(Tổ Quốc) - Chiều ngày 19/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm "Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ - Likeday". Tọa đàm do Trung tâm tổ chức biểu diễn nghệ thuật và sự kiện văn hóa của Nhà hát Lớn Hà Nội (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Công ty cổ phần truyền thông Việt Nam Like và Công ty LeBros tổ chức.
Chương trình có sự tham gia của đông đảo đại biểu là các chuyên gia, nghệ sĩ, người nổi tiếng, các KOLs có ảnh hưởng trên mạng xã hội ngoài ra còn có các bạn sinh viên, học sinh của Trường Đại học Văn hóa, Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, Trường THPT Việt Đức.....
Con dao 2 lưỡi
Theo thông tin của Ban tổ chức Tọa đàm, Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có dân số sử dụng mạng xã hội tích cực nhất trên thế giới với khoảng 76,95 triệu người dùng, chiếm 78,1% dân số. Mạng xã hội không còn chỉ đơn thuần là phương tiện truyền đạt thông tin mà còn là công cụ hữu hiệu trong việc truyền bá các sản phẩm văn hóa, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, sáng tạo và phổ biến những giá trị văn hóa mới….
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Công ty LeBros chia sẻ: "Mạng xã hội mang lại nhiều điều thú vị, giúp tôi tìm lại những người bạn đã mất liên lạc nhiều năm, kết bạn với nhiều người bạn mới. Nhiều người tôi ngưỡng mộ nhưng không có cơ hội gặp gỡ, qua mạng xã hội được cơ hội làm bạn, nghe họ nói, học được nhiều điều, sử dụng mạng xã hội để làm truyền thông hiệu quả rất cao. Tuy nhiên, mạng xã hội có nhiều hệ lụy tiêu cực. Nhiều người bị "ném đá". Tôi cũng từng là nạn nhân. Thời kỳ đẩy mạnh chống tin giả trong đại dịch Covid-19, tôi là một trong những nạn nhân. Nhiều người không liên quan như mẹ tôi cũng bị cư dân mạng xông thẳng vào trang cá nhân để chửi".
Ông Lê Quốc Vinh cho biết thêm, nhiều chuyện đáng buồn hơn thế. Tin tích cực không nhiều người đọc. Thứ tiêu cực thì share rất nhiều. Nếu viết cái gì mang tính thách thức, ngôn từ xấc xược, văng tục hơn 1 tý thì có nhiều like. Những ngôn từ như thế, thông thường chỉ nói trên bàn nhậu, trong nhóm những người thân thiết với nhau được bày trên mạng xã hội.
"Có nhiều thứ xấu xí. Trên tiktok, youtube… có nhiều những câu chuyện mà không biết đưa lên làm gì. Họ bày cho nhau cách bom hàng, cách lừa đảo…."- ông Lê Quốc Vinh chia sẻ.
Nếu tìm kiếm từ khóa "ứng xử kém văn minh" thì ngay lập tức kết quả trả về trên google là 17.400.000 trong vòng 0,36 giây. Theo khảo sát mới được công bố của Microsoft, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng (DCI). Kết quả này được Microsoft công bố nhân ngày quốc tế an toàn Internet. Hiện Việt Nam đứng thứ 5 sau Nga, Columbia, Peru và Nam Phi. Cuộc khảo sát của Microsoft cho thấy văn hóa ứng xử của người Việt chúng ta đang dần bị mai một. Điều này đã vô tình đầu độc và tiêm nhiễm cả tương lai của một thế hệ trẻ sau này.
Hàng năm, có biết bao nhiêu người trẻ đã bị sang chấn tâm lý và dẫn đến trầm cảm cũng chỉ vì những lời chỉ trích đầy cay độc của cộng đồng mạng. Có biết bao nhiêu người không vượt qua được cú sốc tâm lý, để rồi vĩnh biệt cuộc đời, bỏ lại gia đình và cả một tương lai. Và còn rất nhiều những Youtuber mọc lên như nấm đưa ra những thông tin tiêu cực đầy nguy hại để câu view, câu like bất chấp mọi thủ đoạn, mọi văn hoá, biến những thứ tốt đẹp sạch sẽ thành những thứ độc hại và tiêm nhiễm vào những thế hệ trẻ. Điển hình như: Đăng clip "nấu cháo gà nguyên lông", video dạy trẻ tự tử trên YoutubeKids, đưa trọng tài lên bàn thờ, thách thức, chửi bới của những giang hồ mạng và những lời tục tĩu của anh hùng bàn phím… Những điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đất nước và con người của chúng ta, làm xấu đi hình ảnh của người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
PGS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam gọi mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Theo bà Từ Thị Loan, có nhiều nghệ sĩ cống hiến tốt, lan tỏa tác phẩm nhanh qua mạng xã hội, đáp ứng nhu cầu về hưởng thụ văn hóa. Cũng có nhiều nghệ sĩ có trách nhiệm với xã hội, đi đầu về hoạt động từ thiện, chương trình có ý nghĩa nhân văn, tình nghệ sĩ cao đẹp, chia sẻ nhau những lúc khó khăn….lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội. Tuy nhiên, cũng có những nghệ sĩ bằng mọi cách quảng bá bản thân, luôn nghĩ là người công chúng, thu hút sự chú ý của mọi người. Có ca sĩ ngày nào cũng đưa tin ăn mặc, đi du lịch, con cái thậm chí đi đám tang cũng đưa lên trở nên phản cảm, phản tác dụng.
PGS.TS Từ Thị Loan cũng chỉ ra một thực tế sử dụng mạng xã hội, nếu diễn viên, nghệ sĩ đưa 1 câu cảm thán vô thưởng vô phạt cũng có rất nhiều người like. Trong khi đó nhiều người nghiên cứu – công trình nghiên cứu lớn như của GS Trần Quốc Vượng thì chỉ có vài trăm like.
Bên cạnh đó, bà Từ Thị Loan cũng nêu vấn đề hiện nay, nhiều nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội. Bà Loan cho rằng, quảng cáo là quyền của nghệ sĩ nhưng một số vô tình hoặc cố ý thông tin sai trái về chức năng của sản phẩm.
Sẽ có nhiều biện pháp xử lý quyết liệt hơn
Để ứng xử trên mạng văn minh hơn cũng như chấn chỉnh tình trạng một số cá nhân nghệ sĩ, KOLs và giới trẻ vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vừa thông qua Quyết định 512 về việc cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ VHTTDL cũng đã ban hành quyết định 3196 về việc ban hành quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Trong khi một số bạn trẻ là sinh viên kiến nghị nên cấm sóng, "phong sát" các nghệ sĩ ứng xử thiếu văn hóa trên môi trường mạng, thì một số đại biểu khác lại cho rằng giải pháp này chưa phù hợp.
Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết, ông không thích sử dụng các từ "phong sát", cấm sóng đối với các nghệ sĩ. Ông Dương cho rằng, các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, ứng xử thiếu văn hóa trên môi trường mạng cũng phải được xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Theo ông Dương, hiện nay, xử lý các vi phạm này đã có Luật An ninh mạng, Luật Khoa học và Công nghệ, Nghị định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Bộ VHTTDL cũng đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có các nghệ sĩ nhưng có lẽ đến nay chưa nhiều người nắm rõ bộ quy tắc này.
Ông Dương khẳng định, các nghệ sĩ nên thực hiện đúng Bộ quy tắc ứng xử nói trên. Các hành vi lăng mạ, hạ bệ nhau, quảng cáo sai sự thật… trên không gian mạng cần phải được xử lý. Thời gian tới, về phía Nhà nước sẽ có nhiều biện pháp xử lý quyết liệt hơn. Hiện tại, ngành văn hóa đang phối hợp với một số bộ, ngành để có quy chế phối hợp tốt hơn nhằm quản lý người hoạt động văn hóa nghệ thuật tốt hơn. Rất có thể, quy chế này sẽ được ban hành sớm, trước tháng 10/2023.
Trao đổi tại tọa đàm, ông Chu Anh Hùng, Phó Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội kiêm Giám đốc Trung tâm tổ chức biểu diễn nghệ thuật đã thay mặt Ban tổ chức tiếp thu các ý kiến đóng góp. Ông Hùng cho biết, tọa đàm "Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ - Likeday" với mong muốn lan tỏa thông điệp tới mọi tầng lớp người dân đặc biệt là giới trẻ Việt Nam cùng nhau chung tay xây dựng văn hóa ứng xử đẹp, thanh lịch trên không gian mạng xã hội, để góp phần tăng văn hóa ứng xử đẹp của xã hội. Cũng theo ông Hùng, Tọa đàm là hoạt động mở đầu cho việc đánh giá thực trạng để tìm ra những giải pháp, sáng kiến nội dung phù hợp để tổ chức truyền thông gắn với các sự kiện thông qua các buổi biểu diễn nghệ thuật, tuyên truyền tại các trường học, nơi công cộng, các tỉnh, thành... từ đó mong muốn giới trẻ sẽ ứng xử đẹp, văn minh, thanh lịch trên không gian mạng./.