• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sư tử lớn gấp 3 lần linh cẩu nhưng phải chịu mất con mồi: Do "chiến thuật" đặc biệt này

Khám phá 13/03/2023 19:00

(Tổ Quốc) - Sư tử và linh cẩu đều là những loài động vật sống trên đồng cỏ Châu Phi. Cả hai đều được mệnh danh là những kẻ săn mồi đỉnh cao. Mặc dù sống cùng khu vực, sư tử thường xuyên bị linh cẩu cướp thức ăn nhưng hiếm khi thấy chúng ăn thịt loài kia. Vì sao vậy?

Linh cẩu – Sinh vật độc nhất vô nhị

Linh cẩu có thể được mô tả là một loài động vật có cơ thể "giống chó" và giải phẫu "giống mèo", nhưng bản thân nó thực sự là một sinh vật độc nhất vô nhị. Linh cẩu là một họ riêng biệt trong bộ Carnivora (Bộ Ăn thịt). Họ này chứa bốn loài hiện có: Linh cẩu đốm, linh cẩu nâu, sói đất và linh cẩu sọc.

Sư tử lớn gấp 3 lần linh cẩu nhưng phải chịu mất con mồi: Do "chiến thuật" đặc biệt này  - Ảnh 1.

Linh cẩu là một trong những loài động vật ăn thịt tham lam nhất trên cạn. (Ảnh: NatGeo)

Về cơ bản, linh cẩu không phải là một loài mèo thực sự như hổ, báo và mèo nhà, tất cả đều thuộc họ Felidae. Thay vào đó, linh cẩu thuộc về một nhóm riêng biệt có quan hệ gần gũi với nhánh mèo hơn là họ chó.

Linh cẩu được coi là một trong những loài động vật ăn thịt tham lam nhất trên cạn, có thể giết chết các loài vật to lớn như ngựa vằn, linh dương đầu bò, trâu rừng. Chúng có hai chi trước dài và khỏe hơn hai chi sau. Răng khỏe và có khả năng xé được thịt rất dai. Ngoài ra, linh cẩu có thể chạy rất nhanh, chúng còn truy đuổi được cả những loài chim ở khoảng cách gần.

Sư tử - "Đại miêu" của rừng xanh

Sư tử (tên khoa học là Panthera leo) là một trong những "đại miêu" của họ Mèo, thuộc chi Báo. Sư tử được xếp vào mức sắp nguy cấp trong thang Sách đỏ IUCN từ năm 1996. Sư tử hoang dã hiện chủ yếu sinh sống ở vùng châu Phi hạ Sahara và châu Á (cư ngụ ở vườn quốc gia Rừng Gir thuộc Ấn Độ).

Sư tử lớn gấp 3 lần linh cẩu nhưng phải chịu mất con mồi: Do "chiến thuật" đặc biệt này  - Ảnh 2.

Sư tử chủ yếu săn những loài động vật móng guốc lớn. (Ảnh: NatGeo)

Sau hổ, sư tử là loài Mèo lớn thứ 2 thế giới. Sư tử đực nặng trung bình khoảng 180kg, trong khi sư tử cái nặng trung bình khoảng 130kg. Con sư tử nặng nhất được ghi nhận có trọng lượng lên tới 375kg. Chúng thường sống ở xavan và thảo nguyên chứ không sống trong những khu rừng rậm rạp.

Sư tử có tập tính xã hội khác biệt so với các loài họ Mèo còn lại với lối sống theo bầy đàn. Các nhóm sư tử cái thường đi săn cùng nhau, chủ yếu săn những loài động vật móng guốc lớn. Chúng là loài động vật ăn thịt đầu bảng chủ chốt và chủ yếu ăn thịt sống, mặc dù chúng cũng sẽ ăn xác thối khi có cơ hội.

Sư tử lớn gấp 3 lần linh cẩu nhưng phải chịu mất con mồi: Do "chiến thuật" đặc biệt này  - Ảnh 3.

Linh cẩu thường tranh giành con mồi với sư tử. (Ảnh: NatGeo)

Sư tử có nhiều đặc điểm thể chất giúp chúng trở thành kẻ săn mồi thiên bẩm trong tự nhiên. Cụ thể, tầm nhìn của sư tử nhạy cảm với ánh sáng gấp 6 lần so với con người, mang lại lợi thế đáng nể khi săn mồi vào ban đêm. Bên cạnh đó, chúng có khả năng đạt tốc độ lên tới 80km/h trong thời gian rất ngắn, nhảy cao tới hơn 10m.

Vì sao sư tử ít khi ăn thịt linh cẩu?

Linh cẩu thường hiếm khi tự đi săn mồi mà chủ yếu chúng sẽ theo sư tử, báo… và cướp lấy thức ăn của chúng. Chúng cũng thường đụng độ với sư tử nhưng lại hiếm khi bị ăn thịt. Lý do phía sau là gì?

Sư tử lớn gấp 3 lần linh cẩu nhưng phải chịu mất con mồi: Do "chiến thuật" đặc biệt này  - Ảnh 4.

Mặc dù giữa sư tử và linh cẩu thường xuyên có xô xát nhưng sư tử ít khi ăn thịt linh cẩu. (Ảnh: NatGeo)

Để cảm nhận rõ sự ghét nhau tới mức không đội trời chung của hai loài này, chúng ta có thể theo dõi qua bộ phim Lion King (Vua sư tử). Một tài liệu từ ghi chép, năm 1999, quần thể sư tử và linh cẩu đã giao chiến quyết liệt suốt hai tuần ở Ethiopa và đây là những cuộc chiến đẫm máu.

Các nhân chứng chứng kiến cuộc ẩu đả cho hay, những con linh cẩu dành cả ngày trốn trong hang, chỉ ra nghênh chiến sư tử vào ban đêm. 6 con sư tử và 35 con linh cẩu chết, kèm theo một số lượng không xác định những cá thể bị thương. Cuộc chiến kết thúc với việc đàn sư tử giành chiến thắng và buộc những con linh cẩu phải rời đi.

Sư tử lớn gấp 3 lần linh cẩu nhưng phải chịu mất con mồi: Do "chiến thuật" đặc biệt này  - Ảnh 5.

Sư tử và linh cẩu là loài săn mồi thường có sự trùng lặp trong môi trường sống cũng như con mồi mà chúng săn. (Ảnh: NatGeo)

Theo National Geographic, sư tử và linh cẩu là loài săn mồi thường có sự trùng lặp trong môi trường sống cũng như con mồi mà chúng săn. Chính vì thế, chúng thường đối đầu nhau trong những cuộc chiến giành lãnh thổ và thức ăn.

Theo các chuyên gia, trong một cuộc đối đầu một đối một, linh cẩu chắc chắn không phải là đối thủ của sư tử. Thông thường cần tới 3 con linh cẩu mới có thể hạ gục một con sư tử. Sư tử có kích thước lớn gấp 3-4 lần linh cẩu, nhưng đàn linh cẩu biết cách sử dụng chiến thuật để quây đánh sư tử. Một đàn linh cẩu có thể chiến thắng và giết chết sư tử khi một cá thể trong đàn bị tấn công nhờ vào số đông.

Sư tử lớn gấp 3 lần linh cẩu nhưng phải chịu mất con mồi: Do "chiến thuật" đặc biệt này  - Ảnh 6.

Đàn linh cẩu biết cách sử dụng chiến thuật để quây đánh sư tử. (Ảnh: NatGeo)

Có thể nói rằng, sư tử hoàn toàn có thể ăn thịt linh cẩu và ngược lại. Tuy nhiên, theo trang Animal, cả hai loài đều nắm rõ điểm mạnh, yếu của nhau nên chúng sẽ không vội vàng lao vào cuộc chiến không cân bằng về số lượng.

*Bài viết được tổng hợp từ NatGeo, Kidadl.

Nguyệt Phạm

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ