• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sự thật bất ngờ phía sau việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc tìm cách đánh cắp thông tin vaccine COVID-19

Thế giới 11/05/2020 10:47

(Tổ Quốc) - Tờ New York Times đưa tin, FBI và Bộ An ninh Nội địa Mỹ chuẩn bị phát đi một cảnh báo rằng, các hacker và gián điệp giỏi nhất của Trung Quốc đang cố gắng đánh cắp các dữ liệu nghiên cứu phát triển vaccine COVID-19 từ Mỹ.

Bản dự thảo sẽ được chính thức công bố trong vài ngày tới chỉ ra, "thông qua các biện pháp bất hợp pháp", Bắc Kinh tìm kiếm "các thông tin sở hữu trí tuệ và y tế công liên quan tới vaccine, xét nghiệm và điều trị [COVID-19]". Cảnh báo tập trung vào tội phạm công nghệ và hành động của "các nhân tố phi truyền thống" – một thuật ngữ được chính quyền Trump sử dụng để ám chỉ các nhà nghiên cứu và sinh viên ăn cắp dữ liệu từ các cơ sở đào tạo và phòng thí nghiệm tư nhân.

Theo các quan chức tình báo, quyết định công bố cảnh báo là một phần trong một chiến lược đánh chặn rộng lớn hơn và cũng liên quan tới Bộ Tư lệnh Không gian mạng và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ. Nhờ vào một số chỉ thị pháp lý được Tổng thống Donald Trump đưa ra từ gần 2 năm trước, những cơ quan này có quyền lực để thâm nhập sâu vào một số mạng lưới của Trung Quốc và nhiều nước khác, từ đó thực hiện các đợt tấn công đáp trả.

Sự thật bất ngờ phía sau việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc tìm cách đánh cắp thông tin vaccine COVID-19 - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump và quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Chad Wolf (đứng giữa) trong một cuộc họp báo hồi tháng 3. Bộ An ninh Nội địa Mỹ đang chuẩn bị tung cảnh báo về việc Trung Quốc tìm cách đánh cắp dữ liệu phát triển vaccine COVID-19 của Mỹ (ảnh: NYT)

18 tháng trước, các cơ quan tình báo Mỹ từng tấn công các nhóm tình báo của Nga bị cáo buộc là đang tìm cách can thiệp bầu cử giữa kỳ Mỹ, cũng như cài đặt virus phá hoại mạng lưới năng lượng Nga. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu Mỹ đã làm gì để cảnh báo các nhóm hacker từ Trung Quốc, bao gồm cả những hacker có quan hệ với Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược mới (tương đương với Bộ tư lệnh Không gian mạng), Bộ An ninh Quốc gia và các đơn vị tình báo khác của quốc gia châu Á.

Cảnh báo sắp công bố cũng là diễn biến mới nhất trong loạt động thái từ chính quyền Trump nhằm cáo buộc Trung Quốc là nguồn gốc bùng phát dịch bệnh COVID-19.

"Lịch sử các hành vi của Trung Quốc trong không gian mạng đã được ghi nhận nhiều, vì vậy sẽ không ngạc nhiên nếu tình báo Mỹ theo dõi các tổ chức bị cho là liên quan tới phản ứng quốc gia trước đại dịch COVID-19", ông Christopher Krebs, giám đốc Cơ quan An ninh và Hạ tầng Cơ sở mạng nói.

Cuộc truy tìm gián điệp sở hữu trí tuệ đang ngày càng tăng tốc. Nhiều tháng trở lại đây, giới chức FBI đã có mặt tại các trường đại học lớn của Mỹ và chỉ ra những điểm dễ tổn thương của các cơ sở này.

Mặc dù vậy, một số lãnh đạo nhà trường và các nhóm sinh viên đã thể hiện thái độ phản đối. Họ đặc biệt không hài lòng với tuyên bố của Thượng nghị sỹ Tom Cotton vào tháng trước rằng, việc Mỹ đã đào tạo nhiều cá nhân xuất sắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc và để họ quay trở lại quê nhà là một "scandal".

Sự thật bất ngờ phía sau việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc tìm cách đánh cắp thông tin vaccine COVID-19 - Ảnh 2.

Giãn cách xã hội được áp dụng tại một cửa hiệu cắt tóc tại Las Vegas, Mỹ (ảnh: AP)

Giới chuyên gia an ninh nhận định, cho dù số lượng các cuộc tấn công của hacker Trung Quốc liên quan tới cuộc chạy đua tìm ra vaccine và phương thức điều trị COVID-19 ngày càng gia tăng, Bắc Kinh không hề "đứng một mình".

Các hacker Iran cũng bị phát hiện đang tìm cách đột nhập vào mạng lưới của Gilead Sciences – nhà sản xuất ra remdesivir. 10 ngày trước, remdesivir đã được Hiệp hội Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đồng ý cho tiến hành thử nghiệm lâm sàng trong điều trị COVID-19.

Virus corona đã tạo nên một loạt các mục tiêu mới. Ngay cả những quốc gia vốn chưa từng nổi bật về không gian mạng cũng đã bắt đầu chuyển hướng các chiến dịch của mình sang các chủ đề liên quan tới virus.

Theo hai chuyên gia an ninh giấu tên tại các công ty tư nhân, hacker Hàn Quốc đã hướng tới Tổ chức Y tế Thế giới và giới chức Triều Tiên, Nhật Bản và Mỹ. Các cuộc tấn công chủ yếu nhằm vào hệ thống tài khoản email, từ đó thu thập thông tin tình báo về điều trị và kiềm chế virus. Điều này cho thấy, ngay cả các đồng minh cũng nghi ngờ những dữ liệu chính thức của các chính phủ về số người nhiễm và tử vong vì virus.

Trong một loạt phỏng vấn gần đây với các quan chức và cựu quan chức cũng như chuyên gia an ninh mạng, nhiều người đã đề cập tới một tinh thần "tự do cho tất cả" đang lan rộng ngay cả tại những nước có năng lực không gian mạng hạn chế.

"Đây là một đại dịch toàn cầu nhưng đáng tiếc là, các nước lại không coi nó như một vấn đề toàn cầu", cựu chuyên gia tình báo an ninh quốc gia Mỹ Justin Fier nói. "Mọi người đều đang tiến hành thu thập tình báo về các nghiên cứu y học, đơn hàng thiết bị bảo hộ y tế, phản ứng [chính phủ] – để xem ai đang có tiến triển tích cực".

Ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, Mỹ cũng tỏ ra rất cương quyết trong việc truy tìm các trường hợp cáo buộc Trung Quốc tìm cách đánh cắp sở hữu trí tuệ về nghiên cứu sinh học. Hồi tháng 1, Bộ Tư pháp Mỹ từng công bố buộc tội Chủ tịch Khoa Hóa sinh Đại học Harvard Charles M. Liebe vì những liên quan của người này tới chương trình tuyển dụng các tài năng khoa học tới Trung Quốc làm việc.

Tuy nhiên, bản thân Harvard cũng đang có một chương trình nghiên cứu chung với một trường đại học của Trung Quốc về điều trị và vaccine cho COVID-19. Trái ngược với không khí cạnh tranh giữa các chính phủ, giới khoa học lại luôn nhấn mạnh, hợp tác quốc tế là điều không thể thiếu cho hy vọng tìm ra vaccine.

Tại Google, những nhà nghiên cứu an ninh đã nhận dạng được một loạt các nhóm hacker do chính phủ điều hành đang tìm cách xâm nhập vào các mạng lưới của nhiều tập đoàn. Trong vòng 8 tuần qua, một số quốc gia – bao gồm cả những cái tên quen thuộc như Iran và Trung Quốc và khá mới mẻ như Hàn Quốc – đã tìm cách lợi dụng tình thế an ninh trở nên lỏng lẻo hơn do hàng triệu nhân viên bất ngờ phải làm việc tại nhà do ảnh hưởng của lệnh phong tỏa.

"Các chính phủ vốn không muốn đột nhập các tổ chức y tế công quốc tế, bệnh viện và tổ chức thương mại – đang vượt qua ranh giới bởi vì cơn khát kiến thức và thông tin", ông John Hultquist, giám đốc phân tích tình báo của công ty an ninh mạng FireEye kết luận.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ