• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Singapore nhập khẩu điện ít phát thải carbon từ Việt Nam qua tuyến cáp ngầm

Thế giới 25/10/2023 15:18

(Tổ Quốc) - Từ năm 2033, Singapore sẽ nhập khẩu 1,2 gigawatt (GW) điện carbon thấp, chủ yếu từ năng lượng gió ngoài khơi từ Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu 4GW điện tái tạo vào năm 2035.

Theo trang Straitstimes, Cơ quan Thị trường Năng lượng (EMA) cho biết số lượng nhập khẩu điện ít phát thải carbon với công suất lên đến 1,2GW từ Việt Nam có thể đáp ứng 10% nhu cầu hàng năm của Singapore. Quá trình nhập khẩu điện tái tạo sẽ được truyền qua các tuyến cáp ngầm mới có chiều dài khoảng 1.000 km.

Singapore nhập khẩu điện ít phát thải carbon từ Việt Nam qua tuyến cáp ngầm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Straitstimes

Chính phủ Singapore có kế hoạch nhập khẩu 30% nhu cầu điện năng vào năm 2035 từ các nguồn năng lượng sạch.

Điện tái tạo (điện gió, mặt trời) là một trong những nguồn cung cấp điện tại Việt Nam, bên cạnh nhiệt điện, thủy điện, turbin khí...

Phát biểu tại Tuần lễ Năng lượng Quốc tế Singapore tổ chức tại Marina Bay Sands hôm 24/10, Bộ trưởng thứ hai Bộ Công Thương Singapore Tan See Leng cho biết EMA đã chấp thuận có điều kiện để Sembcorp Utilities hợp tác với đối tác là Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam cho việc nhập khẩu điện.

Sembcorp hiện là một trong những tập đoàn phát triển đô thị và năng lượng hàng đầu Singapore có sức ảnh hưởng lớn trong khu vực châu Á. Sembcorp cho biết các trang trại gió ngoài khơi ở Việt Nam có thể bắt đầu sản xuất điện từ năm 2033.

Theo Bộ trưởng Tan See Leng, Singapore đã hoàn thành giai đoạn nghiên cứu đầu tiên với Mỹ để xem xét các mối liên kết hiện có và tiềm năng ở ASEAN cũng như lợi ích kinh tế xã hội trong quá trình kết nối năng lượng khu vực.

Những phát hiện này sẽ nêu rõ các lợi ích mà kết nối năng lượng mang lại cho khu vực, bao gồm giảm phát thải, giảm vốn và chi phí sản xuất nhằm tăng cường nguồn lực đầy đủ và khả năng phục hồi nguồn cung cấp điện cũng như lợi ích kinh tế thông qua tạo ra việc làm xanh.

"Chúng tôi hoan nghênh thêm nhiều quốc gia trong khu vực và các đối tác đa phương cùng tham gia trong nghiên cứu này", Bộ trưởng Tan nói thêm.

Ông Tan khẳng định hoạt động mua bán điện xuyên biên giới giữa nhiều quốc gia có thể trở thành hiện thực ở khu vực Đông Nam Á trong tương lai.

"Kể từ khi khởi công, khoảng 270 gigawatt giờ điện đã được xuất khẩu từ Lào sang Singapore. Tất cả 4 quốc gia hiện đang thảo luận về cách tăng cường dự án này, bao gồm cả việc kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho dòng điện đi mọi hướng. Chúng tôi hy vọng những dự án này sẽ hỗ trợ phát triển Lưới điện ASEAN rộng lớn hơn. Với triển vọng tốt của sáng kiến này cho đến nay, chúng tôi hiện đang nghiên cứu khả năng tham gia thêm các dự án nhập khẩu điện, có tính đến an ninh năng lượng và cân nhắc chi phí", ông Tan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tan khẳng định năng lượng mặt trời cũng sẽ là nguồn năng lượng chủ yếu trong nhập khẩu năng lượng tái tạo của Singapore do tình trạng khan hiếm đất đai, gây hạn chế triển khai nguồn năng lượng trên quy mô lớn hơn.

Tương lai nhập khẩu điện tái tạo

Trong khi đó, công ty cung cấp và bán lẻ khí đốt duy nhất qua đường ống của Singapore City Energy và công ty năng lượng Gentari của Malaysia đã ký thỏa thuận thực hiện nghiên cứu tính khả thi chung về việc xây dựng đường ống từ Malaysia đến Singapore để nhập khẩu hydro. Nghiên cứu sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian 12 tháng, sau đó cả hai bên sẽ cùng nhau quyết định các bước tiếp theo.

Singapore đặt mục tiêu đạt được công suất năng lượng mặt trời cao nhất là 2GW vào năm 2030, có thể tạo ra đủ năng lượng để đáp ứng nhu cầu điện hàng năm của khoảng 350.000 hộ gia đình. Việc triển khai năng lượng mặt trời ở đây đã vượt qua mức đỉnh 1GW, điều đó có nghĩa là Singapore hiện đã "đi được hơn nửa chặng đường" để đạt được mục tiêu.

Theo Tiến sĩ Tan, để đạt được điều đó, chúng tôi đang theo đuổi mục tiêu tiếp theo là triển khai năng lượng mặt trời đổi mới. Để tối đa hóa các bề mặt có thể triển khai năng lượng mặt trời, chúng tôi đang thử nghiệm ứng dụng quang điện trong tòa nhà, là các tấm pin mặt trời được trang bị thêm hoặc tích hợp lên mặt tiền của các khối nhà ở.

Các nghiên cứu xem xét pin mặt trời perovskite được cho là có hiệu suất cao hơn so với pin silicon thông thường cũng đang được tiến hành.

Tiến sĩ David Broadstock, nhà nghiên cứu cấp cao và là người đứng đầu quá trình chuyển đổi năng lượng tại Viện Tài chính Xanh và Bền vững thuộc Đại học Quốc gia Singapore khẳng định Singapore có cơ hội rõ ràng để hướng tới nhập khẩu điện tái tạo đầy tham vọng, vượt quá mục tiêu 30% hiện có. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét một số cân nhắc về vận hành, chẳng hạn như nhu cầu kết hợp năng lượng mặt trời với các công nghệ lưu trữ năng lượng vì năng lượng mặt trời chỉ có vào ban ngày./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ