• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Số phận” Pakistan xoay vần thượng đỉnh BRICS

Thế giới 16/10/2016 14:27

(Tổ Quốc) - Ấn Độ thúc đẩy lập trường cô lập Pakistan và tìm kiếm sự ủng hộ chống lại lực lượng phiến quân ở Pakistan tại thượng đỉnh BRICS tại bang Goa cuối tuần này.  

Đối với Thủ tướng Narendra Modi, sự góp mặt của các nhà lãnh đạo đến từ Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi mang đến một cơ hội để làm nổi bật các mối đe dọa ông nhận thấy đối với an ninh của Ấn Độ từ cuộc đụng độ biên giới gần đây với phiến quân tại Pakistan.

Thủ tướng Ấn Độ Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng đỉnh G20 Hàng Châu tháng 9. (Nguồn: Reuters)

An ninh sẽ là một vấn đề chi phối tại hội nghị thượng đỉnh thứ tám hàng năm của BRICS, ngay cả khi các nhà lãnh đạo cũng giải quyết các vấn đề cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu như hợp tác tài chính và thương mại.

"Chúng tôi sẽ xem xét tình hình kinh tế và chính trị toàn cầu, và rõ ràng chủ nghĩa khủng bố là một phần rất quan trọng trong đó," Amar Sinha quan chức trong Bộ Ngoại giao Ấn Độ chịu trách nhiệm về BRICS, phát biểu tại một cuộc họp báo trước hội nghị thượng đỉnh.

Tuyên bố chung của Thượng đỉnh dự kiến sẽ lại đề cập đến sự lên án đối với "chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức", các nhà ngoại giao và các nhà phân tích nói, tuy nhiên tránh gia tăng căng thẳng giữa các cường quốc hạt nhân tại Nam Á.

Điểm đồng thuận Trung - Ấn

Bên cạnh cuộc tấn công đáp trả gần đây vào lực lượng phiến quân tại khu vực biên giới tranh cãi với Pakistan, New Delhi cũng đã khởi động một cuộc tấn công ngoại giao để cô lập Islamabad.

Ấn Độ đã nhanh chóng giành được sự ủng hộ của phương Tây và Nga, khi Tổng thống Vladimir Putin cũng sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh song phương với Modi ở Goa.

Còn Trung Quốc, đã có quan điểm ôn hòa hơn, tuy nhiên có thể sẽ ủng hộ việc Pakistan cần kiềm chế lực lượng phiến quân Hồi giáo.

Ông Modi và ông Tập có thể nhất trí với nhau, ít nhất tại các cuộc gặp riêng tư về mong muốn Islamabad kiềm chế phiến quân Hồi giáo - theo quan điểm của Bắc Kinh, đặt ra một mối đe dọa cho chiến lược xây dựng hành lang thương mại từ Trung Quốc, qua Pakistan và đến Biển Ả Rập

"Trái với các thông điệp công khai ở Islamabad, Trung Quốc không phải là đối tác vui vẻ vĩnh viễn khi nói đến quan hệ với Pakistan", ông Michael Kugelman, chuyên viên cao cấp về Nam Á và Đông Nam Á tại Trung tâm Woodrow Wilson ở Washington (Mỹ) cho biết.

"Với sự đầu tư và tài sản kinh tế đang phát triển của Trung Quốc ở Pakistan, điều tự nhiên là nước này sẽ lo lắng. Tất cả các nhóm phiến quân, cho dù" tốt "hay" xấu "theo định nghĩa của Pakistan, đe dọa sự ổn định và lợi ích kinh tế mở rộng của Trung Quốc."

Zhao Gancheng, giám đốc nghiên cứu Nam Á tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, nói rằng Trung Quốc và Pakistan cũng đang chú ý tới các mối đe dọa an ninh đối với hành lang thương mại.

"Nếu tình hình an ninh Pakistan không cải thiện, nó sẽ cản trở một số các dự án - đặc biệt là cơ sở hạ tầng", Zhao nói. "Trong bối cảnh này, hợp tác chống khủng bố là rất cần thiết."

Mâu thuẫn lợi ích

Các nhà lãnh đạo BRICS sẽ ủng hộ kế hoạch – đã được các cố vấn an ninh quốc gia thông qua để tạo ra ba nhóm làm việc về an ninh mạng, chống khủng bố và an ninh năng lượng, Sinha, quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao và các nhà phân tích nói rằng tham vọng lâu nay của Ấn Độ là gia nhập Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG) sẽ chưa thể đạt được tiến bộ tại Goa khi Trung Quốc chưa có dấu hiệu “mở cửa” lập trường cứng rắn hiện nay.

Và, bất chấp lo ngại về tình hình an ninh của Pakistan, Trung Quốc đã từ chối lời kêu gọi của Ấn Độ đối với Liên Hiệp Quốc để đưa Maulana Masood Azhar, lãnh đạo nhóm Jaish-e-Mohammed vào danh sách khủng bố.

Trung Quốc gần đây đã gia hạn yêu cầu tạm dừng xem xét đề xuất trên thêm 3 tháng. Điều này phản ánh sự cạnh tranh phát triển giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới.

Ấn Độ, dưới sự lãnh đạo của ông Modi, đang tìm cách thu hẹp khoảng cách về kinh tế và quân sự rất lớn với Trung Quốc, đồng thời đang chuẩn bị chuyển dịch ra khỏi chính sách ngoại giao không liên kết truyền thống để tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ.

Còn Trung Quốc, cũng đang mở rộng phạm vi kinh tế và chiến lược tới khu vực Ấn Độ Dương, với chuyến thăm tới Bangladesh ngày 14/6 khi trên đường đến Goa của Chủ tịch Tập Cận Bình, nơi ông dự kiến sẽ ký kết các khoản vay trị giá 24 tỷ USD.

"Về tổng thể, đây sẽ là một hội nghị thượng đỉnh khó khăn", Shashank Joshi, một nhà nghiên cứu cấp cao tại United Services Institute Hoàng gia (RUSI) tại London nói.

Ông nói thêm rằng, đối với Ấn Độ, "cô lập ngoại giao đối với Pakistan sẽ là mục tiêu quan trọng nhất."

(Theo Reuters)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ