có Liên Đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ là có sự đầu tư bài bản và mới mẻ để đón chào các khán giả nhí, còn nhiều sân khấu khác vẫn chủ yếu là "bình mới rượu cũ".
"Tôi nghĩ rằng, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả nhí sau thời gian dài phải "nhốt" mình vì dịch bệnh rất cao. Vì thế, các sân khấu vẫn sẽ bán hết vé hoặc kín suất diễn. Tuy nhiên, để thực sự tạo ra những luồng gió mới cho sân khấu và đẩy mạnh mạng kịch thiếu nhi lên một tầm mới thì vẫn chưa như mong muốn", TS. Cao Ngọc bày tỏ.
Đồng quan điểm, NSND Tống Toàn Thắng cho rằng, chưa có chương trình nào lại dàn dựng dễ dàng như các chương trình dành cho thiếu nhi vào dịp 1-6 và Trung thu. Đáng lý, các chương trình này cần được dàn dựng dài hơi, có định hướng giáo dục rõ ràng thì phần lớn, các tác phẩm đều được làm trong khoảng thời gian ngắn nhất và tuổi thọ cũng thấp nhất.
NSND Tống Toàn Thắng cũng bày tỏ rằng, việc kéo được khán giả nói chung và khán giả nhí đến với sân khấu đang là nỗ lực chung của toàn ngành sân khấu. Bởi từ đây, nhiều nhà hát mới dám mạnh dạn để đầu tư những chương trình mới. Liên Đoàn Xiếc Việt Nam vẫn luôn có những kế hoạch riêng để kéo khán giả đến gần với xiếc. Vì lẽ đó, việc dàn dựng các chương trình mới buộc Liên Đoàn phải chuyển hướng tập trung phát triển nhiều loại thú nuôi, gần gũi với con người, chúng được huấn luyện và dạy dỗ để thay thế các loại thú hoang dã trên sân khấu.
Điều đó được thể hiện rõ trong chương trình xiếc "Chúa tể rừng xanh" lần này. Để tạo sự hài hòa, hấp dẫn trên sân khấu, các nghệ sĩ của Liên Đoàn cũng đã lồng ghép nội dung, tình tiết câu chuyện qua sự thể hiện của các con thú thật và nhân vật lốt thú. Và vở diễn cũng được xây dựng dựa trên truyện cổ tích Việt Nam và bài học sách giáo khoa để các em nhỏ cảm thấy quen thuộc.
Việc Rạp xiếc Trung ương đỏ đèn hàng tuần sau đại dịch đã chứng tỏ, nhu cầu thưởng thức các chương trình nghệ thuật của thiếu nhi. Vấn đề chỉ còn nằm ở các đơn vị nghệ thuật có quan tâm và thực sự có tư duy "dài hơi" hay không./.